moitruongplus Thống kê cộng dồn cho đến ngày 31/8, số ca tử vong tại TPHCM chiếm khoảng 4,2% trên tổng số các ca mắc bệnh COVID-19, nằm trong giới hạn dao động của thế giới. Ngành Y tế TP đang nỗ lực với nhiều biện pháp để giảm ca nặng và ca tử vong.
Chiều 31/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu
Thông tin với các phòng viên báo chí, Phó Ban chỉ đạo TP Phạm Đức Hải cho biết, ngày 28/8/2021, nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM ban hành Kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại TP (thống kê tới ngày 30/6/2021 có 7.208.800 người).
Đối tượng tiêm chủng cho toàn người dân TP trong độ tuổi quy định, trong đó ưu tiên gồm: Người cao tuổi; Người có bệnh lý nền, thai phụ từ 13 tuần tuổi trở lên và bà mẹ đang cho con bú; Lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm); Lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (nhà đầu tư, doanh nghiệp, công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp, người lao động thuộc nhóm cung cấp dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông…).
Theo đó, dựa trên yêu cầu bao phủ vắc xin cho người dân và quy định của Bộ Y tế về việc tiêm 2 liều vắc xin phòng COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM xây dựng 4 lộ trình tiêm vaccine, cụ thể:
Giai đoạn 1: từ ngày 29/8 đến ngày 15/9, tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1. Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vắc xin với khoảng 2.089.000 người (733.000 người tiêm vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer, 485.000 người tiêm vắc xin Moderna, 31.000 người tiêm vắc xin Pfizer, 840.000 người tiêm vắc xin Vero Cell). Tổng số lượng vắc xin cần sử dụng là 2.769.000 liều.
Giai đoạn 2: từ ngày 16/9 đến ngày 30/9, bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người). Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine, khoảng 656.900 người (500.000 người tiêm vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer, 18.200 người tiêm vắc xin Moderna, 700 người tiêm vắc xin Pfizer, 138.000 người tiêm bằng vắc xin Vero Cell). Tổng số lượng vắc xin cần sử dụng là 1.376.900 liều.
Giai đoạn 3: từ ngày 1/10 đến ngày 15/10, tiêm nhắc mũi 2 cho 2.600.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer.
Giai đoạn 4: từ ngày 16/10 đến ngày 31/12, tiêm nhắc mũi 2 cho 1.400.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vắc xin phù hợp (trong giai đoạn từ ngày 29/8 đến ngày 30/9).
Như vậy, tổng cộng số lượng vắc xin cần sử dụng từ ngày 29/8 đến ngày 31/12 là khoảng 8.145 900 liều (trong đó, sử dụng cho mũi 1 là khoảng 1.400.000 liều, sử dụng cho mũi 2 là khoảng 6.745.900 liều).
Triển khai kế hoạch này, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải lưu ý, nguyên tắc phân bổ vắc xin là của Bộ Y tế, TPHCM luôn san sẻ với các tỉnh, thành phố về vắc xin theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời tích cực trao đổi, đàm phán, mua vắc xin cho người dân TP.
Bên cạnh đó, mũi 1 tiêm vắc xin gì thì mũi 2 sẽ tiêm vắc xin tương thích. Chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng giãn cách theo Chỉ thị 16; nhưng cũng không thể bỏ giãn cách nếu chưa đủ điều kiện. Và một trong những điều kiện quan trọng chính là vắc xin.
Vì vậy, các cơ quan báo chí cần hỗ trợ TP trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin.
"Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân. Vắc xin sớm nhất là vắc xin tốt nhất” - Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải nhấn mạnh.
Tăng tốc thực hiện 150.000 túi thuốc an sinh
Tính đến 18 giờ ngày 30/8/2021, có 216.314 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 215.869 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 445 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP đang điều trị 40.561 bệnh nhân, trong đó: có 2.463 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.752 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 30/8, có 2.752 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 110.269), 335 trường hợp tử vong trong ngày.
Công tác xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 28/8/2021 đến 18 giờ ngày 30/8/2021, đã lấy 732.212; trong đó có 14.212 mẫu đơn, 17.203 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 591.355 mẫu.
Trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 30/8/2021: 6.128.344 (tăng 4.834 mũi vắc xin so với ngày 29/8/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 5.791.291, mũi 2 là 337.134.
Về công tác điều trị F0 tại nhà, TP tiếp tục chú trọng chiến lược này qua việc phát huy vai trò và hiệu quả của 411 trạm y tế lưu động, 312 trạm y tế phường – xã – thị trấn; tăng tốc thực hiện 150.000 túi thuốc an sinh; ban hành hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà theo quy định của Bộ Y tế….
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin thêm, tính đến ngày 30/8, TPHCM có 59.093 trường hợp F0 đang cách ly tại nhà, đây là những F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; diễn tiến nặng chiếm khoảng 0,4%.
Về các trường hợp tử vong, thống kê cộng dồn cho đến ngày 31/8, số ca tử vong chiếm khoảng 4,2% trên tổng số các ca mắc bệnh, nằm trong giới hạn dao động của thế giới. Ngành Y tế TP đang nỗ lực với nhiều biện pháp để giảm ca nặng và ca tử vong. Trong đó có việc tập trung mở rộng và nâng cao năng lực điều trị cho tầng 2, tầng 3; nhất là tầng 3 với sự hỗ trợ từ các bệnh viện điều trị, trung tâm hồi sức cấp cứu của Trung ương.
Liên quan đến đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 – 18 tuổi, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm sóa Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm khẳng định, theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin Pfizer cho phép tiêm người từ 12 – 18 tuổi nhưng các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế cho đến hiện tại chỉ cho phép tiêm người từ 18 tuổi; ngành Y tế TP thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Kiến nghị bổ sung hỗ trợ cho người khó khăn do dịch bệnh
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn cho biết, trong ngày 31/8, Trung tâm an sinh tại các kho của UBMTTQ Việt Nam TP đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như rau củ, gạo… của các tỉnh Lâm Đồng, Điện Biên và doanh nghiệp trị giá hơn 3.379.039.000 đồng. Hàng rau củ các loại được phân phối đến các quận 1, 3, 4, 6, 7, 11 Gò vấp, Phú Nhuận và 10 bếp ăn từ thiện; Bộ Tư lệnh TP và đến các đối tượng F0, đội ngũ y bác sỹ tại 16 bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 trị giá 2.734.414.000 đồng.
Lũy kế từ ngày 15/8/2021 đến 31/8/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển tới các quận, huyện, thành phố Thủ Đức là 1.210.255 túi.
Trong ngày, TP tiếp nhận thêm 18 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (lũy kế từ 23/8/2021 đến 31/8/2021: 793 người); 07 đối tượng cai nghiện ma túy (lũy kế từ ngày 23/8/2021 đến 29/8/2021: 109 người).
TP tiếp tục chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn. Trong đó, có nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm. Tuy nhiên, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, TP đã nâng mức độ áp dụng giãn cách xã hội, biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 nên lao động tự do tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, Sở đã có văn bản kiến nghị bổ sung hỗ trợ và bổ sung số lượng cho nhóm đối tượng này, dự kiến là 1.107.554 lượt người. Dự toán kinh phí hỗ trợ tăng thêm hơn 1.661 tỉ đồng (mức hỗ trợ 1 lần 1,5 triệu đồng/người).
Đồng thời, đề nghị bổ sung hỗ trợ cho 2 đối tượng gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động có hoàn cảnh khó khăn (đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa...) với tổng số tiền hơn 7.291 tỉ đồng (với số tiền 1,5 triệu đồng/hộ).
Bên cạnh đó, bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ, gồm: nhóm đối tượng gần 39.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hàng tháng, đối tượng quân nhân, công an, thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Dự kiến kinh phí hỗ trợ hơn 58 tỉ đồng (mức 1,5 triệu đồng/người).
Và nhóm bảo trợ xã hội như: người cao tuổi, người khuyết tật, người khiếm thị; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở cộng đồng, trẻ sống ở các mái ấm ngoài công lập. Dự kiến có gần 158.000 người được hỗ trợ trực tiếp một lần, mức 1,5 triệu đồng/người. Dự toán kinh phí là hơn 236 tỉ đồng.
Trường hợp đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ của nhiều chính sách của TP, trong đó có gói hỗ trợ COVID-19, thì chỉ được hưởng 1 diện hỗ trợ cao nhất.
Cập nhật dữ liệu F0 hàng ngày nhằm kịp thời phát hiện nếu F0 di chuyển trên đường
Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP cho biết, trong 24 giờ qua, tình hình tham gia giao thông trên địa bàn tương đối ổn định, không có tình trạng tăng/giảm đột biến và ùn tắc tại các chốt kiểm soát.
Người dân chấp hành nghiêm chỉnh việc quét mã QR Code để khai báo y tế qua phần mềm của Bộ Công an. Qua đó, lực lượng Công an TP đã phát hiện 30 trường F0 di chuyển qua các chốt chặn kiểm soát và 02 trường hợp sử dụng giấy phép lưu thông giả - Công an TP đang điều tra làm rõ để xử lý.
Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM thông tin
Xây dựng 4 lộ trình tiêm vaccine
Hiện nay, Công an TP đang phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan để cập nhật cơ sở dữ liệu F0 hàng ngày nhằm thuận tiện và kịp thời phát hiện nếu F0 di chuyển trên đường. Cùng với đó, Công an TP triển khai phần mềm tích hợp camera, khi người dân đã khai báo y tế, khi lưu thông qua các điểm có camera chỉ cần quét mã QR Code.
Liên quan đến trang phục nhận diện khi lưu thông, đại diện lãnh đạo Công an TP cũng cho hay, cán bộ, nhân viên của các cơ quan, đơn vị khi đi qua các chốt kiểm soát cũng bắt buộc phải quét mã QR Code để khai báo y tế. Việc sử dụng trang phục ngành theo quy định khi di chuyển là để dễ dàng nhận diện và quản lý lực lượng lưu thông trên đường.
Trao đổi về vấn đề đi chợ thay, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, hoạt động mua sắm hàng thiết yếu được triển khai qua phương thức "đi chợ thay”. Việc tham gia của đội ngũ shipper chuyên nghiệp sẽ góp phần rất lớn giúp giảm áp lực cho lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ này, giảm áp lực cho TP đối với công tác chăm lo đời sống nhân dân khi đội ngũ shipper có thu nhập trở lại.
Tuy nhiên, việc triển khai "đi chợ thay” tùy theo tình hình của từng địa phương, nếu địa phương nào lực lượng mỏng chưa đáp ứng được so với nhu cầu của người dân thì cần sớm báo cáo để có các giải pháp bổ trợ.
Hiện nay, các gói combo hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, nhưng một số người dân có nhu cầu đặc biệt do tình hình sức khỏe, bệnh lý, bệnh nền… việc cung ứng cần có sự linh hoạt, kịp thời hơn.
Sở Công Thương đã làm việc, giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp quản lý shipper với các địa phương để chọn các gói hỗ trợ phù hợp, trong đó khai thác nền tảng công nghệ của các hệ thống này trong việc cung ứng, giao nhận hàng hóa tại mỗi khu vực.
F0 điều trị tại nhà sẽ nhận được sự điều trị như ở các bệnh viện
Phát biểu tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, thực hiện giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đấy”, TPHCM hiện có một bộ phận người dân không đăng ký tạm trú đúng quy định song cũng không thể về quê, do đó đề nghị các Sở, ngành của TP quan tâm thêm vấn đề hỗ trợ cho các đối tượng này về lương thực thực phẩm.
Về hiệu quả điều trị và tâm lý của F0 hiện đang chăm sóc, điều trị tại nhà, theo Cục trưởng cục Báo chí, chiến lược tập trung điều trị F0 tại nhà là cách làm hiệu quả với các trạm y tế lưu động, các túi thuốc theo hướng dẫn, giúp F0 không chuyển biến nặng, tâm lý thoải mái.
Bên cạnh đó, trước những thay đổi về chính sách cũng như phác đồ điều trị, việc các ca F0 cách ly, điều trị tại nhà cũng sẽ nhận được sự điều trị như ở các bệnh viện điều trị. Đó cũng là vấn đề mà ông Nguyễn Thanh Lâm mong muốn các cơ quan báo chí quan tâm phản ánh để từ đó giúp các F0 điều trị tại nhà yên tâm, thực hiện đúng hướng dẫn của ngành Y tế.
Lấy ví dụ về một số cơ quan báo chí đăng tải việc doanh nghiệp có thể đưa hàng triệu liều vắc xin Pfizer về Việt Nam, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí cần cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin đến người đọc; rà soát, đối chiếu thông tin một cách chính thống và chuẩn xác, tránh đưa tin gây tâm lý kỳ vọng cũng như bức xúc cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền "Vắc xin tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
Nhấn mạnh "vắc xin là vũ khí chiến lược trong cuộc chiến chống COVID-19”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết, công tác đàm phán, mua bán vắc xin với các quốc gia cũng được tiến hành trong điều kiện nghiêm ngặt. Đảng và Nhà nước thời gian qua vẫn đang rất nỗ lực, quyết liệt với công tác ngoại giao vắc xin để sớm có đủ vắc xin tốt nhất cho người dân Việt Nam.
Do đó, các cơ quan báo chí truyền thông cần tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, hiểu đủ về sự quan trọng, quý giá của vắc xin, về quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tất cả vắc xin được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả. "Mức độ phủ vắc xin càng nhanh càng rộng, chúng ta càng sớm trở lại trạng thái bình thường mới” - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định.
Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (07 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc.
Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện 1.500 bộ kit test nhanh Covid-19 xuất xứ Trung Quốc có dấu hiệu nhập lậu.
Trong 18.661 ca COVID-19 mới phát hiện ở Hà Nội ngày 3/3 có gần 6.500 ca cộng đồng. Số ca mới hôm nay cao hơn kỷ lục hôm qua 3.500 ca.
Tại cuộc họp báo chiều 1/3 công an tỉnh Quảng Nam đã thông tin nguyên nhân ban đầu xảy ra vụ lật ca nô tại biển Cửa Đại. Theo đó trong khi di chuyển về thì sóng to gió lớn đã đập vào mạn thuyền bên trái gây vỡ, nước tràn vào lật úp ca nô.
Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành phối hợp cùng Bộ Y tế đã đưa ra video hướng dẫn các bước test nhanh tại nhà, từ khi lấy mẫu đến quy trình lấy mẫu và cách xử trí với các trường hợp âm tính, dương tính với SARS-CoV-2.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thúc đẩy việc cấp thuốc chữa COVID-19, quản lý giá, hướng dẫn sử dụng đồng bộ và bình thường hóa với COVID-19.