moitruongplus Một khu vực rừng ở phường Việt Hưng, TP Hạ Long đã biến thành "đại công trường” khai thác đất trái phép mang đi tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, thất thoát tài nguyên…
Khu vực bị các đối tượng khai thác trái phép hàng vạn m3 đất.
Theo phản ánh của người dân phường Việt Hưng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua trên địa bàn xảy ra tình trạng một số đối tượng huy động máy xúc, xe tải đến khu vực đất rừng trên địa bàn để khai thác đất mang đi tiêu thụ thu lợi bất hợp pháp, biến khu rừng thành đại công trường nham nhở, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Tuy nhiên, sự việc không được chính quyền địa phương kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.
Xe tải, máy xúc hoạt động rầm rộ từ tối muộn đến rạng sáng hôm sau.
Anh B.V.T. - người dân phường Việt Hưng cho biết, tình trạng khai thác trái phép đất rừng tại khu vực Cái Mắm, phường Việt Hưng đã diễn ra từ nhiều tháng trước. Hoạt động khai thác thường bắt đầu từ 18h ngày hôm trước đến 4h sáng ngày hôm sau. Tại khu vực này luôn có hàng chục xe tải cùng máy xúc hoạt động rầm rộ như đại công trường, khiến một khoảnh rừng lớn bị đào bới nham nhở, mùa mưa gây sạt lở, bùn đất chảy xuống hạ lưu gây tắc cống, ngập lụt, ô nhiễm môi trường.
Anh T. cũng cho biết, khi người dân phản ánh sự việc trên thì có một vài lần cơ quan chức năng xuống khu vực này kiểm tra và thu giữ một hai xe tải, nhưng kiểu cho có lệ, bởi ngay ngày hôm sau họ lại tiếp tục thực hiện hành vi "trộm cắp” đất ở chính vị trí cũ.
Theo anh Trần Hữu V. – người chuyên cung cấp VLXD trên địa bàn phường Việt Hưng: Hiện nay giá 1m3 đất bán ra tại bãi trung bình từ 30.000 – 40.000 đồng/m3, trung bình một xe tải chở khoảng 20 m3, mỗi xe một đêm chạy được 8 – 10 chuyến. Như vậy, một đêm hơn 10 xe chạy thì khối lượng đất bốc xúc vận chuyển đi lên tới hàng nghìn khối, tương ứng với cả trăm triệu đồng.
Cả một khu vực bị đào bới, móc hố sâu khiến đất đai sạt lở gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Để làm rõ sự việc trên, vào lúc 21h ngày 17/11/2022, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có mặt tại khu vực Cái Mắm, phường Việt Hưng để ghi nhận thực trạng hoạt động khai thác đất tại khu vực trên. Theo ghi nhận, đây là một cánh rừng, cây bụi đã bị cháy một phần, diện tích đào bới khai thác đất lên đến nhiều héc-ta, có vị trí đào bới rất sâu tạo thành taluy cao đến 4m.
Vị trí khai thác ở khu vực Cái Mắm chỉ có một lối ra vào, tại đây, xe tải chở đất ra vào nườm nượp. Các đối tượng dùng máy xúc cỡ lớn bốc xúc đất đưa lên xe tải vận chuyển ra khỏi rừng đi tập kết ở nhiều vị trí khác nhau nhưng không hề bị lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn.
Khoảnh rừng rộng rộng lớn đã bị nhóm đối tượng san phẳng để khai thác khoảng 3-4m (chiều cao) đất mặt.
Ngay sau khi ghi nhận hình ảnh thực tế trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phản ánh thông tin sự việc, kèm theo hình ảnh về hoạt động khai thác đất rừng đang diễn ra qua mạng Zalo của Chủ tịch UBND phường Việt Hưng, đồng thời đề nghị vị này cử cán bộ vào kiểm tra, bắt quả tang sự việc.
Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Đỗ Mạnh Chung - Chủ tịch UBND phường Việt Hưng, cho biết: Tôi đã chỉ đạo anh em xuống kiểm tra!
Và khoảng 40 phút sau, ông Chung nhắn tin lại cho PV để thông báo kết quả kiểm tra: Anh em đang đi kiểm tra, không có ô tô hay máy xúc nào khai thác trái phép trên địa bàn?!
Với những hình ảnh ghi nhận thực tế về diễn biến sự việc trên vẫn còn nguyên vẹn trong các thiết bị tác nghiệp của PV, nên chúng tôi đã rất bất ngờ khi nhận được thông tin về kết quả kiểm tra từ người đứng đầu chính quyền phường Việt Hưng.
Việc khai thác, vận chuyển đất trái phép đi tiêu thụ diễn ra rầm rộ trong một thời gian dài mà chính quyền sở tại không nắm được thì đúng là điều thật khó hiểu ?!
Để bảo vệ an toàn những cánh rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên đất trên địa bàn phường Việt Hưng, chúng tôi kính đề nghị UBND TP Hạ Long cần sớm vào cuộc kiểm tra, ngăn chặn thực trạng trên. Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu và những cán bộ liên quan của phường Việt Hưng khi để "đất tặc” lộng hành trong thời gian dài (nếu có).
Mặc dù các cơ quan chức năng TP Pleiku đã nhiều lần xử phạt, thậm chí cưỡng chế đối với các công trình xây dựng trái phép tại thôn 4, xã Gào (TP Pleiku), nhưng thay vì chấp hành xử phạt, tháo dỡ thì công trình này đến nay có dấu hiệu "phình to” hơn.
Liên quan với việc phá hơn 4.000m2 rừng tại khu vực núi đá vôi Thung Moong thuộc Điền Giang, xã Điền Lư tại khoảnh 1, tiểu khu 298b,. UBND huyện Bá Thước đã giao cho Công an huyện, các ban ngành liên quan, UBND xã Điền Lư vào cuộc điều tra.
Với 4.490 mét vuông, 108 cây bị đốn hạn, chạt phá, khối lượng gỗ là 5,75m3 trái phép xảy ra tại khu vực núi đá vôi Thung Moong thuộc địa phận thôn Điền Giang, xã Điền Lư tại khoảnh 1, tiểu khu 298b, huyện Bá Thước khiến người dân bức xúc.
Sau phản ánh của Môi trường và Đô thị điện tử, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã lên tiếng về vụ việc cán bộ kiểm lâm "liên kết” bán gỗ trục vớt trái phép.
UBND xã Tân An ( Vĩnh Cửu) xin gia hạn thời gian lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) đối với vi phạm tại các thửa đất số 303, 320, 319, 313 tờ 60 thuộc xã Tân An sau khi báo chí phản ánh với nội dung chính là xin gia hạn thời gian lập biên bản VPHC.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái vừa có Công văn số 46/BCH-PCTT yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh.