moitruongplus Bằng cách tạo ra hệ thống robot tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo AI, từ đó có thể xác định, phân loại và phân tách các loại chất thải có thể tái chế khác nhau.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney (Australia) đang phát triển một phương pháp độc đáo để phân loại rác có thể tái chế, nhằm tăng cường khả năng tái chế nhựa mềm. Bằng cách tạo ra hệ thống robot tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo AI có thể xác định, phân loại và phân tách các loại chất thải có thể tái chế khác nhau.

Trên thực tế, các sản phẩm làm từ nhựa mềm như màng bọc thực phẩm và túi nhựa hiện nay chưa có các phương pháp tái chế thích hợp. Bởi chúng dễ vướng vào máy móc phân loại chất thải, dẫn đến hỏng hóc các động cơ học và ô nhiễm các vật liệu tái chế khác như giấy. 

Do vậy, hoạt động của robot tự động sẽ xác định các túi nhựa mềm và phân biệt các nguồn nhựa, tách nhựa mềm khỏi các loại rác tái chế bị trộn lẫn. Sau khi được tách khỏi chất thải khác, nhựa mềm sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm tái chế nâng cao thành dầu và các hóa chất có giá trị khác, bằng cách sử dụng công nghệ lò phản ứng thủy nhiệt xúc tác Cat-HTR™ giúp xử lý triệt để các dòng chất thải này.


Robot tái chế có thể phân loại và phân tách các loại chất thải khác nhau. (Ảnh: Đại học Sydney)

GS Yonghui Li, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay: "Từ lâu nhựa mềm đã trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế vòng tròn và ngành quản lý chất thải, vì chúng thiếu một phương pháp phân loại đầy đủ và an toàn. Sử dụng các kỹ thuật IoT mới nhất, chúng tôi đã tạo ra một robot tùy chỉnh để giải quyết vấn đề này”.

Theo số liệu thống kê, Australia thải ra 2,5 triệu tấn rác thải nhựa từ năm 2018 - 2019, bao gồm cả nhựa mềm. Trong số đó, chỉ 9% được đưa đi tái chế, trong khi 84% số rác thải nhựa này được đưa đến các bãi rác. Và, 130 nghìn tấn rác thải nhựa bị trôi nổi ra ngoài môi trường. "Chúng tôi đặt mục tiêu chuyển đổi đáng kể các tỉ lệ này bằng cách phát triển một giải pháp cho phép tái chế hầu hết chất thải nhựa mềm”, Tiến sĩ Wanchun Liu, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Hiện các nhà nghiên cứu đang làm việc với các công ty quản lý chất thải, IQRenew, CurbCycle, Resource Recovery Design và các nhà phát triển công nghệ Licella, Mike Ritchie để phát triển hệ thống.

PGS Wanli Ouyang, thành viên nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, dự án không chỉ chuyển nhựa mềm gia dụng khỏi bãi rác, bằng cách tạo ra một giải pháp cho việc thu gom và phân loại rác với các đối tác, chúng tôi cũng đang tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững đưa rác từ các hộ gia đình đến thị trường cuối cùng”.

Trước đó, trong cuộc họp giữa các Bộ trưởng Môi trường các bang và vùng lãnh thổ của Australia đã đưa ra quyết định, vào năm 2025, Australia sẽ loại bỏ một số đồ nhựa dùng một lần không cần thiết, bao gồm túi nhựa mỏng; dao, dĩa, thìa và đồ khuấy bằng nhựa; ống hút nhựa; hộp xốp đựng thực phẩm; bao bì hàng tiêu dùng sử dụng chất liệu xốp và hạt vi nhựa sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân,…

Nam Australia là bang đi đầu trong việc cấm các sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần với việc áp dụng lệnh này kể từ tháng 3/2021, trong khi các bang Victoria và Tây Australia đã có kế hoạch loại bỏ dần và cấm vận chuyển hàng loạt đồ nhựa vào năm 2023.

Việc ngừng sử dụng một số đồ nhựa dùng một lần sẽ giảm sức ép đối với các sinh vật biển. Tuy vậy các nhà khoa học cũng cho rằng, Chính phủ Australia cần nỗ lực hơn nữa, ban hành thêm các biện pháp bắt buộc để đạt thêm nhiều tiến triển trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, rác thải từ chai nhựa là loại ô nhiễm nhựa phổ biến thứ hai trong các đại dương, sau túi nhựa. Việc tiêu thụ quá nhiều nhựa, đi kèm với khả năng quản lý chất thải nhựa yếu kém, đang trở thành mối đe dọa lớn, khiến các bãi đất tràn ngập rác thải, làm tắc nghẽn dòng chảy ở các sông và đe dọa hệ sinh thái biển.

Ngoài ra, có đến 8.300 triệu tấn vi nhựa đã được sản sinh cho đến nay trong đó chỉ có 9% được tái sử dụng, 12% được đốt, 79% được tập kết trong bãi rác hoặc trôi nổi ngoài môi trường. Dự báo đến năm 2050, khoảng 12 tỉ tấn rác nhựa sẽ được chôn lấp hoặc thải ra môi trường tự nhiên.


Theo Kinh tế Môi trường

Các tin khác


Phú Thọ: Chủ động lắp các trạm quan trắc môi trường tự động

Theo Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ Môi trường, việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động giúp doanh nghiệp “chứng minh” được nguồn thải ra môi trường đang ở mức độ cho phép.

Phân loại rác tại nguồn - nhìn từ góc độ vĩ mô

Phân loại chất thải tại nguồn chính là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bảo vệ môi trường.

Hành tinh có lẽ không thể chịu đựng thêm được nữa từ ô nhiễm nhựa và hóa chất

Các nhà hoạt động môi trường xót xa cảnh báo, hành tinh có lẽ không thể chịu đựng thêm được nữa từ ô nhiễm nhựa và ô nhiễm hóa chất.

Thanh Hoá: Bảo vệ môi trường Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề - bài toán khó!

Công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.

Những phương pháp xử lý rác thải hiệu quả hiện nay

Rác thải cần được phân loại để tái chế hoặc xử lý nhiệt. Nếu không xử lý được bằng 2 phương pháp trên thì sẽ đưa vào bãi chôn lấp sau khi xử lý phù hợp.

Lá nhân tạo hút khí CO2 của Mỹ: Hiệu quả cao gấp 100 lần thiết bị hiện hành

Các kỹ sư tại Đại học Illinois Chicago ở Mỹ đã chế tạo một loại lá nhân tạo tiết kiệm chi phí có thể thu giữ khí CO2 cao hơn 100 lần so với các hệ thống hiện tại.