moitruongplus Ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Hà "vẽ” ra nhiều chi phí để hợp thức việc thu giá dịch vụ vận tải hành khách, đồng thời bác bỏ tin lợi dụng dịch bệnh "móc túi” khách hàng

Doanh nghiệp lớn…

Ngày 13/9, Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải bài viết "Thái Bình: Công ty Hoàng Hà bị tố lợi dụng dịch bệnh "móc túi” khách hàng?”, nội dung phản ánh việc Công ty Cổ phần Hoàng Hà ký hợp đồng "độc quyền” vận chuyển công dân hết thời gian cách ly tập trung tại Trung đoàn 568 (ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trở về nơi cư trú, đã có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để "móc túi” khách hàng.

Ngay sau khi bài viết được đăng tải đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, trong đó có những ý kiến trái chiều về sự việc trên. Nhiều người chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Nhưng đa phần các ý kiến khác lại cho rằng đây là thời điểm để doanh nghiệp thể hiện được cái tâm, cái tầm và cả đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp,… và doanh nghiệp không thể "vẽ” ra chi phí,  lợi dụng sự "độc quyền” vận chuyển hành khách để "móc túi” công dân một cách trắng trợn như vậy.

Khách hàng Trần Thị H phải thanh toán cho Công ty Hoàng Hà số tiền 5.100.000 đồng cho quãng đường khoảng 270km

Ông Nguyên Hữu Th, một cán bộ hưu trí trú tại Thành phố Thái Bình cho biết: Trong mấy ngày gần đây tôi thấy dư luận bức xúc, bàn tán việc Công ty Hoàng Hà thu phí dịch vụ vận chuyển những công dân phải đi cách ly tập trung về gia đình với giá rất cao so với quy định.

Khi tôi biết thông tin doanh nghiệp Hoàng Hà thu phí một chuyến xe taxi 7 chỗ di chuyển quãng đường khoảng 40 km (từ Trung đoàn 568 về huyện Tiền Hải – PV) lên đến 1.700.000 đồng là không thể chấp nhận – ông Nguyễn Hữu Th bức xúc nói.


Dư luận đặt câu hỏi có hay không tồn tại nhóm lợi ích trong hợp đồng giữa Công ty Hoàng Hà và Trung Đoàn 568 về việc vận chuyển công dân hết thời gian cách ly tập trung về nơi cư trú.

Cần phải khẳng định một điều rằng, để Công ty Hoàng Hà phát triển và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp vận tải lớn của tỉnh Thái Bình như ngày nay, thì không thể không nhắc đến những chính sách, cơ chế mà chính quyền các cấp tỉnh Thái Bình hỗ trợ, tạo điều kiện  trong suốt những năm tháng qua. Song song đó là sự đóng góp không nhỏ của người dân địa phương và khách hàng trên cả nước khi sử dụng dịch vụ vận tải của doanh nghiệp này. 

Vì thế, hơn lúc nào hết đây chính là thời điểm và cơ hội để doanh nghiệp này "tri ân” cho công dân và những khách hàng của mình. Đặc biệt đối với những người phải đi cách ly tập trung, họ đã phải chịu bao khó khăn vất vả mới hoàn thành thời gian cách ly để trở về với gia đình, vì thế nếu không hỗ trợ được thì cũng xin đừng "móc túi” họ.

Thời gian qua dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên hầu hết trên cả nước, đã gây nhiều hệ luỵ và khó khăn cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh này nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp luôn sẵn sàng ủng hộ những chuyến xe 0 đồng để giúp đỡ nhân dân giảm bớt khó khăn khi di chuyển, giúp sức cùng Chính phủ khống chế dịch bệnh đã mang lại giá trị đạo đức và tính nhân văn sâu sắc.
Từ sự việc trên, câu hỏi mà dư luận đặt ra là Công ty Hoàng Hà đã làm gì để hỗ trợ những công dân, khách hàng của mình gặp khó khăn trong dịch bệnh? 

Mang tư tưởng "con buôn” mùa dịch

Trở lại việc Công ty Hoàng Hà bị tố lợi dụng dịch bệnh để "chặt chém” khách hàng, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT công ty này.
Qua điện thoại ông Hà khẳng định việc khách hàng phản ánh công ty thu phí quá cao là thông tin một chiều, không đúng bản chất sự việc. 

Ông Hà lý giải: để chở người hết thời gian cách ly về địa phương thì anh em lái xe phải đi tập huấn và phải đi làm xét nghiệm mới đủ điều kiện để đi qua các chốt kiểm dịch được. 


Do "gánh” nhiều chi phí khác nên khách hàng Trần Văn K đã phải chi trả cho Công ty Hoàng Hà số tiền 1.700.000 đồng cho quãng đường khoảng 40 km

Trả lời về việc thu phí quá cao đối với khách hàng Trần Văn K và 2 người đi cùng, khi họ thuê taxi 7 chỗ từ Trung Đoàn 568 về xã Đông Long – huyện Tiền Hải phải chi trả số tiền 1.700.000 đồng cho quãng đường khoảng 40 km. 

Ông Lưu Huy Hà đã tính toán chi tiết chi phí rằng: đối với 3 khách hàng này cũng phải tính cả chi phí xét nghiệm Covid-19 PCR với số tiền lên đến hơn 700.000 đồng, và tiền mua đồ bảo hộ nữa nên không thể tính phí như bình thường được. Vì vậy, dù tuyến đường ngắn hay dài đều phải tính chi phí như thế.


Ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT công ty Hoàng Hà trả lời về chi phí xét nghiệm Covid-19 PCR cho 1 lái xe hết hơn 700.000 đồng, trong khi tại Bệnh viện nhi Thái Bình chỉ thu 417.000 đồng/1 người và nếu xét nghiệm PCR gộp từ 2-5 người/lần thì chỉ hết 217.000 đồng/1 người.

Việc ông Hà tính chi phí xét nghiệm Covid-19 PCR cho lái xe hơn 700.000 đồng là thông tin thiếu chính xác (nếu làm xét nghiệm PCR ở tỉnh Thái Bình). Bởi lẽ, theo tìm hiểu vủa PV thì đơn giá xét nghiệm Covid-19 PCR tại Bệnh viện nhi Thái Bình cho một trường hợp xét nghiệm là 417.000 đồng, còn nếu xét nghiệm gộp từ 2-5 người/1 lần thì chi phí chỉ hết 217.000 đồng/ 1 người.

Chẳng lẽ với một doanh nghiệp kinh doanh có "sỏi” như Công ty Hoàng Hà lại không thể tìm đến cơ sở y tế này và lại không biết sắp xếp gộp 2-5 lái xe làm xét nghiệm 1 lần để giảm bớt chi phí. Hay do khách hàng phải chịu chi phí này nên đơn vị không cần phải bận tâm ?!

Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu của PV thì thời gian qua việc vận chuyển hành khách trong nội tỉnh Thái Bình được diễn ra bình thường, vậy lái xe của Công ty Hoàng Hà khi chở khách hàng Trần Văn K về huyện Tiền Hải có bắt buộc phải làm xét nghiệm Covid-19 PCR như ông Hà trả lời.

Và nếu như trường hợp lái xe trên không bắt buộc phải làm xét nghiệm PCR khi lưu thông trong nội tỉnh Thái Bình, thì việc phản ánh Công ty Hoàng Hà cố tình vẽ ra chi phí để "móc túi” khách hàng là có cơ sở.

Cũng theo ông Hà, trước khi vận chuyển khách hàng công ty đã báo giá cho từng chuyến xe về số tiền mà khách hàng phải thanh toàn và họ đồng ý thì chúng tôi mới thực hiện.

