moitruongplus Hệ thống xử lý chất thải lỏng trong nhà máy sản xuất kính của Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất kính Việt Hưng (Công ty kính Việt Hưng) đang ngừng hoạt động để nâng cấp, nhưng lạ lùng là nước thải chưa qua xử lý vẫn vô tư thải ra môi trường.


Chất thải lỏng đen kịt, bốc mùi hôi thối tồn tại ngay trước đường ống dẫn ra từ trong nhà máy sản xuất kính của Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất kính Việt Hưng

Thực hiện tuyến bài viết tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đảm bảo vệ sinh môi trường trong sản xuất, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã ghi nhận thực tế tình trạng: Nước thải trong quá trình sản xuất tại nhà máy sản xuất kính của Công ty Kính Việt Hưng, địa chỉ tại xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, có dấu hiệu không được thu gom, xử lý đúng quy định, mà trực tiếp xả thải ra môi trường, qua hệ thống mương máng, kênh thủy lợi.

Cụ thể, nước tại hệ thống kênh mương thoát nước nằm trước cổng nhà máy sản xuất kính của Công ty kính Việt Hưng là một màu đen kịt, đặc sánh, bốc mùi hôi thối. Ở đó, đang tồn tại một hệ thống đường ống cống bắt nguồn từ khuôn viên nhà máy vẫn đang rò rỉ những chất lỏng có mùi hôi thối ra ngoài. Sự việc khiến ai đi qua cũng không khỏi rùng mình, khiếp sợ...


Nước thải màu đen đang chảy ra từ đường ống xuất phát từ Công ty kính Việt Hưng


Hình ảnh nước thải đặc sánh xuất hiện ngay trước Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất kính Việt Hưng

Chưa hết, hệ thống mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân nằm cạnh mép tường của nhà máy, cũng là hình ảnh nhếch nhác của nước thải bị xả ra môi trường.


Mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng do tình trạng xả thải

Bên trong cổng nhà máy sản xuất kính của Công ty kính Việt Hưng tiếp tục là hình ảnh: các chất thải rắn là kính vỡ được tập kết hớ hênh trong các bao tải để ngoài trời. Số lượng lớn còn lại được tập trung dưới mặt đất cạnh đó.


Chất thải rắn là kính vỡ được tập kết ngay dưới mặt đất bên trong cổng của Công ty kính Việt Hưng

Theo như lời chia sẻ của bảo vệ Công ty, thì hoạt động trong khuôn viên này còn có nhiều cơ sở khác thuê lại mặt bằng để hoạt động, chứ không phải mình Công ty kính Việt Hưng. Đồng thời, PV xin xác minh thông tin về công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất từ đại diện Công ty, vị bảo vệ này cho biết: ở đây chỉ có công nhân, không có lãnh đạo nào cả.

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường và quản lý các cơ sở sản xuất trái phép, ngày 16/05/2022, PV đã tới trụ sở UBND xã Trưng Trắc để đặt lịch làm việc, xin được cung cấp thông tin, hình ảnh tới lãnh đạo xã nhằm kịp thời kiểm tra, ngăn chặn vi phạm về môi trường của Công ty kính Việt Hưng nếu có.

Tuy nhiên, do Chủ tịch là ông ông Nguyễn Tiến Thiệp và ông Tuân, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, xây dựng, môi trường UBND xã Trưng Trắc không có ở cơ quan, nên PV được ông Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa giới thiệu để xin ý kiến qua ông Thiệp và ông Tuân.

Trao đổi nhanh qua điện thoại, ông Thiệp và ông Tuân đều cho biết, sẽ thành lập tổ kiểm tra, sau đó thông báo để PV cùng tham gia với đoàn nhằm nắm tình hình.

Qua nhiều lần liên hệ lại, PV được ông Nguyễn Tiến Thiệp hẹn về UBND xã Trưng Trắc làm việc ngày 27/5/2022.

Trao đổi với PV tại phòng làm việc, ông Tuân – Phó Chủ tịch UBND xã Trưng Trắc cho biết: "Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi đã có sự chỉ đạo cán bộ môi trường, công an, quân sự xuống làm việc với doanh nghiệp”.

Về kết quả kiểm tra, ông Tuân khẳng định: "Bây giờ doanh nghiệp đang hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, nhưng bây giờ thực ra là chưa xong. Anh nói thật như thế”.

Khi PV đặt câu hỏi: Nếu "hệ thống xử lý chất thải lỏng” chưa hoàn thành, vậy qua kiểm tra, tổ công tác của Xã ghi nhận Công ty kính Việt Hưng xử lý nước thải theo hình thức nào?, thì ông Tuân cho biết: "Doanh nghiệp báo cáo là ghim nước này lại để chờ xử lý”.

PV tiếp tục thắc mắc, vậy nếu nước thải được ghim lại, thì số lượng các bể có chứa được hết nước thải phát sinh hằng ngày trong sản xuất? Và tại sao vẫn có nước thải bị xả ra môi trường? Ông Tuân liền phân trần: Các anh xuống trao đổi, chỉ đạo trực tiếp với doanh nghiệp phải thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trước khi đưa ra hệ thống rãnh trên địa bàn xã Trưng Trắc quản lý.

Chứ ông Tuân không đề cập đến việc tại sao nước thải vẫn bị xả ra môi trường!

Còn về văn bản ghi nhận của tổ công tác UBND xã Trưng Trắc tại buổi kiểm tra mà PV đề nghị được tiếp cận, ông Tuân cho biết: "Khi đồng chí Thiệp, Chủ tịch có trao đổi với anh, anh xuống trao đổi miệng với lãnh đạo công ty, thì bảo chúng tôi đang xây dựng, nâng cấp hệ thống. Người ta đang làm. Trên tinh thần phối hợp làm việc thì anh cũng không phải xuống để lập viên bản thế này, thế khác...”.

Đặc biệt, ông Tuân cho biết: Năm ngoái, UBND xã đã xuống kiểm tra, do bà con phản ánh lên là mương thủy lợi cạnh Công ty kính Việt Hưng có màu trắng đục, nhưng không phát hiện được nơi phát thải.

Về nội dung, kết quả kiểm tra việc Công ty kính Việt Hưng tự ý cho các đơn vị sản xuất khác thuê lại mặt bằng, mà không báo cáo để thực hiện các phương án bảo vệ môi trường, thì ông Tuân cho rằng: Ở xã Trưng Trắc nói chung là có công ty mẹ thuê, mà cho bao nhiêu công ty thuê lại nhưng họ không báo, nên chính quyền không nắm được. Như có đợt có cháy ở công ty nọ, chúng tôi xuống kiểm tra thì lại được báo cáo đấy là xưởng của công ty khác.

Trong quá trình trao đổi, ông Tuân gọi điện thoại cho ông Nguyễn Tiến Thiệp – Chủ tịch UBND xã Trưng Trắc, để ông Thiệp gọi điện thoại cho đại diện Công ty kính Việt Hưng lên Xã làm việc nhằm cung cấp thêm thông tin.

Sau đó ít phút, bà Trần Thị Minh Nhàn – Phó Giám đốc và bà Ngô Thị Thanh Hải – cán bộ Công ty kính Việt Hưng có mặt có tại buổi làm việc.


Đại diện UBND xã Trưng Trắc, cùng Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất kính Việt Hưng tại buổi cung cấp thông tin đến PV

Bà Nhàn cho biết: Công ty đang trong giai đoạn nâng cấp, sửa chữa lại toàn bộ nhà máy, nên giờ không hoạt động gì.

Trước thắc mắc của PV: Công ty không sản xuất, tạo sao vẫn có số lượng chất thải lỏng lớn bốc mùi hôi thối bị thải ra môi trường? Thì bà Ngô Thị Thanh Hải đáp: Có thể có một số doanh nghiệp thuê lại mặt bằng xả thải ra môi trường. Chúng tôi sẽ quán triệt lại các đơn vị ấy để làm sao khi xả thải ra môi trường phải đạt yêu cầu. Hiện có 02 đơn vị đang thuê.


Công nhân đang dùng vợt để vớt bớt đi những mảng váng đọng, tại khu nước thải nằm trước Công ty kính Việt Hưng

Qua hình ảnh thực tế và chia sẻ từ lãnh đạo UBND xã Trưng Trắc, cũng như đại diện Công ty kính Việt Hưng, thì những vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường và tự ý cho thuê lại mặt bằng, nhưng không báo cáo địa phương đã rõ.

Từ đó, dư luận có quyền thắc mắc: tại sao vi phạm vẫn tồn tại, không được kiểm tra và xử lý kịp thời?

Để sự việc được làm sáng tỏ, kính đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên; Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên; UBND huyện Văn Lâm... nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có). Có như thế mới tạo được niềm tin trong nhân dân, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc !

Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý như sau:

* Hình thức xử phạt chính:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

* Hình thức xử phạt bổ sung:

- Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp. 

- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 

- Mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm đình chỉ cho - khi hết thời hạn xử lý, các hoạt động khác không liên quan - quá trình xả thải vẫn được phép tiếp tục.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: 

- Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra;

- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, việc tước giấy phép xử lý chất thải chỉ tạm dừng các công việc có liên quan tới những hoạt động xả chất thải của doanh nghiệp. Những hoạt động khác sẽ được phép hoạt động bình thường.

Cao hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường. Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội gây ô nhiễm môi trường thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà sẽ có những chế tài phù hợp.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

dfd
egr
dbgfbg
fsgfd

Trâu Quỳ (Hà Nội): Cho thuê đất công làm kho bãi, đừng để ảnh hưởng đến môi trường

Dù là đất công, nhưng trên phố Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ nhiều năm nay tồn tại bãi tập kết xe, nhà kho vận chuyển hàng hóa nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, PCCC

Đắk Lắk: Cần kiểm tra, xử lý bãi tập kết phế liệu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư

Mặc dù bãi tập kết phế liệu chưa được chính quyền cấp cơ sở phê duyệt hay không có bất cứ giấy tờ nào về công tác bảo vệ môi trường. Nhưng cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn xã Hoà Phú – TP Buôn Ma Thuột lại tồn tại rất nhiều năm mà không bị xử lý.

Loạt bãi xe không phép “mọc” trên đất công ở quận Long Biên

Hàng nghìn m2 đất quy hoạch trên địa bàn phường Giang Biên (quận Long Biên, TP Hà Nội) bị "hô biến” thành bãi trông giữ xe ô tô không phép, gây nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đô thị.

Bắc Giang: Cần kiểm tra việc bán đất “kèm” mộ phần ở huyện Lục Nam (Bài 3)

Sau loạt bài phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam, ngày 15/4, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đã ra Quyết định thụ lý đơn tố cáo của công dân đối với lãnh đạo xã Yên Sơn.

Nghệ An: Chủ đầu tư Khu đô thị sinh thái Vinh Tân “biến” nhà BQL dự án thành nhà hàng? (Bài 2)

Hơn 1.300m2 được UBND tỉnh phê duyệt QH, thuê đất xây dựng nhà BQL dự án nhưng bị chủ đầu tư cho đơn vị khác thuê làm nhà hàng. Không chỉ cho thuê trái phép, sử dụng đất sai mục đích, hàng loạt hạng mục cũng được xây dựng không GP, vi phạm QH nghiêm trọng

Cần kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại dự án DMC Plaza Hạ Long

Chủ đầu tư dự án chung cư DMC Plaza Hạ Long ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị phản ánh dấu hiệu vi phạm Luật Xây dựng và hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường.