moitruongplus Bão Côn Sơn đang tiến về vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Nam, từ đêm nay trên đất liền có giật mạnh, mưa lớn tiếp tục kéo dài ở Quảng Trị - Quảng Ngãi, từ ngày mai, mở rộng ra Quảng Bình – Thanh Hóa và một số tỉnh Tây Nguyên.



Vào 4 giờ sáng nay (11/9), tâm bão chỉ cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão. Do ảnh hưởng của bão Côn Sơn tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, do sự tương tác với bão Chanthu, bão Côn Sơn di chuyển khá chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5km. Đến 4 giờ ngày 12/9, tâm bão trên vùng biển khu vực từ Quảng Trị-Quảng Nam. Thời gian này, bão Côn Sơn bắt đầu suy yếu dần với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão còn cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền. Đến 4 giờ ngày 13/9, tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên đất liền khu vực từ Quảng Trị-Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 14/9, trung tâm vùng áp thấp trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Mặc dù đêm mai (12/9), bão Côn Sơn mới đi vào đất liền nhưng do hoàn lưu cơn bão rộng, lệch tâm về phía Tây, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ nên từ đêm qua, nhiều nơi Quảng Trị - Quảng Ngãi đã xuất hiện mưa vừa, mưa to và mưa rất to như tại Hải Châu, (Đà Nẵng) 87.2mm, Sơn Trà (Đà Nẵng) 85.2mm, Hội An (Quảng Nam) 150.2mm, Điện Bàn (Quảng Nam) 74.4mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 104.4mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi) 71.8mm.

Dự báo từ nay đến 13/9, các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt, Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.

Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt.

Từ nay đến 12/9, các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt.

Cũng từ đêm nay (11/9), vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, khu vực sâu trong đất liền có gió giật cấp 7-8.

Cũng do ảnh hưởng của bão Côn Sơn, hôm nay vùng biển phía Tây khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió xoáy mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m, biển động rất mạnh. Ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 4-5m, biển động rất mạnh.

Bão Côn Sơn hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở vùng biển miền Trung của Philippines, mạnh lên thành bão vào chiều ngày 6/9 với đường đi và cường độ diễn biến phức tạp do tương tác với cơn bão mạnh Chanthu bên ngoài.

Sau bão Côn Sơn, trong tháng 9/2021, khả năng xuất hiện 1-2 xoáy thuận nhiệt đới (gồm bão hoặc áp thấp nhiệt đới) hoạt động trên khu vực Biển Đông. Dự báo xa hơn, từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong đó, đỉnh điểm của mùa mưa bão sẽ tập trung vào tháng 10 và tháng 11.

Theo Báo Tiền phong

Các tin khác


Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bình đẳng giới

Chiều 16/3 (theo giờ New York, Hoa Kỳ), Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW).

Từ ngày 7/3, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh

Theo TT Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng nồm ẩm ở miền Bắc kéo dài từ nay đến ngày 6/3. Ngày 7/3, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh có cường độ vừa, trời chuyển rét kèm mưa rào vào buổi sáng và trưa, nhiệt độ giảm dần vào chiều và đêm.

Sương mù bao phủ Hà Nội

Ngay từ đầu giờ sáng bầu trời Hà Nội và khu vực lân cận mù mịt, bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc.

Hà Nội duy trì thời tiết nồm ẩm

Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời tiết ngày 2/3 nhiều mây, trời ấm hơn nhưng khó nắng vào buổi sáng. Nhiệt độ hiện tại khoảng 20 độ C, nhiều mây âm u, trưa chiều giảm mây trời nắng, nhiệt độ cao nhất khoảng 25 độ.

Cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu có thể tăng 14% vào năm 2030

Ðây là một trong những con số báo động mà Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và tổ chức phi lợi nhuận GRID-Arenda đưa ra.

Trong tháng 3, không khí lạnh suy giảm dần về cường độ, nắng nóng gia tăng ở Nam Bộ

Dự báo, trong 10 ngày đầu tháng 3/2022, MJO (Madden-Julian Oscillation là một dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới) có khả năng tác động, góp phần gia tăng mưa, mưa rào cục bộ ở vùng ven biển khu vực phía nam Việt Nam.