Cần nhắc để ông Lưu Huy Hà hiểu rằng, trong hoàn cảnh những công dân đã thực hiện xong thời gian cách ly tập trung, thì họ khát khao được trở về với gia đình thế nào chắc có lẽ ông cũng hiểu phần nào. Đặc biệt là họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải sử dụng dịch vụ vận tải của công ty ông.
Khi đó doanh nghiệp do ông là người đứng đầu dù có báo giá thế nào thì họ cũng phải "cắn răng” mà chịu, miễn sao được về đến nhà an toàn với người thân và gia đình họ.

Chính vì vậy, nếu đúng ra khi báo giá dịch vụ cho khách hàng, Công ty Hoàng Hà cần phải minh bạch và bóc tách rõ ràng về việc áp dụng đơn giá thuê xe taxi theo giá trị hàng ngày là bao nhiêu, và kèm theo chi phí phát sinh mà khách hàng phải chi trả thêm như lời ông Hà nói: chi phí xét nghiệm Covid-19 PCR, tập huấn và mua đồ bảo hộ cho lái xe,… và tổng chi phí cho từng mục này là bao nhiêu cũng cần phải rõ ràng, không kiểu "lập lờ đánh lận con đen” thế được. 

Trụ sở Công ty Cổ phần Hoàng Hà ở đường Lý Bôn, TP Thái Bình

Rõ ràng, việc tạo dư luận xấu và bị "mang tiếng” lợi dụng dịch bệnh để móc túi khách hàng là do Công ty Hoàng Hà đã mập mờ trong việc báo giá dịch vụ vận chuyển của mình. Lẽ dĩ nhiên phản ánh của khách hàng nêu trên là hoàn toàn có cơ sở.

Để sớm ổn định dư luận tại địa phương, chúng tôi kính đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các Sở, ngành liên quan của tỉnh vào cuộc thanh kiểm tra hoạt động thu phí dịch vụ vận chuyển hành khách  theo hợp đồng đã ký giữa Công ty Hoàng Hà với Trung đoàn 568, đồng thời làm rõ có hay không việc tồn tại nhóm lợi ích trong sự việc trên.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội hưởng ứng Chiến dịch ''Giờ Trái đất 2022''

Mới đây, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) thông tin, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2022 với chủ đề “Kiến tạo tương lai - bây giờ hoặc không bao giờ”

Đắk Nông: Cần làm rõ hoạt động từ mỏ đá của Cty Trường Hải

Mới đây, người dân xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông phản ánh về việc, người dân bị “tra tấn” bởi tiếng ồn của máy nghiền đá và bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường từ mỏ đá của Công ty TNHH xây dựng Trường Hải tại thôn 5, xã Thuận Hà.

Hà Tĩnh: Doanh nghiệp tổn thất do Sở kế hoạch và đầu tư sửa đổi ĐKKD trái quy định

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh sửa đổi đăng kí kinh doanh trái quy định, gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Bài 3: Chính quyền có đang “tiếp tay” cho vi phạm của Công ty TNHH Sơn Đồng?

Báo chí phản ánh, huyện Chương Mỹ vào cuộc chỉ đạo Chủ tịch xã Tiên Phương kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, giao thông đường bộ đối với ông Nguyễn Văn Tiễn-Công ty TNHH Sơn Đồng, nhưng Chủ tịch xã vẫn làm ngơ trước vi phạm.

Thoái vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội (HNX), UBND tỉnh Sơn La sẽ thoái một phần vốn tại Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La (Sơn La Urenco) thông qua hình thức bán đấu giá cổ phần.

Bình Phước: Xử phạt 192 triệu đồng HTX Phương Thảo ngang nhiên xả thải ra môi trường

Sở TNMT tỉnh Bình Phước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 192 triệu đồng đối với HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại Phương Thảo do vi phạm trong lĩnh vực BVMT. Đồng thời, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ÔNMT.