moitruongplus Trong một buổi làm việc vào đầu tháng 8, TS. Kidong Park, trưởng văn phòng đại diện của WHO tại Việt Nam nhận định “Ở Việt Nam hiện nay, hệ thống y tế đang chịu một áp lực vô cùng lớn và nhân viên y tế hẳn là bị quá tải”.

Câu nói của ông đã khái quát hiện trạng đang gây sức ép lên hệ thống y tế dự phòng, dẫn đến sự thiếu hụt trang thiết bị và không đủ số lượng bác sĩ hồi sức cấp cứu.

Điều trị bệnh nhân Covid 19. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nỗ lực 500% nhưng vẫn không tránh khỏi áp lực

Ngay từ những ngày đầu đến chi viện cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đặt ở Bệnh viện Ung bướu CS2 (Quận 9, TP.HCM), các bác sĩ bệnh viện K đã ngay lập tức choáng ngợp bởi số lượng bệnh nhân nặng đang được điều trị tại đây. "Đây là tuyến cuối của điều trị COVID-19 ở TP.HCM nên áp lực về số bệnh nhân tử vong cũng cao hơn. Sức ép công việc vô cùng lớn mà có lẽ trong cả sự nghiệp các y bác sĩ bệnh viện chưa bao giờ vấp phải”, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, trưởng phòng Công tác xã hội phụ trách quản lý chất lượng của Bệnh viện K, chia sẻ tại tọa đàm "Bảo vệ Blouse trắng nơi tuyến đầu” do tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức - một dịp hiếm hoi mà các bác sĩ chống dịch tự kể về mình.

Đến lúc này, người ta mới thấm thía sự khắc nghiệt trong điều kiện làm việc của bác sĩ giữa thời dịch bệnh. Sự "quá tải” mà tiến sĩ Kidong Park nhắc đến không chỉ nằm ở số bệnh nhân mà các y bác sĩ đang ngày đêm chăm sóc, mà còn là sự quá tải trong trang thiết bị và đội ngũ y tế. Dù hệ thống y tế đã huy động mọi nguồn lực hiện có để hỗ trợ những người làm công tác tuyến đầu, đặc biệt là ở vùng dịch nhưng nhìn chung, tình trạng thiếu máy trợ thở, thiết bị ECMO, máy X-quang di động, máy monitor theo dõi điện tim, máy thở oxy dòng cao, bồn chứa oxy…, vẫn phổ biến. Các bệnh viện lập ra đến đâu thì nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải, thiếu thốn vật tư y tế đến đó.

Bên cạnh máy móc, các bệnh viện còn thiếu nghiêm trọng những thiết bị bảo hộ như quần áo bảo hộ, khẩu trang N95 đạt chuẩn FDA… - đây đều là những thứ cần được cung ứng với số lượng lớn mỗi ngày. Theo BS Nguyễn Trung Cấp (Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), người được cử vào tăng cường ở khu vực miền Tây, việc thiếu thốn vật tư y tế đã làm nảy sinh những vấn đề khác. "Đã có nhiều nhà hảo tâm, tổ chức chính trị xã hội đã ủng hộ khẩu trang cho chúng tôi. Nhưng vì không có kinh nghiệm nên họ đã mua tặng chúng tôi khẩu trang giả N95 không đủ tiêu chuẩn. Không phải nhân viên y tế nào cũng đủ kinh nghiệm để nhận biết hàng kém chất lượng, và điều này đã gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và độ an toàn của nhân viên y tế”.

Tình trạng thiếu thốn trang thiết bị đã gây sức ép lên một đội ngũ nhân viên y tế cũng đang bị quá tải. Trên khắp TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, số bệnh nhân vẫn liên tục tăng lên, các y bác sĩ phải dàn trải làm rất nhiều việc như lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân, tiêm vaccine… Ở những quãng nghỉ giữa giờ, họ cũng chỉ dám ra các khu vực sạch đứng hít thở không khí trong lành một chút rồi lại tiếp tục lao vào làm việc.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, tại ba tỉnh miền Tây nơi ông phụ trách là Đồng Tháp, Vĩnh Long và An Giang, tình hình có phần yên ổn hơn so với TP.HCM nhưng với các nhân viên y tế của vùng thì đây vẫn là một cuộc khủng hoảng. "Khu vực miền Tây từ trước đến nay rất bình yên, giờ đây khi dịch bệnh tràn qua các tỉnh với con số nhiều nghìn bệnh nhân thì đây quả thực là một thách thức”. Nhưng ông cho rằng khó khăn lớn nhất ở khu vực này là sự thiếu hụt về bác sĩ hồi sức cấp cứu, "số lượng bác sĩ hồi sức cấp cứu ở đây rất hiếm hoi, và những bác sĩ thuộc chuyên ngành khác không thể làm thay công việc của họ được. Vì lẽ đó, hiện tại họ phải làm việc liên tục với 500% so với cường độ làm việc thông thường”, ông nhấn mạnh.

