moitruongplus Học sinh không được đến trường dài ngày nếu không có biện pháp kết hợp thật tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng sang chấn tâm lý. Đây là việc phải giải quyết ngay trong năm nay, không thể chậm trễ…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý nội dung này khi dự hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chiều 12/1.
DÀNH HƠN 71.000 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ AN SINH
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.
Trong bối cảnh đó, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 742.000 lượt người sử dụng lao động và trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Trong đó, với gói 26.000 tỷ đồng, toàn quốc có 378.300 lượt người sử dụng lao động, trên 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác được hỗ trợ với tổng kinh phí là 33.564 tỷ đồng. Với gói hỗ trợ từ Qũy Bảo hiểm thất nghiệp, có 363.600 lượt người sử dụng lao động và 12,6 triệu lượt người lao động được hỗ trợ với tổng kinh 37.918 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, một số lĩnh vực, trong đó có thị trường lao động biến động và chưa vững chắc. Kết quả vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội; còn nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích tệ nạn xã hội diễn ra dưới các hình thức tinh vi, phức tạp...
Từ thực tế này, trong năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm.
Trong đó, chú trọng duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng, tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. "Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và thiên tai, rủi ro. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đào tạo thường xuyên, đào tạo lại lao động và chuẩn hóa chất lượng lao động trình độ kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế...
CHUẨN BỊ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC KHI DỊCH BỆNH ĐƯỢC KIỂM SOÁT
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gợi mở nhiều vấn đề cho Ngành trong năm 2022. Một trong những lưu ý đó là còn bất cập về người có công, dù đến nay đã có những thay đổi căn bản, nhưng câu chuyện xác minh người có công vẫn cần nhìn nhận lại, bởi đây là "vấn đề rất nhạy cảm”, Bộ cần tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết tốt hơn.
"Câu chuyện chăm sóc cho các thương binh nặng không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, chăm sóc cho các bác mà cần quan tâm cả người thân của họ. Có chính sách hỗ trợ lâu dài kể cả đào tạo, việc làm với người có công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Với vấn đề giảm nghèo, Phó Thủ tướng cho rằng, điểm yếu cố hữu vẫn là sự phối kết hợp chưa thật đồng bộ giữa các chương trình, giữa các bộ, ngành. "Tới đây chúng ta cần ngồi bàn lại với nhau, có cơ chế điều phối trong các chương trình xóa nghèo”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban dân tộc giúp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong triển khai vấn đề này.
Một vấn đề quan trọng khác được Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh và về thị trường lao động, dù rất khó khăn nhưng chúng ta đang từng bước khắc phục. Tuy nhiên, vừa qua việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn có một số sự cố dù rất cá biệt.
Phó Thủ tướng ghi nhận việc các bộ đã phối hợp tốt trong việc bảo hộ công dân đối với một số trường hợp người lao động bị đối xử, bị xâm phạm lợi ích chính đáng. Tuy nhiên, tới đây sẽ cần có chính sách để quản lý chặt hơn việc tuyên truyền cho người dân, và chọn lựa nơi đưa lao động sang học tập, lao động để lợi ích được đảm bảo cho cả hai bên.
Về phát triển, mở rộng thị trường, theo Phó Thủ tướng, trước khi dịch bùng phát chúng ta đã ký được một loạt thị trường tốt, vì dịch bệnh nên đã bị chững lại. "Tới đây phải chuẩn bị thật kỹ để khi dịch bệnh được kiểm soát ở các nước sẽ đẩy mạnh hơn, còn những nước có nhiều rủi ro khi người lao động sang lao động dễ bị xâm phạm về quyền và lợi ích thì nên có kế hoạch rất thận trọng”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Liên quan đến vấn đề đào tạo nghề, theo Phó Thủ tướng là đã có bước tiến bộ nhưng "chưa hài lòng”, tiến độ cũng còn chậm. Do đó, lĩnh vực này năm tới đây cần xem xét lại toàn bộ việc quy hoạch đầu mối, bỏ dần chế độ chủ quản ở các bộ, xắp xếp lại theo hướng đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa, và quản lý bằng một đầu mối duy nhất.
Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua là bảo vệ trẻ em, nhắc lại vụ việc cháu bé bị bạo hành dẫn đến tử vong, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phải nghiêm túc hình thành mạnh lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã, việc này càng quan trọng hơn khi dịch Covid-19 các cháu nhỏ không được đến trường.
"Học sinh không đến trường dài ngày nếu không có biện pháp kết hợp thật tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng sang chấn tâm lý, một số có nguy cơ trầm cảm nhiều hơn. Đây là việc phải giải quyết ngay trong năm nay, không thể chậm trễ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tương tự, với người lao động cũng vậy, nhất là với những lao động phải làm việc "ba tại chỗ”, Phó Thủ tướng lưu ý năm nay cần quan tâm nhiều hơn đến tâm lý người lao động, để có chương trình hỗ trợ kịp thời.
Lãnh đạo Đài truyền hình TP.HCM (HTV) vừa xác nhận, ông Dương Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM đã đột ngột qua đời, do nhồi máu cơ tim.
Ngày 22/2, Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902 - 1/2/2022), nhằm tôn vinh những công lao, cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Vượt qua 34 đối thủ còn lại, thí sinh Ngô Ngọc Gia Hân đến từ trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý- Quận 7- TP.HCM đã xuất sắc đăng quang Miss Teen International Việt Nam 2021.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức phần lễ vào 2 ngày là mùng 6 và mùng 10 tháng 3 âm lịch, không tổ chức phần hội.
Sáng 16/2, tại đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ huyện Tân Yên ,Bắc Giang, UBND huyện tổ chức khai hội Cầu Vồng năm 2022. Ông Đỗ Đức Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang dự.
Bằng những hành động thiết thực này, ban tổ chức SEA Games 31 mong muốn vì một Đông Nam Á tốt đẹp hơn, mỗi người tham gia SEA Games 31 cần nhìn nhận và khẳng định vai trò, khả năng đóng góp của mình trong việc giảm ô nhiễm nhựa.