moitruongplus Nhằm kêu gọi hành động tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần, UNDP tại Việt Nam phối hợp với Tổng cục biển và Hải đảo (Bộ tài nguyên và môi trường) vừa khởi động chiến dịch “Non, biển chung tay - Dọn ngay rác nhựa”.


Tọa đàm "Đại dương hay nhựa - Bạn chọn gì". Ảnh: Internet

Tham dự sự kiện có đại diện của UNDP tại 4 nước ASEAN, gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, và Philippine; Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam; Tổng cục Môi trường; Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường; Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản; Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội; Hội nông dân Quảng Ninh; Hội phụ nữ các tỉnh thành Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP tại Việt Nam đã nêu một số ví dụ về tác hại của rác thải nhựa đại dương.

"Chúng ta cũng đã thấy những hình ảnh như một con cá voi hoa tiêu đực bị chết và dạt vào bãi biển ở Thái Lan vì đã nuốt 80 túi nilon, hình ảnh về những con rùa mắc trong 6 cái vòng nhựa, một con cá ngựa nhỏ xíu cuộn đuôi vào một cái tăm bông bằng nhựa. Các sản phẩm nhựa trôi dạt hàng ngày trên các bãi biển toàn thế giới – từ Việt Nam, Indonesia đến bờ biển châu Phi, và các con kênh trong các thành phố ngày càng tràn ngập chất thải nhựa”, ông Lai cho biết, đồng thời nhấn mạnh: "Rõ ràng chúng ta phải xem xét và suy nghĩ lại hành động của chúng ta, từ sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ đồ nhựa”.

Theo ông Jan Wilhelm Grythe, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, ô nhiễm nhựa là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất của nhân loại ngày nay.

"Nhựa không chỉ làm ô nhiễm đại dương của chúng ta, giết chết các sinh vật biển mà còn đe dọa cuộc sống của các thế hệ con cháu chúng ta mai sau. Đây là một vấn đề mà không một cá nhân hay một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Nó đòi hỏi những nỗ lực chung. Mọi người đều có vai trò trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa”, Phó Đại sứ Grythe nhận định. "Na Uy tự hào về quan hệ đối tác của chúng tôi với UNDP, Tổng cục Biển và Hải đảo, cùng chính quyền 5 tỉnh/thành phố của Việt Nam trong việc thực hiện dự án này”.

Ngài Phó Đại sứ cũng bày tỏ vui mừng khi thấy kết quả của dự án ngày càng được nhân rộng. Ông nói: "Giờ là thời điểm tốt nhất để chúng ta thay đổi cách sống và nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của nhựa. Hãy cùng nhau phấn đấu vì điều này. Mọi hành động đều có ý nghĩa”.

Chiến dịch "Non, biển chung tay - Dọn ngay rác nhựa” sẽ được triển khai trong 6 tháng, với các hoạt động được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại 5 tỉnh thành tham gia dự án, gồm Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Đà Nẵng, và Quảng Ninh.

Chiến dịch đưa ra lời nhắc nhở rằng, mỗi người dù sinh sống tại miền núi, đồng bằng hay ven biển cần đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, trả lại màu xanh cho biển cả.

Các thông điệp chính mà chiến dịch muốn truyền tải đều nhằm khuyến khích mọi người hành động nhiều hơn vì môi trường và xã hội: "Hãy lựa chọn nhìn vào sự thật và có trách nhiệm với xã hội”; "Đừng ngại chọn con đường đúng dù đó là lối đi khác biệt và khó khăn”, và "Người hiện đại không ngại hành động để chọn lối sống xanh vì mình và vì mọi người”.

Trong chuỗi hoạt động của chiến dịch, UNDP tại Việt Nam cũng sẽ tổ chức các buổi hội thảo, các hoạt động thiết thực cả trực tuyến và trực tiếp tại 5 tỉnh thành tham gia dự án, bao gồm: Hội thảo về Cách thay thế hoặc thải bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần, phát trực tiếp trên mạng xã hội; Hội thảo về Phát triển ngành du lịch địa phương theo hướng bền vững, kết hợp với Sự kiện dọn rác tại bãi biển; và Hội thảo hướng dẫn cách phân loại rác tại hộ gia đình.

Ngoài ra, UNDP còn giới thiệu tới cộng đồng ứng dụng "Săn Rác” - một ứng dụng điện thoại dùng để báo cáo và theo dõi tất cả các bãi rác tự phát, sai quy định tại Việt Nam. Người dùng có thể chụp ảnh và ghi lại thông tin trên ứng dụng về các điểm có rác sai quy định trên Bản đồ "Săn Rác", từ đó giúp Chính quyền địa phương, các bên liên quan và người dân có thể xử lý kịp thời.

Tại sự kiện, các tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi ảnh "Câu chuyện rác nhựa” đã được vinh danh trao giải. Cơ cấu giải thưởng gồm Giải A, Giải B, Giải C và Giải Khuyến khích.

Cuộc thi ảnh "Câu chuyện rác nhựa” sau hơn 3 tháng phát động, từ ngày 5/2 - 15/5/2021, đã nhận được 8.434 tác phẩm từ sinh viên và giảng viên của hơn 40 trường đại học, cao đẳng, trung học, các nhà báo của hơn 30 cơ quan báo chí, các nhiếp ảnh gia của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và hơn 20 câu lạc bộ nhiếp ảnh địa phương trên toàn quốc.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Phú Thọ: Chủ động lắp các trạm quan trắc môi trường tự động

Theo Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ Môi trường, việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động giúp doanh nghiệp “chứng minh” được nguồn thải ra môi trường đang ở mức độ cho phép.

Phân loại rác tại nguồn - nhìn từ góc độ vĩ mô

Phân loại chất thải tại nguồn chính là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bảo vệ môi trường.

Hành tinh có lẽ không thể chịu đựng thêm được nữa từ ô nhiễm nhựa và hóa chất

Các nhà hoạt động môi trường xót xa cảnh báo, hành tinh có lẽ không thể chịu đựng thêm được nữa từ ô nhiễm nhựa và ô nhiễm hóa chất.

Thanh Hoá: Bảo vệ môi trường Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề - bài toán khó!

Công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.

Những phương pháp xử lý rác thải hiệu quả hiện nay

Rác thải cần được phân loại để tái chế hoặc xử lý nhiệt. Nếu không xử lý được bằng 2 phương pháp trên thì sẽ đưa vào bãi chôn lấp sau khi xử lý phù hợp.

Lá nhân tạo hút khí CO2 của Mỹ: Hiệu quả cao gấp 100 lần thiết bị hiện hành

Các kỹ sư tại Đại học Illinois Chicago ở Mỹ đã chế tạo một loại lá nhân tạo tiết kiệm chi phí có thể thu giữ khí CO2 cao hơn 100 lần so với các hệ thống hiện tại.