Những tưởng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đóng tại Bệnh viện Ung bướu CS2 - nơi quy tụ y bác sĩ của 12 bệnh viện trên toàn quốc thì tình trạng này sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, BS Nguyễn Bá Tĩnh nhận định, việc thiếu hụt các bác sĩ hồi sức cấp cứu đang là bài toán chung của các trung tâm chăm sóc bệnh nhân COVID-19. "Ở trong Bệnh viện Hồi sức hiện tại không có bệnh nhân nào thở khí trời cả. Đây đã là tuyến cuối rồi, tình trạng bệnh nhân rất nặng, mà ở các đoàn thì hầu như số lượng bác sĩ được đào tạo về hồi sức cấp cứu cũng không có nhiều”, ông chia sẻ.

Dù sao, so với đợt dịch SARS vào năm 2003, khi những người nghiên cứu về virus cúm tại Việt Nam mới lần đầu biết thế nào là trang bị phòng hộ cá nhân (PPE), khẩu trang N95, tấm che mặt (mask shield), máy thở trong phòng thí nghiệm…, thì nay nhận thức về an toàn sinh học của các bác sĩ đã được nâng cao hơn nhiều. Giờ đây, các cơ sở dã chiến được thiết lập để điều trị COVID-19 đã có thể chủ động tính toán đến những điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn, từ phân luồng, cách li cho đến thiết kế thông khí để đảm bảo độ lưu thông không khí, phân bổ phân khu làm việc, quy trình một chiều để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, điểm khó là đợt dịch này huy động tất cả các bác sĩ chuyên ngành đều tham gia vào chống dịch chứ không riêng gì bác sĩ truyền nhiễm hay bác sĩ hô hấp đã có kinh nghiệm, nên với "nhiều y bác sĩ, sinh viên, đây vẫn là lần đầu tiên họ biết bộ đồ bảo hộ trông như thế nào, thậm chí cũng là lần đầu tiếp xúc với những người mắc COVID-19”, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, mô tả về tình hình khu vực miền Nam lúc này.

Vì lẽ đó, dù các nhân viên y tế đã rà soát từng khâu một từ việc đeo các thiết bị bảo hộ như khẩu trang, kính chống giọt bắn, quần áo bảo hộ cấp bốn cho đến quy trình cởi bỏ và hạn chế tiếp xúc trong thời gian sinh hoạt, nhưng đội ngũ y tế vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng. Theo PGS. Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho đến ngày 9/8, đã có 2380 cán bộ y tế dương tính với COVID-19, trong đó ba cán bộ điều dưỡng ở hai đơn vị TP.HCM và Bình Dương đã không qua khỏi. "Một con số rất lớn, và có lẽ còn chưa đầy đủ”, bà nhấn mạnh.

Ở Bệnh viện Hồi sức, cán bộ y tế không chỉ lo lắng cho sức khỏe của bệnh nhân, mà họ còn phải đảm bảo an toàn cho chính mình. "Hằng ngày bệnh nhân nhiễm nặng vẫn ho thẳng vào người của các y bác sĩ điều trị. Ở mức độ nguy hiểm như vậy, ở bệnh viện chúng tôi đang làm đã có một số cán bộ y tế bị nhiễm và phải tự cách li. Điều này dẫn đến khối lượng công việc sẽ lớn hơn rất nhiều lần vì không bệnh viện nào có thể chia sẻ nhân sự được, nơi đâu cũng thiếu cả”, BS Nguyễn Bá Tĩnh trao đổi. Và tình hình đã quá tải đến mức, cán bộ y tế bị nhiễm sau một thời gian được điều trị khỏi bệnh lại tiếp tục quay lại với công việc.

Đại dịch và những bài học

Sự quá tải về thiết bị y tế và đội ngũ y tế là những vấn đề mà chúng ta đã lờ mờ nhận ra trong đợt dịch này, nhưng chỉ đến khi khi các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch làm rõ những điều họ đang trải qua từng giờ, chúng ta mới hình dung ra được mức độ khẩn cấp mà hệ thống y tế hiện tại phải đối mặt. Theo BS Nguyễn Trung Cấp, điều trước mắt mà các nhà quản lý có thể làm ngay lập tức là siết chặt kiểm soát, xử lý nghiêm những đơn vị buôn bán, làm giả, nhái nhãn mác các trang thiết bị phòng hộ. "Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành danh sách các khẩu trang đạt tiêu chuẩn N95, nhưng khi chúng tôi gọi ngay cho các đơn vị sản xuất để ‘truy hỏi’, thì họ vẫn trả lời là N95 là tên họ đặt cho khẩu trang chứ không phải là để chỉ tiêu chuẩn khẩu trang”, ông thuật lại mánh lới của các nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, trong thời gian trước mắt, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn trầm trọng, số ca mắc vẫn không ngừng tăng lên, Bộ Y tế cần có phương án giải tỏa căng thẳng cho những nhân viên y tế. Trong thời gian xa nhà để vào miền Nam chi viện, bên cạnh nỗi lo lắng về sức khỏe của bệnh nhân, sức khỏe của chính mình, các nhân viên y tế mỗi ngày còn trăn trở về tình hình của những người thân trong gia đình. Theo đó, chính sách ưu tiên cho người thân của các nhân viên y tế chống dịch được tiêm vaccine cũng là một cách để giải tỏa nỗi ưu tư của họ. "Vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến một người điều dưỡng vừa điều trị cho người bệnh, vừa điều trị cho bố ruột của mình, lại tiếp tục nghe tin anh ruột của mình cũng nhiễm nặng”, BS Nguyễn Bá Tĩnh kể về một trong số những trường hợp nhân viên y tế đã lâm vào tình cảnh trăn trở cả ‘việc nước, việc nhà’ tại Bệnh viện Hồi sức nơi ông đang làm việc.

Trong một nghiên cứu về sức khỏe tinh thần của các bác sĩ, y tá, TS. Dương Văn Tuyển (trường Khoa học dinh dưỡng và Sức khỏe, ĐH Y khoa Đài Bắc, Đài Loan) và các cộng sự nhận thấy những cán bộ y tế tham gia chống dịch có mức nguy cơ lo âu tăng 4,4 lần, trầm cảm tăng 3,3 lần, và chất lượng cuộc sống giảm 2,1 điểm so với người không tham gia chống dịch. Chính vì vậy, việc lập những phòng tư vấn tâm lý cho các y bác sĩ ngay tại trung tâm điều trị cũng là điều cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận TW, bên cạnh những đề xuất trên, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể cho các nhân viên y tế tại từng địa phương. Trong đó ông cho rằng phải có ba phụ cấp: phụ cấp độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp ngoài giờ. Ông cũng đề cập đến sự thiếu sót trong kịch bản ứng phó phòng chống dịch COVID-19: "Đọc các kịch bản, chúng ta chỉ thấy toàn giao nhiệm vụ. Kể cả Nghị quyết 86 cũng chỉ đưa ra những giải pháp cấp bách thực hiện nhiệm vụ, thực thi nhiệm, chứ không có dòng nào nói về chính sách chăm lo cho nhân viên y tế”, ông kiến nghị.

Bản thân những chiến lược ứng phó dịch bệnh trong đợt dịch lần này cũng là sự kế thừa từ những bài học mà các chuyên gia y tế Việt Nam đã rút ra được từ đợt dịch SARS vào năm 2003 và H1N1 vào sáu năm sau. Do đó, hậu COVID-19, Việt Nam sẽ cần xây dựng các phương án thích ứng với bệnh truyền nhiễm và bệnh mới nổi trong tương lai như đầu tư vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực tế dự phòng - cả về năng lực và số lượng - cũng như truyền thụ hiểu biết về phòng chống dịch bệnh cho đội ngũ y tế địa phương, tổ chức các lớp tập huấn về bảo hộ cá nhân, những quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.


Các tin khác


Bộ Y tế đề xuất F0, F1 có thể làm việc

Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (07 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc.

Quảng Ninh: Thu giữ 1.500 bộ kit test Covid-19 có dấu hiệu nhập lậu

Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện 1.500 bộ kit test nhanh Covid-19 xuất xứ Trung Quốc có dấu hiệu nhập lậu.

Ngày 3/3: Hà Nội lập kỷ lục mới 18.661 ca mắc COVID-19 mới

Trong 18.661 ca COVID-19 mới phát hiện ở Hà Nội ngày 3/3 có gần 6.500 ca cộng đồng. Số ca mới hôm nay cao hơn kỷ lục hôm qua 3.500 ca.

Xác định nguyên nhân ban đầu vụ lật ca nô khiến 17 người chết ở Hội An

Tại cuộc họp báo chiều 1/3 công an tỉnh Quảng Nam đã thông tin nguyên nhân ban đầu xảy ra vụ lật ca nô tại biển Cửa Đại. Theo đó trong khi di chuyển về thì sóng to gió lớn đã đập vào mạn thuyền bên trái gây vỡ, nước tràn vào lật úp ca nô.

Video hướng dẫn test nhanh Covid-19 tại nhà chuẩn theo Bộ Y tế

Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành phối hợp cùng Bộ Y tế đã đưa ra video hướng dẫn các bước test nhanh tại nhà, từ khi lấy mẫu đến quy trình lấy mẫu và cách xử trí với các trường hợp âm tính, dương tính với SARS-CoV-2.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thúc đẩy việc cấp phép thuốc chữa COVID-19

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thúc đẩy việc cấp thuốc chữa COVID-19, quản lý giá, hướng dẫn sử dụng đồng bộ và bình thường hóa với COVID-19.