moitruongplus Hiện nay, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang được nhiều nông dân trong tỉnh lựa chọn.

Để hỗ trợ nông dân, cùng với chính sách của tỉnh, các chủ thể cần mạnh dạn chuyển đổi để mang đến những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều địa phương diện tích lúa mùa đang bị các đối tượng sâu bệnh gây hại thì hơn 20 ha lúa Bắc Thơm số 7 của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Minh Phương, thôn Bắc Am, xã Tư Mại (Yên Dũng) vẫn an toàn. Quan sát khu trồng lúa của HTX, nhận thấy dù cây lúa không xanh mướt như các thửa ruộng khác song nhánh cây mập hơn, không có dấu hiệu bị sâu bệnh. Đặc biệt khi nhổ cây lúa lên rễ khỏe, đất tơi xốp, có nhiều giun.

Ruộng lúa hữu cơ không bị sâu bệnh gây hại, bông lúa dài, tỷ lệ hạt mẩy cao hơn. Ảnh minh họa

Giám đốc HTX Phạm Trọng Viên cho biết với mong muốn nâng tầm gạo thơm Yên Dũng, từ năm 2019, HTX lựa chọn hình thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Quá trình làm đất, HTX thu mua, ủ phân chuồng rồi trộn lẫn với đất; bón phân vi sinh và "nói không” với thuốc hóa học trong suốt quá trình cây sinh trưởng, phát triển. Sau gần hai năm canh tác theo hướng này, vụ chiêm xuân vừa qua, hơn 10 ha lúa thơm của HTX không bị sâu bệnh gây hại, bông lúa dài, tỷ lệ hạt mẩy cao hơn.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, được nông dân trong tỉnh lựa chọn. Theo đánh giá, dù những mô hình không nhiều song bước đầu khẳng định giá trị, hiệu quả, được thị trường chấp nhận. Ví như các sản phẩm từ thịt lợn của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) đã có mặt ở nhiều siêu thị tại TP Hà Nội, giá bán cao hơn với sản phẩm cùng loại ngoài chợ từ 30-40% (tùy loại).

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, trước đây nhiều nông dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu để tăng năng suất, bảo vệ cây trồng. Sau một thời gian, đất bị ô nhiễm, tích tụ chất độc hại cho sản phẩm nông nghiệp cũng như môi trường sống. Tại xã Tân Quang (Lục Ngạn), sau nhiều năm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để chăm sóc cam, bưởi khiến đất bị bạc màu, khả năng sinh trưởng cũng như chất lượng sản phẩm giảm rõ rệt.

Tại nhiều thôn trong xã, nông dân buộc phải phá bỏ những cây trồng cũ, chuyển sang trồng những loại cây mới. Không những thế, nhiều hộ dân trong thôn đang phải gánh hậu quả từ chính hoạt động sản xuất của mình khi môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm bởi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học nhiều.

Ở nhiều địa phương khác tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong canh tác khiến đất bị chai cứng, tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

"Sử dụng phân bón, thuốc hóa học nhiều khiến cho đất trở nên khô cằn, sức khỏe con người bị ảnh hưởng. Nhận thức rõ tác hại ấy, năm nay tôi áp dụng hình thức canh tác theo hướng hữu cơ trên diện tích 5 ha và nhận thấy những tín hiệu tích cực”. Anh Nguyễn Văn Quyết (SN 1975), thôn Cầu Treo, xã Minh Đức (Việt Yên) cho biết.

Khảo sát thực tế, hiện nay, người tiêu dùng thay đổi thói quen theo hướng chuyển sang sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng cao. Nắm bắt xu thế này, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ triển khai 6 mô hình tại các địa phương, trong đó có 4 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, còn lại là chăn nuôi.

Qua đánh giá, Đề án đã từng bước thay đổi tư duy và cách thức sản xuất từ dựa vào phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học là chính sang sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là tất yếu và đang được nhiều nông dân lựa chọn.

Việc này không chỉ nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm mà còn giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái... Để xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn, cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các chủ thể cần mạnh dạn chuyển đổi để mang đến những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Phú Thọ: Chủ động lắp các trạm quan trắc môi trường tự động

Theo Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ Môi trường, việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động giúp doanh nghiệp “chứng minh” được nguồn thải ra môi trường đang ở mức độ cho phép.

Phân loại rác tại nguồn - nhìn từ góc độ vĩ mô

Phân loại chất thải tại nguồn chính là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bảo vệ môi trường.

Hành tinh có lẽ không thể chịu đựng thêm được nữa từ ô nhiễm nhựa và hóa chất

Các nhà hoạt động môi trường xót xa cảnh báo, hành tinh có lẽ không thể chịu đựng thêm được nữa từ ô nhiễm nhựa và ô nhiễm hóa chất.

Thanh Hoá: Bảo vệ môi trường Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề - bài toán khó!

Công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.

Những phương pháp xử lý rác thải hiệu quả hiện nay

Rác thải cần được phân loại để tái chế hoặc xử lý nhiệt. Nếu không xử lý được bằng 2 phương pháp trên thì sẽ đưa vào bãi chôn lấp sau khi xử lý phù hợp.

Lá nhân tạo hút khí CO2 của Mỹ: Hiệu quả cao gấp 100 lần thiết bị hiện hành

Các kỹ sư tại Đại học Illinois Chicago ở Mỹ đã chế tạo một loại lá nhân tạo tiết kiệm chi phí có thể thu giữ khí CO2 cao hơn 100 lần so với các hệ thống hiện tại.