moitruongplus Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, các đợt sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt do mưa lớn đã quét qua toàn bộ Bắc Bán cầu trong mùa Hè này, khiến hàng trăm người thiệt mạng và phá hủy nhiều nhà cửa.

Tình trạng biến đổi khí hậu, do con người gây ra, đã khiến những hình thái thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn, tàn phá nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo đó, một số quốc gia ở Tây Âu đã ghi nhận các trận mưa với tổng mực nước trong hai ngày cao bằng hai tháng thông thường, đặc biệt Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg chịu tác động nặng nề. Trong đó, đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua làm nhiều con sông bị vỡ bờ, gây ngập lụt diện rộng ở Tây Âu, làm khoảng 1.300 người mất tích, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi.

Gần đây nhất, vào đêm 15/7, các nhà chức trách Đức cho biết, có ít nhất 59 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn gây ngập lụt nhiều khu vực ở miền tây nước Đức những ngày qua. Nặng nề nhất là bang North Rhine - Westphalia (31 người) và Rhineland - Palatinate (28 người).


Thống đốc bang Rhineland - Palatinate, Malu Dreyer, báo cáo với Quốc hội khu vực: "Có người chết, có người mất tích, còn rất nhiều người vẫn đang gặp nguy hiểm. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một thảm họa như vậy, nó thực sự rất tàn khốc”.

Còn tại Hà Lan, lũ lụt làm hư hại nhiều ngôi nhà ở tỉnh Limburg, miền nam nước này, buộc Chính phủ phải kêu gọi sơ tán khẩn cấp khi các con sông trong khu vực có nguy cơ bị vỡ bờ.

Lũ lụt đã nhấn chìm trung tâm thị trấn Valkenburg, phía Nam tỉnh Limburg, gần biên giới Bỉ và Đức, buộc một số viện dưỡng lão phải tiến hành sơ tán, song không có thiệt hại về người.

Tại Pháp, mưa lớn cũng gây ngập lụt tại một số khu vực ở vùng đông bắc, làm nhiều cây cối bị gãy đổ, nhiều con đường bị tắc. Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia Armin Laschet cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thảm họa lần này là do thời tiết khắc nghiệt dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.

"Chúng ta sẽ phải đối mặt với những sự kiện như vậy lặp đi lặp lại. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tăng tốc các biện pháp bảo vệ khí hậu ở cấp độ châu Âu, liên bang và toàn cầu, bởi vì biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn ở một bang", ông Armin Laschet nói.

Tuy nhiên, WMO nhận định, các quốc gia châu Âu không chỉ chịu tác động của các đợt mưa lớn và lũ lụt. Theo đó, vùng Scandinavia, và đặc biệt là ở Phần Lan, đã ghi nhận sự xuất hiện của các đợt sóng nhiệt kéo dài, trong đó có những đợt chưa từng thấy.

Thậm chí, Phần Lan đã trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay trong lịch sử. Tại vùng Kouvola Anjala ở miền Nam nước này đã có đến 27 ngày liên tiếp có mức nhiệt trên 25 độ C, tình trạng chưa từng xuất hiện kể từ năm 1961.

Bên cạnh đó, các đợt sóng nhiệt tương tự cũng gây ra những vụ cháy rừng đặc biệt nghiêm trọng ở vùng phía Tây của nước Mỹ và Canada, trong đó những bang như California, Utah và Tây Canada ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục. Theo nhiều nhà khoa học, các đợt nắng nóng bao trùm miền Tây nước Mỹ và Canada hồi cuối tháng 6 vừa qua là hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây nên. Chính hoạt động của con người đã khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao, làm gia tăng các cơn bão, đợt nắng nóng cực đoan, gây hạn hán và cháy rừng.

Bà Clare Nullis, người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhận định, các chuyên gia đều tin rằng do biến đổi khí hậu nên tần suất xảy ra các hình thái thời tiết cực đoan và nhiều hình thái khác cũng đã được chứng minh là diễn biến tồi tệ hơn do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu. Khi bầu khí quyển trở nên nóng hơn, sẽ tích nhiều hơi nước nên mưa bão sẽ nặng hạt hơn, tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt.

Cũng theo thông tin của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, các đợt nắng nóng đã khiến nhiều ca nhập viện vì sốc nhiệt gia tăng.

Nghiên cứu của CDC nêu rõ, các đợt sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp tới sức khỏe của con người, trong đó có cả những ca bệnh và tử vong vì nắng nóng.

CDC dự báo trong những năm tới, tình trạng nhiệt độ tăng cao tại vùng Tây Bắc nước Mỹ sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng với sức khỏe của người dân.

PV (T/H)

Các tin khác


Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bình đẳng giới

Chiều 16/3 (theo giờ New York, Hoa Kỳ), Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW).

Từ ngày 7/3, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh

Theo TT Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng nồm ẩm ở miền Bắc kéo dài từ nay đến ngày 6/3. Ngày 7/3, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh có cường độ vừa, trời chuyển rét kèm mưa rào vào buổi sáng và trưa, nhiệt độ giảm dần vào chiều và đêm.

Sương mù bao phủ Hà Nội

Ngay từ đầu giờ sáng bầu trời Hà Nội và khu vực lân cận mù mịt, bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc.

Hà Nội duy trì thời tiết nồm ẩm

Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời tiết ngày 2/3 nhiều mây, trời ấm hơn nhưng khó nắng vào buổi sáng. Nhiệt độ hiện tại khoảng 20 độ C, nhiều mây âm u, trưa chiều giảm mây trời nắng, nhiệt độ cao nhất khoảng 25 độ.

Cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu có thể tăng 14% vào năm 2030

Ðây là một trong những con số báo động mà Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và tổ chức phi lợi nhuận GRID-Arenda đưa ra.

Trong tháng 3, không khí lạnh suy giảm dần về cường độ, nắng nóng gia tăng ở Nam Bộ

Dự báo, trong 10 ngày đầu tháng 3/2022, MJO (Madden-Julian Oscillation là một dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới) có khả năng tác động, góp phần gia tăng mưa, mưa rào cục bộ ở vùng ven biển khu vực phía nam Việt Nam.