moitruongplus Trong năm 2021 số người được đưa vào các khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 tại một số tỉnh ngày ngày càng tăng. Nhiều điểm cách ly có từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn người.
Tổng lượng rác thải y tế phát sinh tại 151 khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến khoảng 70 tấn/ngày. Vấn đề thu gom, xử lý rác thải y tế đang được dư luận chú ý khi nhiều điểm xử lý đang trong tình trạng quá tải.
Chuyên trang Quản lý môi trường (Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) nhận được bài viết của PGS.TS Nguyễn Huy Nga ,Viện trưởng Viện Khoa học sức khoẻ Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đề cập vấn đề nói trên. Trân trọng giới thiệu bạn đọc bài viết này.
Thực trạng và khó khăn về quản lý môi trường trong các khu cách ly tập trung
Việc cách ly y tế nhằm để kiểm soát sự lây nhiễm bệnh trong cộng đồng đã được qui định bởi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật số 03/2007/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, điều số 49 và 55 cũng đã được làm rõ chi tiết trong Chương I của Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.
Đối tượng được đưa vào các khu cách ly kiểm dịch này gồm những người có khả năng bị mắc bệnh, nghi ngờ bị mắc bệnh. Thời điểm hiện nay, theo qui định của Bộ Y Tế là tất cả những người nhập cảnh. Ngoài ra có một số người phải cách ly do có yếu tố tiếp xúc, có nguy cơ mắc bệnh. Những trường hợp này được chỉ định cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có thể cách ly tại cửa khẩu, tại nhà hoặc tại các khu cách ly tập trung.
Trong đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 Việt Nam đã áp dụng cách ly tập trung đối với hàng trăm nghìn đối tượng nhập cảnh và tiếp xúc gần với người bệnh (F1). Những khu cách ly y tế tập trung là cách ly kiểm dịch, đối tượng trong khu cách ly là những người chưa bị bệnh. Họ chỉ có nguy cơ bị bệnh và họ được đưa vào khu cách ly để được giám sát sức khỏe. Từ đó phát hiện sớm nếu họ bị bệnh. Nếu mắc bênh họ sẽ được đưa sang cách ly điều trị để kiểm soát nguồn lây. Mặt khác việc xây dựng các khu cách ly y tế tập trung luôn luôn có những qui định chung về vị trí để bảo vệ nghiêm ngặt người không có phận sự không được vào, người cách ly không được ra ngoài. Theo quy định tại Điều 55 trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ngoài các cơ sở y tế, khi cần thiết do số lượng đối tượng phải cách ly quá đông thì có thể trưng dụng các cơ sở công cộng khác để cách ly. Một số cơ sở đó bao gồm:
- Doanh trại quân đội, công an;
- Khu ký túc xá của trường học;
- Khu nhà ở của nhà máy, xí nghiệp;
- Khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng;
- Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng...
- Trường học;
- Cơ sở y tế tuyến xã;
- Các khu vực khác có thể sử dụng làm cơ sở cách ly.
Chính vì phải trưng dụng các cơ sở này nên có những khó khăn trong quản lý như:
- Cơ sở vật chất không được thiết kế phục vụ cho chăm sóc người cách ly;
- Khó khăn trong việc phân luồng và bố trí các khu vực chăm sóc đúng tiêu chuẩn an toàn;
- Các bộ phận hỗ trợ và cung ứng như bếp ăn, hậu cần nhiều nơi không tách biệt khỏi khu vực người cách ly;
- Khu vực vệ sinh, lưu chứa chất thải, nước thải còn nhiều bất cập;
- Người đến cách ly gồm nhiều thành phần xã hội và luôn quá tải;
- Nhân lực thiếu, phương tiện phòng hộ thiếu;
- Đã xuất hiện lây nhiễm trong khu cách ly tập trung, nhân viên và người được cách ly.
Quản lý chất thải trong các khu cách ly y tế tập trung - Ảnh 1Một địa điểm tập kết rác tại khu cách ly Quận 8 - Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Huy Cường
Công việc quản lý chất thải tại các khu cách ly dành cho người nghi nhiễm Covid-19 đang là mối quan tâm lớn của chính quyền và người dân các địa phương trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh diễn ra phức tạp. Trong năm 2021, số người được cách lý tập trung không ngừng tăng lên. Từ tháng 5 đến tháng 9/2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có tới hàng triệu người được đưa vào diện cách ly. Có những điểm cách ly có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người. Nếu trung bình mỗi người mỗi ngày thải ra 0,5 - 0,7 kg rác thì tổng số rác thải ra tại các khu cách ly đã lên tới hàng chục tấn mỗi ngày.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tổng lượng rác thải y tế phát sinh tại 151 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến vào khoảng 70 tấn/ngày. Tại Hà Nội, chỉ riêng Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13, mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng từ hai đến ba tấn rác thải. Tại Bệnh viện C Đà Nẵng, trong thời gian phong tỏa cách ly hơn 1.000 người, lượng rác y tế thải ra trong một ngày là 637 kg. Lượng rác thải thu gom tại các điểm cách ly, khu cách ly tập trung, các cơ sở y tế ở tỉnh Thừa Thiên - Huế từ đầu năm 2021 đến nay là hơn 80,2 tấn.
Để giải quyết một lượng chất thải y tế lớn như vậy yêu cầu rất nhiều vật tư, trang thiết bị và nhân lực, nhưng trên thực tế các đơn vị quản lý khu cách ly và các đơn vị xử lý chất thải đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu các phương tiện, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Nhiều lò đốt chất thải y tế phải hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu huỷ rác thải y tế.
Quy định về quản lý chất thải trong các khu cách ly tập trung
Việc quản lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 phải tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã có Quyết định số 2455/QĐ-BCĐQG, Covid-19”, Bộ Y tế có Quyết định 5188/QĐ-BYT, ngày 14/12/2020 về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các sở y tế hoặc chính quyền địa phương cũng ban hành các hướng dẫn xử lý chất thải trong các khu cách ly y tế tập trung. Nội dung chính của các văn bản hướng dẫn này là nhằm bảo đảm không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực, phòng cách ly, bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của người bệnh, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm (chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2) và phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
Phân, nước tiểu của người cách ly phải được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế để xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (gồm: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19) phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm, từ phòng xét nghiệm phải được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc thiết bị khử khuẩn khác trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý như chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV2..
Trường hợp xuất hiện ca mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 thì tất cả chất thải tại phòng cách ly của những người này phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Các chất thải khác thực hiện thu gom và xử lý theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau đó phải thực hiện khử trùng và xử lý môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm. Thùng thu gom chất thải lây nhiễm phải có thành cứng, có nắp đậy kín, có lắp bánh xe đẩy, bên ngoài thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.
Rác thải y tế được thu gom về nơi cố định trong khu cách ly tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Huy Cường
Quy định thu gom riêng thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 từ khu vực, phòng cách ly về khu lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở ít nhất 2 lần một ngày hoặc khi cần. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài. Thực hiện vận chuyển thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV2 đến cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế gần nhất bằng xe chuyên dụng để xử lý trong ngày. Thùng đựng chất thải phải có thành cứng chịu được va đập, bên ngoài thùng có dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Trong quá trình vận chuyển, thùng đựng chất thải luôn được đậy nắp kín, bảo đảm không bị rơi hoặc rò rỉ chất thải.
Cơ sở cách ly y tế tập trung tổ chức thực hiện việc phân loại, thu gom, lưu giữ xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn. Thực hiện xử lý chất thải lây nhiễm tại chỗ bằng công trình, thiết bị xử lý hiện có tại cơ sở hoặc hợp đồng với đơn vị xử lý môi trường do UBND cấp tỉnh chỉ định để vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm, bảo đảm không làm phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường. Trong đó, ưu tiên lựa chọn cơ sở xử lý có khoảng cách thu gom, vận chuyển ngắn nhất từ nơi phát sinh đến cơ sở xử lý.
Đối với các cơ sở cách ly nhỏ, ít người, ở xa trung tâm, không có các đơn vị thu gom chất thải y tế đi tiêu hủy thì có thể tiêu hủy tại chỗ bằng đốt trong các lò đốt của trạm y tế xã hoặc chôn lấp. Đối với các chất thải sinh hoạt, chất thải thực phẩm, thức ăn thừa, hộp đựng thức ăn được xử lý như chất thải thông thường.
Kiến nghị về quản lý chất thải y tế trong các khu cách ly tập trung
Để thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế, tôi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở cách ly tập trung tại địa phương khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải, nhất là đối với chất thải y tế để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19.
Chính quyền địa phương cần kịp thời hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị xử lý chất thải như túi, thùng đựng rác, xe vận chuyển chất thải nguy hại, quần áo bảo hộ cho nhân viên vệ sinh. Tăng cường việc thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại địa phương để bảo đảm thực hiện đúng quy định. Trong đó, ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để bảo đảm khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.
Các cơ quan, đơn vị quản lý các trung tâm cách ly y tế tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại các địa phương khác để hỗ trợ xử lý chất thải y tế trong trường hợp địa phương không đảm bảo năng lực xử lý chất thải y tế hoặc không đủ hạ tầng xử lý chất thải y tế.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường việc tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị để lẫn chất thải y tế, nhất là chất thải y tế lây nhiễm vào chất thải rắn sinh hoạt.
Yêu cầu các khu cách ly tập trung phải chuyển giao chất thải nguy hại lây nhiễm cho cơ sở xử lý; phối hợp với cơ sở xử lý chất thải lập phương án cụ thể về số lượng phát sinh, địa điểm phát sinh để có phương án thu gom, vận chuyển bảo đảm về thời gian, tuyến đường vận chuyển, tránh phát triển dịch. Các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 khi có yêu cầu theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép bảo đảm đúng chủng loại, công suất xử lý chất thải đã được cấp phép.
Những người tham gia thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải từ các khu cách ly tập trung cần được định kỳ xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, khám sức khỏe và có chế độ đãi ngộ xứng đáng với công việc nguy hiểm họ tiếp xúc hàng ngày.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Viện trưởng Viện khoa học sức khỏe Quang Trung,
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế
Theo Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ Môi trường, việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động giúp doanh nghiệp “chứng minh” được nguồn thải ra môi trường đang ở mức độ cho phép.
Phân loại chất thải tại nguồn chính là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bảo vệ môi trường.
Các nhà hoạt động môi trường xót xa cảnh báo, hành tinh có lẽ không thể chịu đựng thêm được nữa từ ô nhiễm nhựa và ô nhiễm hóa chất.
Công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.
Rác thải cần được phân loại để tái chế hoặc xử lý nhiệt. Nếu không xử lý được bằng 2 phương pháp trên thì sẽ đưa vào bãi chôn lấp sau khi xử lý phù hợp.
Các kỹ sư tại Đại học Illinois Chicago ở Mỹ đã chế tạo một loại lá nhân tạo tiết kiệm chi phí có thể thu giữ khí CO2 cao hơn 100 lần so với các hệ thống hiện tại.