moitruongplus Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có hơn 36.000ha đất bãi ngập mặn, trong đó, diện tích có RNM trên 22.000ha, phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển ở nhiều địa phương như: Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn...

Rừng ngập mặn (RNM) có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, ứng phó với sự biến đổi khí hậu, góp phần ổn định sinh kế bền vững của nhân dân tại các vùng cửa sông, ven biển… Đối với những địa phương có đường bờ biển kéo dài như Quảng Ninh, nhận thức được ý nghĩa của RNM đối với mục tiêu phát triển xanh, tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường sinh thái RNM, nhất là RNM tự nhiên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xã Đồng Rui là một trong những địa bàn có diện tích RNM lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với khoảng gần 2.000ha, trong đó RNM tự nhiên chiếm gần 1.500ha. RNM Đồng Rui được cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học đánh giá, không chỉ có giá trị to lớn về kinh tế, là nguồn sống của nhiều thế hệ người dân địa phương, mà còn có giá trị vô cùng đặc biệt trong hệ sinh thái RNM của Quảng Ninh và Việt Nam cũng như giá trị bảo tồn đa dạng sinh học ở tầm quốc tế.

Trong nhiều năm qua, để giữ gìn và bảo vệ được RNM Đồng Rui, phát huy vai trò lớn trong việc tạo kế sinh nhai cho người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Rui đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm của huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng việc tăng cường tuyên truyền đến người dân không xâm hại RNM, thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường biển; thực hiện nghiêm các yêu cầu về bảo tồn RNM theo chỉ đạo của tỉnh và của huyện; khuyến khích người dân phát triển loại hình du lịch sinh thái RNM... Từ năm 2015 đến nay, người dân trong xã đã phối hợp với các tổ chức quốc tế trồng thêm được 300ha RNM tại các bãi triều.

Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên cho biết: Sau bài học thực tế về những tác động tiêu cực khi RNM Đồng Rui bị xâm hại vì mục đích phát triển kinh tế "nóng”, để quản lý bền vững và tiếp tục phát triển diện tích RNM trên địa bàn xã Đồng Rui nói riêng và huyện Tiên Yên nói chung, Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên đã tham mưu cho huyện thu hồi nhiều diện tích bãi triều nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả và tiến hành trồng RNM thay thế. Đồng thời, đơn vị đang tích cực cùng địa phương và các cơ quan liên quan thúc đẩy thủ tục, hồ sơ để RNM Đồng Rui được công nhận là Khu bảo tồn đất ngập nước (khu Ramsar) có tầm quan trọng quốc tế để có thêm cơ sở pháp lý và động lực thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái, cảnh quan các khu RNM trên địa bàn.

Cùng với RNM Đồng Rui, tất cả các diện tích đất ngập nước, RNM trên địa bàn tỉnh hiện cũng đang được tỉnh đặt trong "vòng tròn” bảo vệ, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của quá trình phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế tới hệ sinh thái đặc hữu này. Điển hình như việc thi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên đi qua địa bàn xã Đài Xuyên (huyện Vân Đồn), chủ đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh thiết kế cầu Đài Xuyên 1 theo hướng nâng chiều dài cầu từ 120m như thiết kế ban đầu lên gần 500m. Với sự điều chỉnh này, gần 90ha RNM của xã Đài Xuyên đã được bảo tồn gần như nguyên trạng.

Không chỉ riêng tại vị trí cầu Đài Xuyên 1, trên toàn tuyến cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên với chiều dài 16km, phương án thiết kế của 8 vị trí cầu, cống ngang đường cũng đã được điều chỉnh theo hướng mở rộng khẩu độ thoát nước, nâng chiều dài cầu... nhằm giữ gìn và đảm bảo điều kiện sinh trưởng của gần 500ha RNM dọc tuyến; dự án cao tốc Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư theo hình thức BOT với chiều dài gần 60km cũng đang được thực hiện với phương châm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt là RNM; dự án cầu Cửa Lục 3 với phương án thiết kế sau điều chỉnh cũng giúp giảm 60% diện tích RNM bị ảnh hưởng so với thiết kế ban đầu...

Sở NN&PTNT cho biết hiện toàn tỉnh có hơn 36.000ha đất bãi ngập mặn, trong đó, diện tích có RNM trên 22.000ha, phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển ở nhiều địa phương như: Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn... Riêng từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh cũng đã trồng mới được hơn 4.000ha RNM (chiếm hơn 70% diện tích bãi bồi có khả năng trồng RNM trên địa bàn).

Thời gian qua, Quảng Ninh đã thể hiện quyết tâm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc xây dựng, thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ, phát triển RNM. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nói chung và RNM nói riêng, như: Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Thông báo số 998-TB/TU (ngày 8/8/2018) của Thường trực Tỉnh ủy về công tác quản lý bãi triều và RNM; Quyết định số 199/QĐ-UBND (ngày 23/1/2018) của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... Đây cũng là căn cứ để các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ, tích cực các giải pháp bảo vệ, phát triển RNM.

Đặc biệt, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đề án Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có nội dung về bảo vệ hệ sinh thái RNM đã được thông qua và xác định là một trong 15 đề án và chương trình trọng điểm sẽ được ưu tiên tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025. Điều này, càng khẳng định quyết tâm của tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và RNM nói riêng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.


Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bình đẳng giới

Chiều 16/3 (theo giờ New York, Hoa Kỳ), Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam phát biểu tại Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Ủy ban Địa vị phụ nữ Liên hợp quốc (CSW).

Từ ngày 7/3, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh

Theo TT Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng nồm ẩm ở miền Bắc kéo dài từ nay đến ngày 6/3. Ngày 7/3, Bắc Bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh có cường độ vừa, trời chuyển rét kèm mưa rào vào buổi sáng và trưa, nhiệt độ giảm dần vào chiều và đêm.

Sương mù bao phủ Hà Nội

Ngay từ đầu giờ sáng bầu trời Hà Nội và khu vực lân cận mù mịt, bị bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc.

Hà Nội duy trì thời tiết nồm ẩm

Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời tiết ngày 2/3 nhiều mây, trời ấm hơn nhưng khó nắng vào buổi sáng. Nhiệt độ hiện tại khoảng 20 độ C, nhiều mây âm u, trưa chiều giảm mây trời nắng, nhiệt độ cao nhất khoảng 25 độ.

Cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu có thể tăng 14% vào năm 2030

Ðây là một trong những con số báo động mà Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và tổ chức phi lợi nhuận GRID-Arenda đưa ra.

Trong tháng 3, không khí lạnh suy giảm dần về cường độ, nắng nóng gia tăng ở Nam Bộ

Dự báo, trong 10 ngày đầu tháng 3/2022, MJO (Madden-Julian Oscillation là một dao động nội mùa trong khu vực nhiệt đới) có khả năng tác động, góp phần gia tăng mưa, mưa rào cục bộ ở vùng ven biển khu vực phía nam Việt Nam.