moitruongplus Nhà thơ, cựu chiến binh Trần Ninh Hồ ,nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam đã có một bài viết đầy cảm xúc và ngẫu hứng cho tuyển tập "Lục bát mỗi ngày".
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chụp ảnh với Ban Tổ chức Hội thảo khoa học "Thơ Lục bát với di sản văn hoá dân tộc", trong khuôn khổ hoạt động của Ngày hội Lục bát Việt Nam năm Kỷ Hợi - 2019. (Nhà thơ Trần Ninh Hồ đứng thứ 2, từ trái qua).
Giữa những ngày cuối Hạ năm nay, khi Đặng Vương Hưng đưa tôi bản thảo tuyển tập thơ gần ngàn bài LỤC BÁT MỖI NGÀY viết trong 40 năm qua. Anh đã là tác giả của hơn 50 đầu sách sau hơn 40 năm cầm bút, với đủ các thể loại: phóng sự, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, sưu tầm, biên khảo… trong đó có 7 tập Thơ.
Mười tám tuổi mặc áo lính. Từ biên cương phía Bắc Tổ quốc, Đặng Vương Hưng đã cho công bố tác phẩm đầu tay là chùm Thơ Tự Do trên một tờ báo Trung ương: Thư gửi mẹ, Dáng núi, Ngủ rừng, Trăng trên chốt và anh bất ngờ đoạt Giải A của Cuộc vận động sáng tác Văn – Thơ và Ca khúc cho Thanh niên do Trung ương Đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đó là Giải "Thủ khoa”, vì thể loại Văn xuôi và Ca khúc lại không có Giải A. Vinh dự lớn lắm, bởi bao nhiêu anh tài là Nhà thơ, Nhà văn, Nhạc sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng khác chỉ còn chia nhau các Giải B trở xuống…
Bây giờ với tuổi đời đã tới "Lục tuần đại khánh”, anh chàng nhà thơ cựu chiến binh này còn đam mê sưu tầm và biên soạn những tác phẩm tư liệu chiến tranh "Mãi mãi tuổi 20” và lập Diễn đàn TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH, với cả lời giới thiệu lịch lãm về lịch sử và đầy tính nhân văn.
Và bản thảo tập thơ thứ 8, toàn Sáu Tám, mang tên LỤC BÁT MỖI NGÀY đã khẳng định vị thế của Đặng Vương Hưng trong thể thơ dân tộc trường tồn này. Anh xứng đáng được xếp hạng là một trong những nhà thơ yêu Lục Bát tốp đầu ở Việt Nam! Ở ngoài đời thực, Đặng Vương Hưng có quân hàm Đại tá, nhưng với Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, chắc chắn từ lâu đã phong anh là "Đại tướng” – Vị tổng chỉ huy nhiều Lễ hội Lục Bát hoành tráng, với hàng ngàn người tham gia!
Còn nhớ năm 2019, khi Đặng Vương Hưng đến tìm tôi để mời Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam tham gia Ban Tổ chức Hội thảo "Thơ Lục Bát với Di sản Văn hoá dân tộc” trong khuôn khổ của Ngày hội Lục Bát Việt Nam, tôi đã rất ngạc nhiên. Hồi đó, tôi đang bàn giao nhiệm vụ này cho Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nên đã kéo anh Mậu cùng vào cuộc. Thật ra thì Đặng Vương Hưng đã chuẩn bị xong hết rồi, chúng tôi chỉ có mặt để chứng kiến và vỗ tay là chính. Tôi trang trọng mời cả Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tham dự Hội thảo, vì tin tưởng Đặng Vương Hưng đã làm sự kiện nào là sự kiện đó sẽ thành công. Nhưng cả tôi, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và Chủ tịch Hữu Thỉnh đều hết sức bất ngờ vì sự chuyên nghiệp và hoàn hảo ngoài tưởng tượng của cuộc Hội thảo Thơ Lục Bát đầy công phu ấy; với hàng trăm bài tham luận có giá trị học thuật và hàm lượng chất xám cao của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà thơ đến từ mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài!
Và bây giờ qua Tuyển tập LỤC BÁT MỖI NGÀY thì Đặng Vương Hưng cũng mang lại cho mọi người một cái nhìn rất riêng. Bắt đầu từ những làng quê ngày cỏ dại và thơ dại. Lục Bát với những kỷ niệm về thôn nữ, đi câu, đắp đê và… mơ mộng. Lục Bát với biên cương, biển đảo đất nước. Lục Bát với cả phố phường và phố quê dọc đường đô thị hóa mà vẫn như còn nhớ khôn nguôi những ngôi Chùa, ngôi Đình trong những làng nghèo. Ở những làng ấy có cả mẹ Đốp, Thị Mầu, Anh Chí, Thị Nở và những lò gạch bỏ hoang, bằng cách nhìn rất độc đáo Lục Bát của Đặng Vương Hưng.
Không chỉ "vắt” thơ Lục Bát ở những cây đu ngày hội, những cánh diều, anh còn "vắt” thơ trên cả cánh máy bay: "Ta ngồi trên chín tầng mây/ Để thơ lục bát cùng bay theo người// Câu vui lơ lửng giữa trời/ Câu buồn rải khắp cõi đời nhân gian// Dưới kia khuất đất mây ngàn/ Bão giông, lũ lụt … từng đàn trôi qua // Chú Cuội chặt đổ cây đa/ Đàn cò sã cánh quê nhà ở đâu // Một đời cắt cỏ chăn trâu/ Thơ còn lấm láp dãi dầu nắng mưa// Một thời gồng gánh ước mơ/ Thơ còn khao khát bao giờ bay lên// Lục bát chưa kịp đặt tên/ Máy bay đã hạ cánh miền ca dao…”.
Vậy là Lục Bát cũng cần cách tân trước từng đàn lũ lụt trôi qua, dẫu phương tiện vận chuyển là "gồng gánh ước mơ”, hay phi cơ hóa ước mơ… Lục Bát cũng hạ cánh trên những vùng chiêm bao, hiện đại, và kể cả những Lục Bát chưa kịp đặt tên "vô đề” hay "hữu đề”; đánh số thứ tự các bài thơ bằng thứ tự số thập phân hay là số La Mã. Lên máy bay nhanh hơn cả tốc độ tiếng động, Lục Bát vẫn biết tít mắt lá dăm và tìm đậu đúng phi trường ca dao. trong văn chương cũng giống tính người Y "Nghĩ gì, nghĩ thế nào thì nói như thế”.
Với gần ngàn bài Thơ Lục Bát trình làng, sau hơn bốn chục năm, tưởng chừng Y đã "gác kiếm ở ẩn” thì nay lại "tái xuất giang hồ”. Không biết bao nhiêu việc đời, sự đời trên đường đời này đã hiện ra mà Đặng Vương Hưng không hề tránh né. Nó cứ tuôn chảy như dòng thơ Lục Bát từ nhiều trăm năm qua, khiến Y yêu lục bát đến mức, nếu nối gần ngàn bài Thơ Lục Bát này lại có thể đến hàng ngàn câu mà Y rất ít bị vấp, chẳng bị gò, cũng không bị nhàm.
Đấy là chưa kể đến việc Y còn có nhiều đóng góp trong việc cách nhịp, gieo vần,… Lục Bát đã giúp Y sự hồn hậu, hóm hỉnh, ngỡ như rất đơn giản mà thấm thía nhiều lẽ đời. Cái lẽ đời ấy phải chăng cũng là chất "trí tuệ” mà các nhà phê bình lý luận thường luận bàn. Nó rất giống cái từ ghép trong dân gian là "Thấm Thía”. Đã "Thấm” rồi còn "Thía”. Chữ "Thía” như một nét khắc nào đó trong nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, đã thấm sâu vào hồn quê từ ngàn đời. Để ngày nay, "chàng thợ cày trên cánh đồng chữ” nghĩa Đặng Vương Hưng may mắn được kế thừa và phát huy…
Có lẽ vì thế mà thể thơ Lục Bát (Sáu Tám) này, qua nhiều trăm năm, nó không chỉ là Thơ, mà còn là Ca từ của hầu hết các dòng Dân ca lớn khi vào tay các Nhạc sĩ dân gian: Quan họ, Chèo (một thứ nhạc kịch rất Việt Nam), Trống quân, Ví dặm, Hát xẩm, Chầu văn… Ca vọng cổ mà không có thơ Lục Bát thì làm sao mà "đổ” được xàng xê.
Để đổ biết bao nhiêu Đình, Quán. Lại còn hát Ả đào nữa. Mà với hát Ả đào ở cả nơi lầu son gác tía thì mới thấy nàng thơ Lục Bát không chỉ biết cắt cỏ, nuôi tằm, băm bèo, thả cá, hội hè mà các nàng còn vượt qua lũy tre làng vào nơi cung cấm, đền đài như đi chợ. Ấy là ở các hội hát của hàng ngàn cấm quân trong triều đình. Ở sự Tom chát nơi Cung đình và có khi rời khỏi nơi ca hát chốn Cung đình cùng với Nhã nhạc. Không ít các vị Đại thần, Quận công, Thượng thư trên đường về vẫn còn lẩm bẩm hát khẽ. Là các đại quan đang nhẩm lại Thơ Lục Bát đấy!
Lục Bát còn biến dạng thành thơ tự do với cả các chàng Tây học – "Vi vu gió hút nẻo vàng/ Một trời thu rộng mấy hàng mây nao”. Huy Cận đang viết về con đường thu để nói về vấn đề Vũ trụ đấy! Nàng Lục Bát là tinh lắm, thấy sáu chữ "Vi vu gió hút nẻo vàng” tuyệt đẹp là nàng gán tặng Nhà thơ Huy Cận ngay.
Lại còn chuyện Lục Bát can thiệp vào thơ không vần, thơ tự do từ những năm 1945, 1946, 1947 mà ở Chiến khu Việt Bắc tới 1948 vẫn còn tranh cãi về thơ tự do, thơ không vần được phép làm đến đâu. Trong khi Trần Mai Ninh từ 1946, 1947 đã viết thơ không vần, tự do ngay trên mảng Thơ Lục Bát. Hồng Nguyên đã viết bài "Nhớ” rất ngang dọc, rất tự do trên cái "nền thì thầm” của Thơ Lục Bát:
"Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ/ Gặp nhau hồi chưa biết chữ/ Quen nhau từ buổi một hai/ Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài / Lòng vẫn cười vui kháng chiến / Lột sắt đường tàu/ Rèn thêm đao kiếm/ Áo vải chân không đi lùng giặc đánh/ Bao năm rồi gửi lại quê hương/ Mái nhà tranh, tiếng mõ đêm trường/ Ít nhiều người vợ trẻ/ Mòn chân trên cối gạo canh khuya”.
Đến Hữu Thỉnh, dẫu viết cả trường ca, hay định nói những điều rất lớn về thế thái nhân tình cũng không "thoát được” từ nhịp điệu đến chất liệu của Nàng Thơ Sáu Tám: "Còn chút lửa hoa dong riềng cuối dậu/ Sợ một chiều sương muối xuống mang đi”. "Cha đi vắng tôi trèo lên cây ổi/ Cây ổi đãi tôi một búp sâu kèn/ Và cứ thế với sâu kèn tôi thổi/ Cố tin rằng tôi không bị bỏ quên”. "Em sang đò, sóng có nhắn gì không?”.
