moitruongplus Trong lúc cả tỉnh Phú Yên đang dồn sức chống dịch, thì trong hai ngày qua, xảy ra tình trạng mất nước trên diện rộng.

Trong đó, nhiều khu vực tại TP Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa bị mất nước hoàn toàn trong nhiều giờ liền.

Sáng 21/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên dưới sự chủ trì của ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã họp khẩn với các cơ quan liên quan để bàn cách khắc phục sự cố thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn TP Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa là do mực nước từ sông Ba đang xuống rất thấp. Ngoài ra, triều cường lên cao khiến mặn xâm nhập sâu vượt qua khu vực công trình thu nước của Nhà máy nước Tuy Hòa tại xã Hòa An, huyện Phú Hòa. Độ mặn đo được lên đến 16 nghìn mg/lít (tiêu chuẩn tối đa là 250mg/lít) nên nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất nước.

Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên đang tổ chức nạo vét, khắc phục tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực thu nước Nhà máy nước Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Sự cố không bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân TP Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa kéo dài từ 17 giờ ngày 19/7 đến ngày 20/7. Tuy nhiên Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên đã chậm thông báo cho khách hàng nên ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân, nhất là trong bối cảnh TP Tuy Hòa đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, Nhà máy nước Tuy Hòa đã thiếu chủ động trong việc dẫn nguồn nước mặt. Vấn đề xâm nhập mặn trên sông Ba đã có cảnh báo từ trước đây và nếu triều cường cao, kết hợp với nắng hạn, mặn có thể xâm nhập lên đến xã Hòa Thắng, cách xã Hòa An khoảng 3km. Bên cạnh đó, lòng sông Ba là cát, dòng chảy biến đổi liên tục nên dễ thiếu nước vào mùa khô. Bên cạnh tình trạng xâm nhập mặn, việc các hồ thủy điện ở thượng nguồn chưa thực hiện xả nước đủ lưu lượng và thời gian đã ảnh hưởng đến việc cấp nước ngọt ở hạ lưu.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty thủy nông Đồng Cam cho biết: Hệ thống thủy nông Đồng Cam (hệ thống thủy lợi lớn nhất của tỉnh Phú Yên) cam kết chia sẻ nguồn nước để phục vụ cho Nhà máy nước Tuy Hòa. Hiện nay, các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn vẫn cần duy trì việc xả nước phát điện với lưu lượng 30-40m3/s. Ngoài bảo đảm điều tiết nước cho sản xuất vụ hè thu, hệ thống kênh chính Nam tại xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) có thể chia sẻ điều tiết lượng nước xuống khu vực giếng thu nước của nhà máy Tuy Hòa khoảng 0,43m3/s, tương đương khoảng 30 nghìn m3/ngày đêm.

Ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên cho biết, trước tình trạng này, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên đã phải ưu tiên nguồn nước cấp cho các bệnh viện. Riêng ngày hôm nay Công ty dành 1.000 khối nước cung cấp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bằng cách phối hợp Công an tỉnh Phú Yên sử dụng xe chữa cháy để chở cấp nước trực tiếp. Trong ngày, Công an tỉnh Phú Yên đã điều động 2 xe chữa cháy để vận chuyển nước từ Nhà máy nước Tuy Hòa đến các bệnh viện.

Ngoài ra, để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho 28 nghìn khách hàng, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên đang tập trung xử lý nguồn nước nhiễm mặn và kích hoạt Trạm bơm Hòa Thắng bảo đảm công suất 500m3/giờ nhằm bổ sung nguồn nước thô cho sản xuất.

Sáng 21/7, nhà máy Tuy Hòa đã cấp nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân, nhưng áp lực nước vẫn còn rất yếu, nhất là các khu vực xa nhà máy. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên khẩn trương khắc phục các sự cố và cấp nước theo thứ tự ưu tiên. Ngoài ra, cung cấp kịp thời thông tin về lịch cấp nước cho nhân dân chủ động trong sinh hoạt.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết: Nguồn nước là rất cần thiết cho mọi sinh hoạt của nhân dân. Trong khi việc cung cấp chưa được khôi phục hoàn toàn thì phải ưu tiên theo thứ tự ưu tiên. Trước hết là bệnh viện đang điều trị các bệnh nhân Covid-19, khu cách ly; nước cho sinh hoạt và nước cho sản xuất.

Đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các nhà máy thủy điện phối hợp tăng lưu lượng nước xả nước về hạ du. Riêng đối với Nhà máy nước Tuy Hòa phải khơi thông dòng chảy, tăng cường bơm dã chiến để thu nước thô về xử lý. Chậm nhất trong hai ngày tới, bằng mọi biện pháp phải khôi phục hoàn toàn việc cấp nước trở lại cho người dân.

Theo Trình Kế/Báo Nhân dân

Các tin khác


Quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp là một trong những quy định đáng chú ý nhằm đảm bảo quản lý và sử dụng phí này một cách hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của Nhà nước.

Giá nước sinh hoạt tại TPHCM sẽ điều chỉnh theo đơn giá mới kể từ 1/1/2022

Kể từ 1-1-2022, giá nước sinh hoạt tại TPHCM sẽ được điều chỉnh theo đơn giá mới, tăng từ 300-400 đồng/m3. Ngoài khoản tiền sử dụng nước sinh hoạt tính theo khối lượng nước trên đồng hồ và áp dụng theo giá mới.

Hà Tĩnh: Tìm giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn

Theo đánh giá hiện trạng xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh (Sở KH&CN) nước thải sinh hoạt tại Hà Tĩnh trước đây về cơ bản chưa được thu gom và xử lý.

Phát động chương trình “Mizuiku - Em yêu nước sạch”

Sáng ngày 27/12, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Thái Bình, Thành đoàn Thái Bình và Liên đội Trường Tiểu học Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) phát động chương trình “Mizuiku- Em yêu nước sạch”. Đây là đơn vị được Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh chọn làm điểm để triển khai trong toàn tỉnh.

Giữa năm 2022 Thái Nguyên sẽ vận hành nhà máy cấp nước sạch

Nhà máy được đầu tư với các thiết bị nhập khẩu hiện đại, sử dụng công nghệ lọc của Mỹ, sản xuất nước sạch sinh hoạt với tiêu chuẩn cao.

Hà Nội quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 22-12-2021, UBND thành phố Hà Nội đề ra Kế hoạch số 295/KH-UBND về triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội.