moitruongplus Trong khi người dân hàng ngày đang phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm nặng nề, tiếng ồn ban đêm của hoạt động nhà máy ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thì chính quyền huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) lại thông tin mức độ ô nhiễm chỉ "bình thường”….

Mới đây, PV tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã ghi nhận được những phản ánh bức xúc của người dân tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình về việc nhà máy xi măng X18 thuộc công ty Xi măng X18 đóng trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe người dân....


Trụ sở nhà máy và công ty Cổ phần Xi măng X18 nằm trên địa bàn xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Dân hàng chục năm sống chung: "Hàng ngày hít, không chết ngay nhưng chết "từ từ””


Toàn cảnh nhà máy Xi măng X18 được người dân phản ánh ô nhiễm môi trường khói bụi, tiếng ồn, mùi khét qua nhiều năm nay....

Tiếp cận tại hiện trường khói bụi đang thải ra từ nhà máy X18, nhóm PV không khỏi thấy ngột ngạt, khó thở và nhức đầu và mùi khét.

Theo bà N.T.T, người dân xóm bờ sông cho biết: "Chúng tôi những người dân sống ở đây bao nhiêu năm chứng kiến sự tồn tại của nhà máy xi măng này, phải nói là bụi kinh khủng, bụi mịn, bụi than đen xì khắp nền sân, trong nhà, những hôm trời nắng càng rõ bụi trắng xóa khắp các mái nhà, lá cây. Những búp non chồi lên cũng bị bụi phủ trắng xóa…”

Một người dân khác cho biết: "Ngày nào tôi cũng lau nhà mà không hiểu sao bụi mịn lúc nào cũng có, trong tình trạng trắng or bụi đen của than. Thật kinh khủng, hàng ngày hít, có chết không chết ngay mà chết từ từ”.


Người dân sống sát ngay khu vực nhà máy xả khi thải ra môi trường....

"Ban đêm nhà máy Xi măng X18 hoạt động rất nhiều tiếng ồn, phải đóng cửa mới ngủ được. Buổi tối, không hiểu họ xả khí thải kiểu gì mà làn khói đen xì không như ban ngày. Đi ngoài đường có hôm bụi than phả hết vào mặt mũi chân tay. Nói thật ở đây chúng tôi còn không dám ăn nước giếng khoan…”, Dẫn nhóm PV lên khu vực sân thượng của gia đình, nơi trực tiếp nhìn thấy ống khói của nhà máy Xi măng X18 đang xả ra, bà N.T.H cho biết "gia đình luôn luôn phải đóng cửa, mấy ngày không lên quét dọn là nơi đây bụi phủ trắng đầy nền, mái nhà...."


Bụi khắp tầng 2, trên mặt bàn, nền nhà bụi mịn giăng đầy mặc dù đã đóng kín cửa...

"Từ trước đến nay, chưa bao giờ được hỗ trợ gì từ công ty. Có lần công ty bị bục túi lọc khí khiến bụi càng kinh khủng cũng chẳng hỗ trợ gì dân cả. Chúng tôi kêu gào rất nhiều lần lên chính quyền rồi nhưng cũng chỉ hứa, ghi nhận và để đấy, không được giải quyết. Nhà nào nhà nấy phải làm thêm cái cửa chắn bụi. Dân ở đây là phần lớn bị viêm đường hô hấp, xoang mũi bởi vì không khí ô nhiễm quá, kinh lắm…”

"Khoảng hơn tháng nay công ty hoạt động ít đi vì họ đang gặp phải vấn đề tìm nguyên liệu, họ hoạt động cầm chừng nên đỡ được bụi hơn, khi hoạt động công suất như thường thì lại bụi kinh khủng. Công nhân ở nhà máy tháng nay chỉ được có 1-2 triệu tiền công vì phải nghỉ suốt…”


Thực trạng ô nhiễm không khí nặng nề được người dân phản ánh....

Xã-huyện-dân: những thông tin mâu thuẫn!


Trụ sở UBND huyện Yên Thủy

Nhằm có thông tin khách quan và làm rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, PV đã đặt lịch làm việc kèm nội dung câu hỏi với UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Yên Thủy và UBND xã Ngọc Lương.

Sau 2 ngày, UBND tỉnh Hòa Bình đã gửi phiếu chuyển với nội dung giao Sở TNMT tỉnh, UBND huyện Yên Thủy phối hợp trả lời nội dung báo nêu.

Trước đó một tuần PV đã đến gặp và trực tiếp đặt lịch làm việc với ông Bùi Văn Tiệp- Chánh Văn phòng UBND huyện và ông đã hứa sẽ báo cáo lên Chủ tịch. Tuy nhiên sau vài ngày, liên hệ bằng điện thoại nhiều lần ông Tiệp đều không nhấc mấy, nhắn tin cũng không trả lời ?!

PV liên hệ với ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy lại cho biết chưa nắm được thông tin, chưa thấy ai báo cáo.

Ông Hải nhắn vỏn vẹn với PV: "Em gặp lãnh đạo nhà máy X18 cụ thể. Ai làm người đấy chịu, món này phải Sở Tài nguyên môi trường em ạ”.

Sau khi PV nêu rõ trách nhiệm của huyện trong quản lý vấn đề môi trường tại địa bàn chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho công ty và Sở TNMT, ông Hải Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy nhắn lại rằng đã giao cho Phòng TNMT huyện trả lời.

"Em ra gặp trưởng phòng tài nguyên xem món này thuộc về ai, ai gây ra nếu có, cấp nào sử phạt…” (chữ "sử phạt” vị Chủ tịch viết sai chính tả!)

Làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thủy, PV vô cùng bất ngờ trước thông tin mà ông Vũ Minh Toàn ( trưởng phòng) và ông Trần Hữu Thịnh (phó trưởng phòng) đưa ra: "Sau khi tiếp nhận nội dung của anh chị, tôi có gọi điện thoại về xã Ngọc Lương và trưởng thôn thì các bác đều bảo không nhận được phản ánh gì và cũng không có ô nhiễm gì ở đây…”.

Hai vị lãnh đạo Phòng TNMT huyện Yên Thủy này luôn khẳng định công ty X18 trách nhiệm quản lý, xử lý xử phạt thì phải là Sở TNMT tỉnh Hòa Bình vì tỉnh cấp phép, tỉnh quản lý. "Những giấy tờ mà PV cần như giấy phép xả thải, ĐTM,… huyện không thể cung cấp, phải lên hỏi Sở TNMT. Huyện chỉ khi có đơn thư của dân thì phối hợp. Mấy năm nay chưa thấy có đơn thư gì lên huyện cả. Xã cũng không thấy có đơn gì lên huyện….”

Theo Khoản 2 Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường 2020 ( Có hiệu lực từ 01/01/2022) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp, trong đó:

Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

- Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường của địa phương;

- Cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường theo thẩm quyền;

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn;

- Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường”.

Chiếu theo quy định trên, Phòng TNMT huyện Yên Thủy không thể trả lời thiếu trách nhiệm rằng "chỉ khi có đơn thư" mới vào cuộc xử lý và đổ hết trách nhiệm cho Sở TNMT tỉnh. Vậy, lãnh đạo Phòng TNMT huyện Yên Thủy đang hiểu chưa hết về những quy định của Luật bảo vệ Môi trường- đúng chuyên ngành của Phòng tài nguyên môi trường?

Ông Thịnh thông tin rằng: "Trước đây họ sử dụng lò đứng thì đúng là có ô nhiễm thật, nhưng từ giai đoạn 2017 chuyển sang công nghệ mới thì ô nhiễm gần như không có…”

"Các vấn đề quan trắc ở đây họ đều đảm bảo hết, vấn đề môi trường thì X18 chưa từng bị xử phạt. Mới đây nhất, Bộ TNMT có xử phạt 120 triệu về vấn đề khai thác khoáng sản vượt mức cho phép của công ty này thôi”…

Vấn đề đặt ra là, lãnh đạo Phòng TNMT khẳng định giai đoạn trước 2017 lò đứng gây ô nhiễm, vậy huyện đã xử lý, xử phạt giai đoạn trước hay chưa? Vì sao 2 vị này luôn khẳng định hiện tại về ô nhiễm ở đây ở mức độ "chưa có gì nghiêm trọng” nhưng dân- những người trực tiếp sống tại đây đều kêu ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ vài chục năm qua?

Ông Thịnh còn khẳng định có thể đi luôn về xã và về gặp dân để nếu có phản ánh thì sẽ đề nghị vào cuộc xử lý. Thế nhưng sau khi về xã Ngọc Lương cùng nhóm PV, ông Thịnh lại tiếp tục ngồi lại phòng làm việc của ông Nguyễn Xuân Thủy- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương, không tiếp tục đi vào khu dân cư để ghi nhận tình trạng phản ánh ô nhiễm như lời hứa hẹn trước đó (!?).

Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao ban đầu vị này khăng khăng khẳng định sẵn sàng đi cùng phóng viên xuống tiếp cận xã và dân nhưng chỉ xuống xã mà không đi vào dân như lời hứa?!

Cùng buổi làm việc, tiếp PV, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó chủ tịch xã Ngọc Lương cho biết: "Mấy năm nay chưa thấy có phản ánh gì, chỉ có trong cuộc họp cử chi, dân có ý kiến thì chúng tôi ghi nhận”.

"Cách đây khoảng 1-2 năm, công ty bị sự cố bục túi lọc khí nên bụi bị nhiều, ảnh hưởng đến dân quá thì họ kêu. Tuy nhiên công ty họ nói sẽ đàm phán với dân và do túi lọc đặt lâu, và để kịp sản lượng của công ty nên xã cũng tạo điều kiện để họ tự giải quyết với dân". Ông Thủy cũng xác nhận thời gian đó đã để công ty hoạt động 1 tuần không có túi lọc.

Khi PV hỏi sự cố trên xã không báo cáo lên huyện để xử lý xử phạt công ty mà vẫn để công ty ngang nhiên hoạt động xả khí thải không đảm bảo ra môi trường như vậy, thì vị này trả lời chung chung rằng không có báo cáo gì…

Như vậy, riêng việc xã và huyện đã để công ty không có túi lọc khí xả trực tiếp khí thải chưa đảm bảo ra môi trường suốt một tuần đã nói lên trách nhiệm buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại trong đó có UBND xã Ngọc Lương và UBND huyện Yên Thủy?

Cũng tại buổi làm việc với xã, ông Thịnh (Phó trưởng phòng TNMT) lại nêu quan điểm: "Nói thật với anh chị, nhà máy không hoạt động thì không ô nhiễm, còn đã hoạt động thì ít nhiều không thể tránh khỏi”…

Dân phản bác lại ý kiến của xã huyện!

Để khách quan, làm rõ số câu trả lời của xã Ngọc Lương và huyện Yên Thủy trên, nhóm PV đã về 3 xóm ảnh hưởng nhất tại khu vực nhà máy Xi măng X18 xả thải ra. 100% ý kiến ghi nhận đều là đã "kêu gào” rất nhiều tại các buổi họp, kêu lên xã, có cả đâm đơn thư rồi nhưng chưa hề được cấp nào xử lý cho dân.

"Chúng tôi phải chấp nhận thôi chứ biết làm cách nào. Ý kiến thì đưa lên xã chứ đưa lên huyện người ta bảo vượt cấp, ai dám gửi luôn lên huyện. Còn xã có làm kiến nghị lên trên không thì chúng tôi làm sao mà biết được các ông ấy xử lý với nhau như thế nào. Ô nhiễm môi trường ở đây nhiều năm vẫn vậy, chưa được xử lý”.


Ngồi tại căn nhà của ông T.T.D, nhóm PV nhìn được cả ống khói đang nghi ngút bốc lên từ nhà máy X18 sát ngay trước mặt, cảm tưởng khi hít thở không khí ở đây vô cùng ngột ngạt....

Nhóm PV tiếp cận được số công nhân làm việc trực tiếp tại nhà máy X18. PV vô cùng bất ngờ trước thông tin: "Bọn mình làm công nhân ở đây bọn mình hiểu rõ, cái túi lọc trị giá tiền tỷ chỉ dùng vài 3 tháng là hỏng, hỏng suốt ấy. Hỏng thì có phải công ty có tiền mà thay luôn đâu. Bây giờ lại đang hỏng rồi đó. Túi hỏng khi thay thì công nhân phải thay, và thay thì rất bụi bẩn, kinh khủng…”

Khi được PV hỏi để xác minh về thông tin túi lọc đang hỏng hay không, ông Thịnh (Phó trưởng phòng TNMT) trên đã nhắn lại với PV với lời lẽ như sau: "Chị có chắc là túi lọc hỏng không, để tôi báo cáo tỉnh về kiểm tra, nếu kiểm tra mà không hỏng thì nhiều vấn đề lắm.”