Sóng có nhắn chứ không phải đò hay là cô gái nhắn, thế mới là Sáu Tám của sự ý nhị kín đáo trong thơ… Ấy là sự Thấm và Thía trong Sáu Tám. Ấy cũng là những chặng hành trình từ điệu tâm hồn sinh ra, điệu ngũ ngôn và ngược lại.
Không hiểu sao, khi đọc LỤC BÁT MỖI NGÀY của Đặng Vương Hưng, tôi cứ liên tưởng đến những nghệ nhân Xẩm chợ, Xẩm tàu điện ngày xưa – những nghệ sĩ vĩ đại của nhân dân. Xét về góc độ nào đó, Đặng Vương Hưng cũng là một nghệ sĩ hát rong như thế. Do lợi thế của nghề làm báo, anh có điều kiện đi khắp Đông - Tây - Nam - Bắc. Và kỳ lạ là, đến đâu anh cũng có Thơ Lục Bát! Những bản du ca Sáu Tám của Đặng Vương Hưng cứ thế ngân vang, cứ lặng lẽ đi vào đời sống như ca dao, dân ca, như lời ăn tiếng nói của người dân, bất chấp khen chê và cả sự thị phi này nọ...
Các cụ nói "Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tôi tin là nhiều người khi mới cầm tuyển tập đồ sộ này này có thể ngại đọc vì vội nghĩ rằng: nếu trót mê mải đọc hết gần một ngàn bài Thơ Lục Bát trong sách, thì không hoa mắt, không nhức đầu đã là may, làm sao mà có thể hay tất cả được chứ!
Trong bài thơ mang tựa đề là "Viết” được xếp gần cuối cùng của phần thơ trong tuyển tập, tác giả có mơ ước chân thành và khát khao: Em như tờ giấy trắng tinh/ Làm sao ta viết cho mình được đây?// Làm sao ở giữa rừng cây/ Cùng nhau hiểu được màu mây ngọc ngà?// Viết mãi bút vẫn chưa già/ Giờ không viết nữa có là bút non?// Chỉ là trang sách cỏn con/ Làm sao giọt mực thành hòn núi cao?// Nhọc nhằn con chữ lao đao/ Dù giông tố vẫn khát khao gọi mời…/Lòng trong bút sắc một thời/ Ước gì để được cho đời mấy câu?
Nhưng tôi tin rằng: nếu bạn thanh thản, nhẩn nha đọc kỹ, thì sẽ thấy hầu như bài nào của Đặng Vương Hưng cũng có một câu "được”, thậm chí trong nhiều bài còn có có những câu "rất được”. Mời bạn hãy đọc LỤC BÁT MỖI NGÀY và sẽ thấy tôi nói đúng!
Nhà thơ, Cựu chiến binh Trần Ninh Hồ
(Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam).
Lãnh đạo Đài truyền hình TP.HCM (HTV) vừa xác nhận, ông Dương Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM đã đột ngột qua đời, do nhồi máu cơ tim.
Ngày 22/2, Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902 - 1/2/2022), nhằm tôn vinh những công lao, cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Vượt qua 34 đối thủ còn lại, thí sinh Ngô Ngọc Gia Hân đến từ trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý- Quận 7- TP.HCM đã xuất sắc đăng quang Miss Teen International Việt Nam 2021.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức phần lễ vào 2 ngày là mùng 6 và mùng 10 tháng 3 âm lịch, không tổ chức phần hội.
Sáng 16/2, tại đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ huyện Tân Yên ,Bắc Giang, UBND huyện tổ chức khai hội Cầu Vồng năm 2022. Ông Đỗ Đức Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang dự.
Bằng những hành động thiết thực này, ban tổ chức SEA Games 31 mong muốn vì một Đông Nam Á tốt đẹp hơn, mỗi người tham gia SEA Games 31 cần nhìn nhận và khẳng định vai trò, khả năng đóng góp của mình trong việc giảm ô nhiễm nhựa.