moitruongplus Dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí nói chung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nói riêng.
Trong bối cảnh đó, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu Tập đoàn chủ động dự báo thị trường, đẩy mạnh "quản trị biến động", đảm bảo hiệu quả cho các mặt hoạt động.
Trong 8 tháng năm 2021, kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục "mong manh” bởi ảnh hưởng của biến thể mới Delta, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, mạnh, trên diện rộng cùng việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng, tác động lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có Petrovietnam và các đơn vị thành viên.
Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng trong tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0,8%. Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước giảm 1,7%. Cùng với đó cầu thị trường yếu khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dầu khí như dầu thô, khí, điện, xăng dầu, phân bón… đều giảm mạnh.
Nửa cuối năm 2021, dự báo nhu cầu dầu thô của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á giảm sút do Covid-19, thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Gần đây nhất, OPEC+ đã ban hành mức sản lượng áp dụng trong tháng 8 và 9/2021. Theo đó, Saudi Arabia và Nga có thể tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày mỗi tháng; các nước còn lại trong OPEC+ sẽ tăng khoảng 10.000 thùng/ngày.
Nhu cầu phục hồi từ các nền kinh tế phát triển: Mỹ, Trung Quốc, Nhật và tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc giảm do Covid-19 dự kiến hết năm 2021 mới có thể kiểm soát. Dự báo trong năm 2022, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động của nền kinh tế, khiến làm chậm quá trình phục hồi ở một số nền kinh tế, trong khu vực trong đó có Việt Nam.
Trong nước hiện nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu xăng dầu giảm mạnh do giãn cách xã hội nên không có thị trường tiêu thụ được sản phẩm lọc dầu. Các nhà máy lọc dầu như Dung Quất, Nghi Sơn đã chủ động điều tiết công suất cùng các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng tồn kho nhưng mức độ tồn kho tại các nhà máy vẫn ở mức cao (trên 85%).
Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của PVOIL trong tháng 8/2021 ước giảm khoảng 44% so với kế hoạch. Nhu cầu xăng dầu trong nước giảm nghiêm trọng, trong bối cảnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở nhiều tỉnh thành, sản lượng bán lẻ giảm đến 80% tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, 60% tại Hà Nội, tổng nhu cầu thị trường giảm khoảng 40%. Đồng thời với việc tiếp tục nhập khẩu xăng dầu cùng việc tồn kho cao dẫn đến dư thừa nguồn cung xăng dầu.
Người lao động bảo dưỡng dây chuyền trong phân xưởng tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ.
Trước tình hình đó, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét về chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu, giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các đơn vị trong nước.
Dịch bệnh cũng dẫn đến nhu cầu thị trường cho các sản phẩm khí cũng giảm sút, đặc biệt lượng khí huy động cho phát điện giảm mạnh. Huy động khí cho sản xuất điện 7 tháng đã thấp hơn kế hoạch của Bộ Công Thương (khu vực Đông Nam Bộ đạt 94,2%, Tây Nam Bộ đạt 72,8%). Dự kiến các tháng cuối năm, sản lượng khí tiêu thụ sẽ còn thấp hơn khi các tỉnh, thành phía Nam vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, các nhà máy, hộ tiêu thụ sử dụng khí làm nguyên liệu, nhiên liệu dừng hoạt động hoặc hoạt động ở mức cầm chừng.
Sản phẩm phân bón của 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng rơi vào tình trạng cung dư hơn cầu do thời điểm mùa vụ đã qua. Tính đến ngày 11/8, tồn kho tại Nhà máy Đạm Cà Mau là 48,2 nghìn tấn Ure, con số ở Đạm Phú Mỹ là 65,5 nghìn tấn Ure.
Nhập dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Nhận diện những khó khăn thách thức từ thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí, lãnh đạo Petrovietnam cùng các đơn vị đã tập trung trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp tháo gỡ. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường giữ vai trò "sống còn” đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Với vị thế là doanh nghiệp giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, Petrovietnam đã chủ động nắm bắt thời cơ, tiếp tục đẩy mạnh "quản trị biến động”, thường xuyên cập nhật dữ liệu, dự báo thị trường, đưa ra kịch bản tối ưu, đảm bảo hiệu quả cho các hoạt động của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, Petrovietnam tiếp tục xây dựng các giải pháp, kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm dầu khí, đẩy mạnh xuất khẩu song song với việc phát triển, củng cố, kiểm soát thị trường, tạo cơ sở phát triển và nắm bắt cơ hội tiêu thụ sản phẩm khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát kéo theo nhu cầu của thị trường tăng trong thời gian tiếp theo.
Theo Kinh tế Đô thị
Mới đây, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) thông tin, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2022 với chủ đề “Kiến tạo tương lai - bây giờ hoặc không bao giờ”
Mới đây, người dân xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông phản ánh về việc, người dân bị “tra tấn” bởi tiếng ồn của máy nghiền đá và bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường từ mỏ đá của Công ty TNHH xây dựng Trường Hải tại thôn 5, xã Thuận Hà.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh sửa đổi đăng kí kinh doanh trái quy định, gây tổn thất cho doanh nghiệp.
Báo chí phản ánh, huyện Chương Mỹ vào cuộc chỉ đạo Chủ tịch xã Tiên Phương kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, giao thông đường bộ đối với ông Nguyễn Văn Tiễn-Công ty TNHH Sơn Đồng, nhưng Chủ tịch xã vẫn làm ngơ trước vi phạm.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội (HNX), UBND tỉnh Sơn La sẽ thoái một phần vốn tại Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La (Sơn La Urenco) thông qua hình thức bán đấu giá cổ phần.
Sở TNMT tỉnh Bình Phước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 192 triệu đồng đối với HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Phương Thảo do vi phạm trong lĩnh vực BVMT. Đồng thời, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ÔNMT.