moitruongplus Thành phố Cần Thơ đã tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác trong đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và ngập lụt ở các đô thị.
Tại TP Cần Thơ, ngay thời điểm này, vào những ngày nước kém, mực nước trên sông, rạch xuống thấp làm ảnh hưởng đến tưới tiêu, sản xuất của người dân. Người dân ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Những ngày nước kém, mực nước trên sông rạch xuống thấp kết hợp nắng nóng kéo dài khiến cho sản xuất nông nghiệp tăng cao chi phí bơm tát, trữ nước... Tình hình này, khô hạn sẽ diễn ra gay gắt trong tháng 2, 3 và tháng 4 tới. Nạo vét thủy lợi nội đồng đang được người dân hợp sức thực hiện, nhằm tích nước, khai thông dòng chảy và thuận lợi bơm tát phục vụ sản xuất”.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện dòng chảy sông Mekong về ÐBSCL có xu hướng giảm. Các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện, tại thủy điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu từ cuối tháng 1 đến nay trên dưới 700m3/s, tương đương với 1 tổ máy phát điện. Thời gian tới, các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế, do đó dòng chảy còn giảm nhanh và là nguyên nhân có thể làm mặn xâm nhập sớm đầu mùa kiệt 2021-2022. Trong mùa khô năm 2022, dòng chảy phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn, có thể xảy ra các đợt vận hành bất thường, lưu lượng dòng chảy giảm, gây khô hạn, xâm nhập mặn tăng nhanh ở ÐBSCL.
Năm 2022, TP Cần Thơ tập trung phát huy mọi nguồn lực để tăng cường và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, như phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phòng, chống sạt lở các sông, rạch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Ảnh minh họa
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng dự báo nguồn nước cho 3 vùng ÐBSCL. Tại vùng thượng ÐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ có thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Dự báo trong tháng 2-2022, mực nước bình quân có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm 0-30cm. Vùng giữa ÐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, nhất là các địa phương cặp sông Tiền và sông Hậu có thể bị ảnh hưởng bởi triều cường trong tháng 2-2022. Ðến cuối tháng 2, tháng 3 mặn với nồng độ 4g/l có thể xâm nhập sâu 50-65km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước. Vùng ven biển ÐBSCL, bao gồm các tỉnh ven biển Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Tháng 2, tháng 3 mặn có thể xâm nhập 50-65km.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định: Tiềm năng nguồn nước tự nhiên về ÐBSCL mùa kiệt 2021-2022 xem như ở những năm kiệt nước. Tuy nhiên, do có điều tiết gia tăng từ các thủy điện trên lưu vực, vì vậy nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm nay được dự báo ở mức tương đương với năm 2020-2021, nguồn nước phụ thuộc vào việc vận hành của các đập thủy điện thượng nguồn. Khả năng mặn xâm nhập sớm, sâu, nước về ít ngay từ đầu mùa khô và có thể xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện. Vì vậy, song song với xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện của vùng, các địa phương cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn mặn.
Công tác thủy lợi mùa khô, thủy lợi nội đồng ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn được ngành chức năng thành phố tập trung thực hiện. Ðặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ quản lý, khai thác có hiệu quả Dự án nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó xâm nhập mặn do BÐKH gây ra, gồm các trạm quan trắc môi trường, chất lượng nước tại các sông chính trên địa bàn. Kết quả quan trắc, cảnh báo mặn xâm nhập từ các trạm quan trắc này sẽ được kịp thời cung cấp cho đơn vị chức năng, người dân trên địa bàn ứng phó.
Năm 2022, TP Cần Thơ tập trung phát huy mọi nguồn lực để tăng cường và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, như phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phòng, chống sạt lở các sông, rạch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Các sở, ngành chức năng của thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, điều kiện khí hậu, khí tượng thủy văn và triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng cứu kịp thời, có phương án đối phó với mọi tình huống bất trắc do khô hạn, xâm nhập mặn gây ra; thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, rạch nhằm giảm thiểu thiệt hại, ảnh hưởng sản xuất của người dân...
Thành phố Cần Thơ đã tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác trong đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và ngập lụt ở các đô thị. Cụ thể: Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ đã tập trung thực hiện các hạng mục ưu tiên của Dự án 3 (trong đó có các gói thầu như: gói thầu âu thuyền Cái Khế, công trình cống Cái Khế; nâng cao đỉnh bờ kè đoạn rạch Khai Luông mỗi bên 60m; bổ sung đoạn đường qua cống kết nối với đường số 2 cặp Khách sạn Mường Thanh...) có tổng mức đầu tư lên đến hơn 7.343 tỉ đồng, tương đương 322,21 triệu USD. Ðây là dự án lớn mà thành phố triển khai góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng tầm đô thị trung tâm vùng ÐBSCL, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị trước sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp…
Chiều 16/3 (theo giờ New York, Hoa Kỳ), Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW).
Theo TT Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng nồm ẩm ở miền Bắc kéo dài từ nay đến ngày 6/3. Ngày 7/3, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh có cường độ vừa, trời chuyển rét kèm mưa rào vào buổi sáng và trưa, nhiệt độ giảm dần vào chiều và đêm.
Ngay từ đầu giờ sáng bầu trời Hà Nội và khu vực lân cận mù mịt, bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc.
Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời tiết ngày 2/3 nhiều mây, trời ấm hơn nhưng khó nắng vào buổi sáng. Nhiệt độ hiện tại khoảng 20 độ C, nhiều mây âm u, trưa chiều giảm mây trời nắng, nhiệt độ cao nhất khoảng 25 độ.
Ðây là một trong những con số báo động mà Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và tổ chức phi lợi nhuận GRID-Arenda đưa ra.
Dự báo, trong 10 ngày đầu tháng 3/2022, MJO (Madden-Julian Oscillation là một dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới) có khả năng tác động, góp phần gia tăng mưa, mưa rào cục bộ ở vùng ven biển khu vực phía nam Việt Nam.