moitruongplus Theo phản ánh, Công ty Cổ phần Hoàng Hà ký hợp đồng "độc quyền” vận chuyển công dân hết thời gian cách ly tập trung tại Trung đoàn 568 (ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trở về nơi cư trú, đã có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để "móc túi” khách hàng
Theo tìm hiểu, ngày 30/7/2021, Công ty Cổ phần Hoàng Hà (sau đây viết tắt là Công ty Hoàng Hà, địa chỉ tại 368, đường Lý Bôn, phường Tiền Phong, TP Thái Bình) đã ký Hợp đồng số 438.21/HĐ-HH với Trung đoàn 568 (địa chỉ tại xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) về việc vận chuyển công dân hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại Trung đoàn 568.
Hợp đồng giữa Công ty Hoàng Hà và Trung Đoàn 568 về việc vận chuyển công dân hết thời gian cách ly tập trung về nơi cư trú.
Nội dung hợp đồng thể hiện, Công ty Hoàng Hà sử dụng các loại xe từ 4 – 45 chỗ để vận chuyển công dân hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại Trung đoàn 568 về nơi cư trú. Toàn bộ kinh phí thuê xe do công dân chi trả cho bên B (Công ty Hoàng Hà), kinh phí đã bao gồm: chi phí xăng dầu, bến bãi, phí đường bộ, công tác phòng chống dịch. Và tiền sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ của lái xe do công dân thanh toán.
Liên quan đến sự việc trên, thời gian gần đây đường dây nóng của Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của nhiều công dân về việc, sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Trung đoàn 568 họ bắt buộc phải sử dụng dịch vụ xe taxi, xe khách của Công ty Hoàng Hà để về nơi cư trú. Doanh nghiệp này có dấu hiệu lợi dụng việc ký hợp đồng "độc quyền” vận chuyển trên để "chặt chém” khách hàng, khi nâng giá dịch vụ thuê xe tăng cao gấp nhiều lần so với giá ngày thường. Cụ thể:
Theo phản ánh của công dân Trần Thị H: sau khi chúng tôi về nước tại tại cảng Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh thì được đưa về cách ly tập trung tại Trung đoàn 568. Ngày 12/9/2021, sau khi hết thời gian cách ly tôi và 2 người bạn cùng quê đã thuê xe 07 chỗ mang BKS: 17A- 047.43 của Công ty Hoàng Hà để về huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, quãng đường di chuyển khoảng 270km (theo phiếu ghi nợ thuê xe của Công ty Hoàng Hà). Tổng kinh phí chúng tôi phải chi trả chuyến xe này cho Công ty Hoàng Hà là 5.100.000 đồng.
Chứng từ của khách hàng Trần Thị H (trú tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) phải thanh toán cho Công ty Hoàng Hà số tiền 5.100.000 đồng cho quãng đường khoảng 270km.
Đây được cho là mức chi phí quá cao so với ngày thường, bởi theo tìm hiểu của PV thì giá thuê 1 chiếc xe 07 chỗ đi từ Thái Bình lên huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ vào ngày thường chỉ vào khoảng hơn 2.500.000 đồng.
Trường hợp khác, ngày 12/09/2021, chị Nguyễn Thị D (trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là khách hàng đi ghép xe 24 chỗ từ Trung đoàn 568 về huyện Nghi Xuân với chiều dài khoảng 270 km phải chi trả xấp xỉ 1.500.000 đồng cho Công ty Hoàng Hà. Tính ra mức chi phí này cao gấp 6,5 lần so với giá vé xe khách ngày thường chạy tuyến cố định Thái Bình - Nghi Xuân (ngày thường giá vé là 230.000 đồng/01 hành khách – PV).
Trên đây là đơn cử các khách hàng cư trú ngoài tỉnh Thái Bình phải chi trả dịch vụ thuê xe của Công ty Hoàng Hà. Vậy đối với các công dân là người địa phương có được doanh nghiệp này "ưu ái” hay không cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm.
Chứng từ của khách hàng Trần Văn K (trú tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) phải trả cho Công ty Hoàng Hà số tiền 1.700.000 đồng cho quãng đường khoảng hơn 40 km
Và đây là chia sẻ của công dân Trần Văn K, trú tại xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Trao đổi qua điện thoại với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, anh K cho biết: sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Trung đoàn 568, tôi và 2 người nữa cùng quê ở huyện Tiền Hải đã thuê một chiếc xe taxi 4 chỗ của hãng Hoàng Hà với giá 1.700.000 đồng. Khoảng cách từ Trung Đoàn 568 về đến nhà tôi vào khoảng hơn 40 km.
Như vậy, số tiền mà anh K và 2 người bạn đi cùng sẽ phải chi trả cho chuyến taxi của Công ty Hoàng Hà số tiền hơn 42.000 đồng/1 km. Đây cũng là đơn giá quá cao so với giá dịch vụ đã niêm yết là 12.000 đồng/km mà công ty này áp dụng ngày thường cho loại xe taxi 4 chỗ.
Rõ ràng, doanh nghiệp vận tải Hoàng Hà áp dụng mức thu "trên trời” như trên không chỉ gây bức xúc cho khách hàng, mà còn khiến cho dư luận hoài nghi về việc đơn vị này đã lợi dụng dịch bệnh và sự độc quyền trong dịch vụ vận chuyển hành khách để thổi giá dịch vụ lên cao như trên.
Câu hỏi đặt ra ở đây là việc thu phí dịch vụ của Công ty Hoàng Hà có được cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Thái Bình cho phép hay đây là vấn đề riêng, tự ý của đơn vị này. Để tránh gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh Thái Bình cần vào cuộc làm sáng tỏ sự việc trên.
Mới đây, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) thông tin, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2022 với chủ đề “Kiến tạo tương lai - bây giờ hoặc không bao giờ”
Mới đây, người dân xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông phản ánh về việc, người dân bị “tra tấn” bởi tiếng ồn của máy nghiền đá và bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường từ mỏ đá của Công ty TNHH xây dựng Trường Hải tại thôn 5, xã Thuận Hà.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh sửa đổi đăng kí kinh doanh trái quy định, gây tổn thất cho doanh nghiệp.
Báo chí phản ánh, huyện Chương Mỹ vào cuộc chỉ đạo Chủ tịch xã Tiên Phương kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, giao thông đường bộ đối với ông Nguyễn Văn Tiễn-Công ty TNHH Sơn Đồng, nhưng Chủ tịch xã vẫn làm ngơ trước vi phạm.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội (HNX), UBND tỉnh Sơn La sẽ thoái một phần vốn tại Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La (Sơn La Urenco) thông qua hình thức bán đấu giá cổ phần.
Sở TNMT tỉnh Bình Phước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 192 triệu đồng đối với HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Phương Thảo do vi phạm trong lĩnh vực BVMT. Đồng thời, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ÔNMT.