moitruongplus Mùi khét, khói đen bủa vây xóm làng, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm… Đó là thực trạng mà người dân, trong đó có người cao tuổi đang hứng chịu do những xưởng tái chế nhựa tại xã Tiên Dược gây ra. Đáng nói, những cơ sở này bất chấp "lệnh cấm”, vô tư hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ…

Những năm qua, hàng chục cơ sở tạo hạt nhựa trái phép trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường tại xã Tiên Dược đã bị cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn cưỡng chế. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số cơ sở này lại chuyển máy móc, thiết bị vào hẳn khu dân cư để hoạt động. Theo phản ánh của người dân địa phương, các cơ sở sản xuất nhựa này hoạt động bất kể ngày đêm, vô tư xả khói, nước thải ra môi trường đã gây ra tiếng ồn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.

Cũng theo nhiều người dân địa phương, để tránh gây chú ý, những cơ sở này thường đốt rác vào ban đêm, nên không khí vào thời điểm này vô cùng ngột ngạt.

Mặc dù không được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt kế hoạch hoạt động sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội, nhưng hàng loạt cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp "lệnh cấm” của chính quyền (?!).


Công ty Công ty Cổ phần sản xuất Bao bì và Xuất nhập khẩu Thanh Long

Một số người cao tuổi thôn Dược Hạ cho biết, gần 20 năm nay, hàng chục nghìn hộ dân tại xã Tiên Dược và khu vực lân cận phải sống chung với ô nhiễm môi trường do hoạt động của những cơ sở sản xuất tái chế hạt nhựa gây ra. Các cơ sở này hoạt động từ những năm 2004 và tập trung chủ yếu ở thôn Dược Hạ. Trước đây, cả thôn có mấy chục hộ theo nghề này, nhưng do ô nhiễm môi trường cùng với việc nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp, nên đã bị UBND huyện Sóc Sơn cưỡng chế. Theo đó, nhiều hộ bỏ nghề nhưng một số cơ sở còn lại thì bành trướng hơn, hoạt động ngay trong khu dân cư. Nước bẩn từ các máy giặt rửa bao tải xả ra bốc mùi hôi thối, nhất là nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng.

"Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, thậm chí phải nhắn tin, gọi điện cho ông Chủ tịch huyện giữa đêm bởi không thể chịu được ô nhiễm…nhưng không hiểu sao thực trạng không có gì thay đổi, loạt cơ sở này vẫn vô tư ngày đêm đầu độc chúng tôi”, cụ Nguyễn Văn T chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu tháng 12/2016, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Tiên Dược đã tổ chức cưỡng chế 27/27 cơ sở sản xuất gioăng kính, nhựa tái chế hoạt động trên đất nông nghiệp.

Cơ sở sản xuất hạt nhựa của bà Trịnh Thị Thắm hoạt động bất chấp lệnh cấm của TP Hà Nội (cắt từ clip)
Nhưng, ngay sau thời gian bị cưỡng chế, một số hộ lại chuyển máy về khu vực dân cư tại thôn Dược Hạ để sản xuất nhựa tái chế. Chính điều này đã làm cho môi trường sống của người dân xung quanh bị "đầu độc” bởi ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn.

Hàng ngày các hộ dân phải hít mùi nhựa khét lẹt, sống trong bầu không khí đầy khói đen, cống rãnh bốc mùi hôi thối và tiếng ồn inh tai nhức óc do máy móc hoạt động hết công suất 24/24 giờ.

"Trước đây các cơ sở này chỉ đốt bao tải xi măng, nhưng bây giờ cứ thứ gì tạo ra được nhựa là họ đốt hết, thậm chí cả bỉm của trẻ em. Đáng chú ý, các cơ sở này đều không đảm bảo quy định luật bảo vệ môi trường, không có đánh giá tác động môi trường, không có bất kỳ hệ thống xử lý chất thải, nước thải nào…”, một người dân bức xúc.

Ngày 4/9/2021, ở thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, tại cơ sở của bà Trịnh Thị Thắm, phóng viên không khỏi ngạc nhiên, bởi, bất chấp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, cơ sở này vẫn "vô tư” hoạt động. Tại đây, 5 công nhân đang miệt mài làm việc, những tiếng "gầm rú” của loạt máy móc đang hoạt động khiến phóng viên không khỏi inh tai nhức óc, một mùi khét đậm bủa vây…

Cần phải nói, tại Văn bản số 448/TB-UBND của UBND xã Tiên Dược, thông báo về việc không phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đối với cơ sở sản xuất của bà Trịnh Thị Thắm có nêu: Đến thời điểm 20 giờ ngày 27/7/2021, UBND xã Tiên Dược đã tiếp nhận 4 hồ sơ cam kết đăng ký kinh doanh trên địa bàn xã Tiên Dược. Trong đó có hồ sơ của cơ sở sản xuất Trịnh Thị Thắm (địa chỉ: Dược Hạ, Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội).

Hồ sơ gồm có: Kế hoạch phòng chống dịch, bản cam kết thực hiện phòng chống dịch, bản cam kết của người sử dụng lao động với người lao động, quyết định thành lập tổ phòng, chống Covid-19.

