moitruongplus Giá xăng dầu trong nước có thể lên sát 30.000 đồng một lít vào kỳ điều chỉnh ngày 11/3 nếu Liên Bộ Công Thương - Tài chính không can thiệp bằng các công cụ bình ổn giá.

Vài ngày qua, các quyết định trả đũa lẫn nhau giữa Nga và các nước đồng minh đã khiến giá dầu thế giới tăng phi mã. Có thời điểm, giá dầu thế giới giao dịch ở ngưỡng 139 USD/thùng, mức giá cao nhất kể từ năm 2008.

Trong phiên giao dịch hôm nay, giá dầu tiếp tục duy trì ở mức rất cao, trên 130 USD/thùng, sau khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga, và Anh cũng dự kiến ngừng mua dầu Nga vào cuối năm nay.

Trước đà tăng phi mã của giá dầu thế giới, nhiều doanh nghiệp xăng dầu trong nước dự báo, trong kỳ điều chỉnh sắp tới, giá dầu trong nước có thể thiết lập mức giá cao chưa từng có, khoảng 30.000 đồng/lít.

Ảnh:Internet

Thực tế, dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 3/3 cho thấy, các loại xăng đã tăng thêm 10% so với ngày 1/3. Trong đó, xăng RON 92 có giá 130,51 USD/thùng và xăng RON95 duy trì ở mức RON 95 133,35 USD/thùng.

Nếu mức giá này duy trì trong kỳ điều chỉnh tới (ngày 11/3), giá xăng có thể tăng thêm 2.000 - 2.500 đồng/lít. Như vậy, nếu cộng dồn, giá xăng có thể tiệm cận mức 30.000 đồng/lít.

Theo Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, sau kỳ điều chỉnh giá ngày 1.3 vừa qua, các doanh nghiệp vẫn lỗ hơn 3.000 đồng/lít xăng, khoảng gần 4.000 đồng/lít dầu. Trong khi hiện giá dầu thô đã tăng mạnh nên kỳ điều hành tới chắc chắn giá xăng dầu phải tiếp tục tăng cao.

Vị này ước tính, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh tới (ngày 11.3), giá xăng RON 95 tăng khoảng 3.800 đồng mỗi lít; xăng E5 tăng 3.400 đồng/lít; còn dầu DO tăng rất mạnh, khoảng 4.800 đồng/lít.

Với mức tăng này, giá xăng RON 95 có thể chạm ngưỡng 30.000 đồng mỗi lít - nếu không có công cụ can thiệp đủ sức nặng như giảm thuế.

Lý giải nguyên nhân giá xăng trong nước có thể tăng rất mạnh trong kỳ điều chỉnh tới, thương nhân này cho biết, hiện giá dầu thô leo đỉnh khiến giá thành phẩm mặt hàng này tại thị trường thế giới cũng không ngừng đi lên.

Chia sẻ với VTC News sáng 9/3, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng trong kỳ điều hành ngày mai (11/3) khả năng giá bán lẻ xăng dầu trong nước chạm mốc 30.000 đồng một lít đã hiện hữu.

"Xăng dầu trong nước điều chỉnh theo giá thế giới. Do đó với xu hướng giá thế giới tăng cao như hiện nay, giá bán lẻ trong nước có thể vượt 30.000 đồng một lít vào kỳ điều chỉnh tới nếu nhà điều hành không can thiệp bằng các công cụ bình ổn giá, hoặc giảm thuế phí”, ông Long nói.

Vẫn theo ông Long, nhằm kéo giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm thuế môi trường xăng dầu ở mức 1.000 đồng với xăng và 500 đồng với dầu.

Tuy nhiên, mức giảm này được cho là quá ít, không có nhiều ý nghĩa. Nhà điều hành nên cân nhắc trình thêm phương án với mức giảm mạnh hơn để hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp vốn đang ngắc ngoải do dịch bệnh kéo dài.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội cho biết, với đà tăng nóng của giá xăng dầu thế giới, giá bán lẻ trong nước chắc chắn sẽ được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành ngày 11/3. Nhưng mức tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc nhà điều hành sử dụng các công cụ bình ổn, cũng như việc điều chỉnh thuế, phí.

"Xu hướng giá nhiên liệu thế giới còn tiếp tục tăng khi chiến sự Nga - Ukraine vẫn căng thẳng. Do đó, xăng dầu trong nước chịu áp lực tăng giá rất lớn và khả năng kỳ điều hành vào cuối tuần này cũng sẽ tăng đáng kể”, vị này nói.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo Nghị định 95 có hiệu lực từ ngày 2/1, liên Bộ Công Thương - Tài Chính sẽ điều hành giá xăng dầu 10 ngày lần tức ngày 1, 11, 21.

Tuy nhiên, ông cho biết trong đó có quy định với trường hợp xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân, liên Bộ báo cáo Thủ tướng xem xét.

Để kìm giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế kiến nghị Bộ Tài chính nên cân nhắc trình thêm phương án với mức giảm mạnh hơn hoặc xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị phương án giảm thuế 2.000 đồng/lít, sâu hơn so với đề xuất giảm 1.000 đồng mỗi lít xăng (trừ ethanol).

Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Giá xăng chính thức tăng sát mốc 30.000 đồng/lít từ 15h chiều nay (11/3)

Chiều 11/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Dự báo giá xăng dầu ngày mai có thể tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít

Trong kì điều hành ngày mai (11/3), nhiều khả năng giá xăng có thể tăng hơn 2.000 đồng/lít và giá các loại dầu cũng tăng tiếp từ 1.000 – 1.500 đồng/lít/kg.

Giá vàng ngày 7/3: Vàng trong nước ở mức cao kỷ lục

Trước giờ mở cửa phiên sáng nay, giá vàng trong nước ở mức cao kỷ lục.

Giá vàng ngày 2/3: Thị trường vàng trong nước “phi mã”

Sau khi giá vàng thế giới tăng trên 35 USD/ ounce, giá vàng trong nước cũng phi mã.

Từ 15h chiều nay, giá xăng lập đỉnh sau 6 lần tăng liên tiếp

Kể từ 15h chiều nay (1/3), giá xăng RON 95 và E5 RON 92 tiếp tục được điều chỉnh tăng dù đã mức cao kỷ lục.

Giá vàng ngày 27/2: Vàng thế giới đi lùi, trong nước trên 65 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới ngày cuối tuần suy giảm sau khi chạm đỉnh trước căng thẳng Nga và Ukraine, song vàng trong nước vẫn ở mức trên 65 triệu đồng/lượng.