Không biết "nhiều vấn đề” mà ông Thịnh đang nói là "vấn đề” gì, có phải đang "đe nạt" PV không, tuy nhiên trách nhiệm kiểm tra phát hiện ra sai phạm là của cơ quan quản lý Nhà nước huyện, tỉnh chứ không phải khi có báo chí vào hỏi mới tiến hành kiểm tra!

Mặt khác, kỳ lạ thay, khi phỏng vấn một trưởng thôn tại đây thì ông này đã phản bác lại ý kiến của ông Thịnh (Phó trưởng phòng TNMT huyện vừa phát ngôn ở trên là đã liên hệ cho xã, trưởng thôn) rằng: "Tôi không hề nhận được cuộc gọi nào của xã hay huyện hỏi về vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây cả?!

Vậy, ông Thịnh, Phó trưởng phòng TNMT huyện Yên Thủy đã gọi cho vị trưởng thôn nào, có trung thực hay không?

Khi PV hỏi lại ông Thịnh để làm rõ thông tin trên thì ông im lặng, không trả lời!

Sở TNMT sẽ thông tin về giấy phép xả thải, đề án bảo vệ môi trường ĐTM thay đổi của công ty đã được thực hiện hay chưa, chấp hành luật thế nào?

Công ty X18 cũng nằm trong danh sách phải kiểm kê khí nhà kính để báo cáo về Bộ TNMT trong năm 2022. Việc thực hiện của X18 đã có kết quả ra sao?

Công ty cổ phần xi măng X18 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng được thành lập ngày 14/4/1977 theo Quyết định số 92/QĐ- QP ngày 14/4/1977 của Bộ trưởng Bộ quốc phòng, trên địa bàn : Xã Ngọc lương - Huyện Yên Thuỷ - Tỉnh Hoà Bình. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức Công ty Cổ phần theo Quyết định ngày 31/08/2006 của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.

Năm 2022, Bộ TNMT đã xử phạt công ty X18 số tiền 120 triệu do vi phạm quy định về khai thác khoáng sản vượt trữ lượng cho phép.


Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

dfd
egr
dbgfbg
fsgfd

Trâu Quỳ (Hà Nội): Cho thuê đất công làm kho bãi, đừng để ảnh hưởng đến môi trường

Dù là đất công, nhưng trên phố Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ nhiều năm nay tồn tại bãi tập kết xe, nhà kho vận chuyển hàng hóa nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, PCCC

Đắk Lắk: Cần kiểm tra, xử lý bãi tập kết phế liệu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư

Mặc dù bãi tập kết phế liệu chưa được chính quyền cấp cơ sở phê duyệt hay không có bất cứ giấy tờ nào về công tác bảo vệ môi trường. Nhưng cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn xã Hoà Phú – TP Buôn Ma Thuột lại tồn tại rất nhiều năm mà không bị xử lý.

Loạt bãi xe không phép “mọc” trên đất công ở quận Long Biên

Hàng nghìn m2 đất quy hoạch trên địa bàn phường Giang Biên (quận Long Biên, TP Hà Nội) bị "hô biến” thành bãi trông giữ xe ô tô không phép, gây nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đô thị.

Bắc Giang: Cần kiểm tra việc bán đất “kèm” mộ phần ở huyện Lục Nam (Bài 3)

Sau loạt bài phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam, ngày 15/4, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đã ra Quyết định thụ lý đơn tố cáo của công dân đối với lãnh đạo xã Yên Sơn.

Nghệ An: Chủ đầu tư Khu đô thị sinh thái Vinh Tân “biến” nhà BQL dự án thành nhà hàng? (Bài 2)

Hơn 1.300m2 được UBND tỉnh phê duyệt QH, thuê đất xây dựng nhà BQL dự án nhưng bị chủ đầu tư cho đơn vị khác thuê làm nhà hàng. Không chỉ cho thuê trái phép, sử dụng đất sai mục đích, hàng loạt hạng mục cũng được xây dựng không GP, vi phạm QH nghiêm trọng

Cần kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại dự án DMC Plaza Hạ Long

Chủ đầu tư dự án chung cư DMC Plaza Hạ Long ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị phản ánh dấu hiệu vi phạm Luật Xây dựng và hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường.