moitruongplus Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, đưa ra nhiều đề xuất để ổn định sản xuất trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam.
Ảnh minh họa
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, cho biết ngành nhựa có hơn 3.000 doanh nghiệp với hơn 300.000 lao động trên cả nước, trong đó 70% doanh nghiệp hoạt động tập trung tại TP. HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Diễn biến tình hình dịch Covid-19 phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp trong ngành lâm vào cảnh điêu đứng.
Hiện nay, hơn 50% doanh nghiệp nhựa đã phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng do không đáp ứng được phương án "3 tại chỗ” hoặc phương án "2 điểm đến 1 cung đường”. Và điều này tất yếu dẫn đến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm hoặc bị hủy đơn hàng. Dự báo, tình hình những tháng cuối năm của ngành này cực kỳ khó khăn.
Trước thực tế này, VPA đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đề xuất được xem xét hỗ trợ giãn nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp trong 6 tháng tới cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn; giảm tiếp 2%-3% lãi suất cho vay đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.
Theo VPA, hiện rất nhiều doanh nghiệp nằm trong khu phong tỏa, cách ly, hoạt động sản xuất chỉ đạt 30%, có cố gắng cũng chỉ 50%, ảnh hưởng đến doanh thu, dòng tiền. Bên cạnh đó, VPA cũng đề xuất giảm thuế đất hàng năm phải nộp của năm 2021; cho doanh nghiệp lùi thời gian đóng các khoản thuế, bảo hiểm xã hội trong 6 tháng tới giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, để bù đắp cho doanh nghiệp những tháng phải ngừng sản xuất kinh doanh trong năm 2021.
Về phương thức hoạt động an toàn, VPA kiến nghị không tiếp tục duy trì áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" mà bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn, đặc biệt cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn doanh nghiệp cụ thể khi có ca F0 xuất hiện trong nhà máy để không lúng túng trong việc xử lý.
Bên cạnh đó, VPA kiến nghị bổ sung doanh nghiệp nhựa vào nhóm ưu tiên tiêm vắc-xin, bên cạnh các ngành điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm, đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho lao động 3 tại chỗ sản xuất hàng thiết yếu, sao cho từ đầu tháng 9, các doanh nghiệp 3 tại chỗ, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu sẽ có 100% lao động được tiêm 2 mũi và được tổ chức sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
VPA đề xuất, nếu doanh nghiệp phát hiện F0 thì được áp dụng nguyên tắc "lây nhiễm ở đâu, làm sạch ở đó, tiếp tục hoạt động”, được khử khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với các F0, doanh nghiệp sẽ đưa vào bộ phận cách ly trong nhà máy, để quản lý theo hướng dẫn tương tự hình thức cách ly F0 tại nhà đang áp dụng ở TP. HCM.
Nếu F0 khỏe mạnh vẫn có thể làm việc, miễn là không tiếp xúc với những người chưa nhiễm virus. Đối với F1, cần xét nghiệm PCR ngay lập tức và sau 7 ngày tiếp theo. Các F1 thuộc bộ phận có F0 vẫn tiếp tục làm việc sau 3 ngày khử khuẩn, và được quản lý theo hướng dẫn tương tự hình thức cách ly F1 tại nhà đang áp dụng ở TP. HCM.
Ngoài ra, VPA kiến nghị phải có thanh kiểm tra, can thiệp kịp thời để các hãng tàu không lũng đoạn về giá và phí như hơn 1 năm qua. Bên cạnh đó, đề nghị các hãng tàu cho kéo dài thời gian lưu bãi bằng thời gian lưu container từ 14 đến 21 ngày để doanh nghiệp tránh phát sinh chi phí.
Cùng với đó, VPA đề nghị Bộ Y tế thống nhất từng loại giấy xét nghiệm và thời gian hiệu lực của mỗi loại, khi lái xe lưu thông qua các tỉnh thì dùng loại nào để các địa phương thực hiện; bỏ quy định cấp mã QR-Code về "luồng xanh" trên phạm vi cả nước.
"Chúng tôi đã rất mệt mỏi với những khó khăn chồng chất, nên rất cần sự thống nhất để lưu thông hàng hóa thông suốt, không để mỗi tỉnh chỉ đạo một kiểu như hiện nay, gây cản trở vô cùng cho doanh nghiệp"- ông Hồ Đức Lam nêu ý kiến.
Theo Tạp chí Đầu tư tài chính
Mới đây, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) thông tin, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2022 với chủ đề “Kiến tạo tương lai - bây giờ hoặc không bao giờ”
Mới đây, người dân xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông phản ánh về việc, người dân bị “tra tấn” bởi tiếng ồn của máy nghiền đá và bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường từ mỏ đá của Công ty TNHH xây dựng Trường Hải tại thôn 5, xã Thuận Hà.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh sửa đổi đăng kí kinh doanh trái quy định, gây tổn thất cho doanh nghiệp.
Báo chí phản ánh, huyện Chương Mỹ vào cuộc chỉ đạo Chủ tịch xã Tiên Phương kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, giao thông đường bộ đối với ông Nguyễn Văn Tiễn-Công ty TNHH Sơn Đồng, nhưng Chủ tịch xã vẫn làm ngơ trước vi phạm.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội (HNX), UBND tỉnh Sơn La sẽ thoái một phần vốn tại Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La (Sơn La Urenco) thông qua hình thức bán đấu giá cổ phần.
Sở TNMT tỉnh Bình Phước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 192 triệu đồng đối với HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Phương Thảo do vi phạm trong lĩnh vực BVMT. Đồng thời, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ÔNMT.