"Tuy nhiên hồ sơ của bà Trịnh Thị Thắm không được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt kế hoạch sản xuất trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội”, nội dung văn bản nêu rõ.

Tiếp tục quan sát tại thôn Dược Hạ, cách cơ sở của bà Thắm không xa là các cơ sở của Công ty Cổ phần sản xuất Bao bì và Xuất nhập khẩu Thanh Long và một cơ sở không treo bảng tên. Tại các xưởng này là những núi rác khổng lồ với "tạp phế lù” rác thải, đáng chú ý, mùi ẩm mốc lẫn hôi thối khiến phóng viên không khỏi ám ảnh nơi này…


Những núi rác thải xung quanh Công ty Công ty Cổ phần sản xuất Bao bì và Xuất nhập khẩu Thanh Long

Dư luận băn khoăn, không hiểu lãnh đạo UBND xã Tiên Dược đã và đang làm gì?Tại sao loạt xưởng nhựa này vô tư "hủy hoại” môi trường, thậm chí hành vi này diễn ra ngay trong thời gian giãn cách xã hội mà chính quyền vẫn ngó lơ?.

Tại diễn biến khác, liên quan tới lãnh đạo xã này đã được nhiều cơ quan báo chí thông tin những ngày qua, đó là việc bà Chủ tịch UBND xã Tiên Dược, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 "hồn nhiên” yêu cầu các thành viên trong ban chỉ đạo chia sẻ một thông tin "mập mờ” về Covid-19 khiến người dân địa phương vô cùng hoang mang.

Cụ thể, nội dung được nữ Chủ tịch xã Tiên Dược chia sẻ trong các nhóm tham gia phòng, chống dịch Covid-19 nêu: "Khẩn cấp - làm ơn share cho mọi người biết: "Biến thể delta chủ yếu là PCR âm tính, cá thể chủ yếu không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Những thay đổi trong phổi diễn ra dần dần. Khi hầu hết phổi bị ảnh hưởng, bệnh nhân khó thở và tử vong trong vài giờ. Công nhân Trung Quốc ở Ấn Độ, từ Ấn Độ về nước qua Nepal. Khi đến Trùng Khánh, các xét nghiệm ban đầu đều cho kết quả âm tính. Nhưng bác sĩ vẫn nghi ngờ nên đã cho họ chụp CT. Các công nhân được phát hiện có tổn thương ở phổi và được xác nhận là biến thể ba của Ấn Độ, chứng minh rằng biến thể siêu cấp của Ấn Độ có thể trốn tránh các thử nghiệm hiện tại. Hầu hết các điểm kiểm tra chỉ dựa trên các bài kiểm tra thông thường..." (trích một phần nội dung tin nhắn).

Quay trở lại thông tin những cơ sở tái chế nhựa tại xã Tiên Dược đang ngày đêm "hủy hoại” môi trường? Dư luận bức xúc cho rằng, phải chăng có một số cán bộ, lãnh đạo huyện, xã chống lưng. Nên những cơ sở này mới ngang nhiên hoạt động như vậy? Việc bà Chủ tịch xã còn đang chia sẻ thông tin về dịch bệnh một cách "hồn nhiên” như trên thì liệu chăng có đủ năng lực, tư duy để xử lý những công việc khác tại địa phương này?

Các tin khác


Tác giả của "Biển hát chiều nay" qua đời

Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời sáng nay 21/3, hưởng thọ 86 tuổi.

Quảng Ninh: 7 người bỏng nặng, nghi bị tạt axit do mâu thuẫn

Tối 20/3, trả lời báo chí, lãnh đạo phường Hà Tu ,TP Hạ Long, Quảng Ninh cho biết, cơ quan chức năng đang làm rõ vụ 7 người bị bỏng sau khi bị một người đàn ông tạt chất lỏng nghi axit.

Hà Nội: Khu phố cổ sẽ hạn chế tối đa việc xây dựng công trình ngầm

Khu phố cổ Hà Nội sẽ hạn chế tối đa việc xây dựng công trình ngầm. Các hoạt động xây dựng, khai thác không gian ngầm sẽ bị cấm tại Khu vực bảo vệ I.

Gia Lai: Phóng viên bị doạ cho “ăn” đạn đồng vì dám phản ánh sai phạm

Trong quá trình phản ánh hàng trăm lò than xây dựng trái phép, sử dụng cây rừng làm than củi, chiều 16/3, khi ghi nhận sự việc tại xã Hòa Phú (Chư Păh), Phóng viên bị nhóm người dọa giết, cho "ăn” đạn đồng và thách thức lực lượng chức năng đến làm việc.

Hải Phòng: Sẽ cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà

Ngày 21/3, UBND thành phố Hải Phòng sẽ bắt đầu tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà (huyện Cát Hải)

Bổ nhiệm Phó giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa

Chiều ngày 15/3, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá Thiếu tướng Trần Phú Hà, thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Công an đã trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh cho Thượng tá Nguyễn Hữu Mạnh