moitruongplus Không có bãi chứa rác, hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt tại các xã của huyện nông thôn mới Thủy Nguyên (Hải Phòng) không được thu gom, gây ô nhiễm môi trường.
Rác thải chất đống bên đường tỉnh 502, đoạn qua xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng
Việt Nam hiện có trên 62,6 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm xấp xỉ 65% dân số trong cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại… Tuy nhiên, theo thống kê chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý, phần còn lại chủ yếu là chất thải rắn khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân.
Ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát cạnh con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông, trên các kênh, rạch, sông suối… Các loại rác này đang được thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng đó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước.
Tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng: Theo Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Hoàng, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện đang gặp khó do liên quan đến phí vận chuyển và xử lý rác.
Trước đây rác thải tại nhiều xã, thị trấn được đưa đến nhà máy xử lý chất thải Minh Tân thuộc Cty CP Thương mại và Dịch vụ kho vận Phú Hưng tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên để xử lý. Tuy nhiên, sau khi giá xăng dầu tăng cao, đơn vị xử lý rác tăng phí nên các doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom rác với các xã tạm dừng thu gom do thu không đủ chi. Trong khi đó, phương án chuyển rác từ huyện Thủy Nguyên về bãi rác Đình Vũ của thành phố không khả thi do quãng đường di chuyển xa, lại đi qua trung tâm thành phố.
Theo ông Hoàng, về vấn đề này, UBND thành phố Hải Phòng cũng đã có cuộc họp với các phòng ban chuyên môn của huyện và đơn vị thu gom, xử lý rác nhằm tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, mọi việc chưa được khơi thông.
Trước đó vào tháng 8/2022, PV ghi nhận dọc tuyến đường tỉnh 502 nối huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đi thị xã Đông Triều, Quảng Ninh cho đến các đường trục, đường thôn của các xã, như: An Sơn, Quảng Thanh, Chính Mỹ… xuất hiện nhiều đống rác sinh hoạt lưu cữu nhiều ngày nay, đang bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Theo người dân nơi đây, nắng lên, mưa xuống mùi hôi thối của rác thải bốc lên cùng với đó là ruồi nhặng. Tiền phí chúng tôi vẫn thanh toán đều đặn hàng tháng nhưng rác không được vận chuyển đi, đổ đống đầu làng, cuối xóm, gây ô nhiễm môi trường.
Theo lãnh đạo UBND xã An Sơn, tình trạng rác thải sinh hoạt ứ đọng trên địa bàn xã diễn ra đến nay được hơn 1 tháng. Chính quyền xã An Sơn đã nhiều lần đề nghị Công ty Tân Phát - đơn vị ký hợp đồng thu gom rác với địa phương bố trí xe và nhân lực về vận chuyển rác, nhưng đại diện doanh nghiệp kêu khó với lý do giá xăng dầu tăng cao, đơn vị quản lý bãi rác tăng tiền phí xử lý rác.
Được biết, mức phí thu gom rác người dân các xã của huyện Thủy Nguyên đang chi trả 9000 đồng/người/tháng. Mức phí này đã được HĐND cấp xã thông qua.
Theo đại diện lãnh đạo Công ty Tân Phát, đơn vị ký thu gom vận chuyển rác cho 4 xã của huyện Thủy Nguyên. Tuy nhiên, huyện Thủy Nguyên hiện đang gặp khó khăn về chỗ đổ rác nên hầu hết các đơn vị làm dịch vụ thu gom, vận chuyển như Công ty Tân Phát đều lâm vào tình trạng khó khăn, dẫn đến việc rác bị ứ đọng.
Rác chất thành đống bên trục đường xã An Sơn, gần cây xăng dầu ở thôn 2, bốc mùi hôi thối.
Từ đầu năm 2022 đến nay doanh nghiệp này lâm vào tình trạng càng làm càng lỗ, tổng số tiền lỗ lên tới 200 triệu đồng; tiền lương người lao động rất thấp ở mức 2,5 - 4 triệu đồng/người/ tháng nên nhiều người tâm tư muốn nghỉ việc.
Thiết nghĩ, thành phố Hải Phòng cần rà soát lại các điểm lưu giữ chất thải sinh hoạt nông thôn để đáp ứng yêu cầu về vấn đề xử lý. Trên cơ sở rà soát lại các quy hoạch quản lý chất thải hiện có, các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình để chấm dứt việc đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã, khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh.
Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực tài chính và chuyên môn tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng, miền của mỗi địa phương để phổ biến áp dụng.
Đặc biệt, để giải quyết tốt bài toán rác thải nông thôn, thành phố Hải Phòng cần đẩy mạnh các phương pháp thu gom, phân loại chất thải tại nguồn. Nói không với chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi các sông, kênh rạch… Phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực nhận thức cho tổ chức, cá nhân trong việc quản lý tổng hợp chất thải rắn.
Xây dựng và thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức dịch vụ, kỹ năng giám sát cộng đồng dân cư trong quản lý chất thải nông thôn… Theo đó, khi có được sự đồng lòng, thống nhất giữa người dân, cơ quan quản lý, cùng những định hướng chính sách phù hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp thì bài toán rác thải nông thôn sẽ sớm được giải quyết./.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.