moitruongplus Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận và chỉ định nhập viện hai trường hợp môi bị sưng phồng, căng cứng, đau nhức sau khi tiêm chất làm đầy (filler).


Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho một bệnh nhân biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy tại spa. Ảnh: TTXVN phát

Chị L.N.H.T (25 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) đến Bệnh viện Da liễu khám trong tình trạng môi sưng nề, bầm tím, sờ có khối căng cứng. Bệnh nhân cho biết, do vùng môi có nhiều nếp nhăn, trước đó có đến một spa gần nhà để tiêm filler xóa nhăn. Tại đây, chị được nhân viên spa tư vấn tiêm 1ml filler Hàn Quốc với giá 3,5 triệu đồng để làm đầy môi. Ngay sau tiêm, thấy môi phù nề nhẹ, hơi đau nhức, chị đã báo với nhân viên spa và được trả lời đây là "tình trạng bình thường sau tiêm filler”. Qua 3 ngày, môi chị T căng cứng và phù nề ngày càng nhiều hơn, chị ra nhà thuốc mua giảm sưng về uống nhưng tình trạng không cải thiện.

Trường hợp thứ 2 là chị T.H (30 tuổi, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhập viện trong tình trạng môi sưng to, đau nhức, có khối cứng lổn nhổn bên dưới môi. Trước đó, chị H đến một spa ở Vũng Tàu và được tư vấn tiêm 0.5ml filler với giá 2,5 triệu đồng. "Ngay sau khi tiêm, tôi thấy môi hơi sưng nề. Khoảng một tiếng rưỡi sau, tôi thấy đau nhức ngày càng tăng nên gọi cho nhân viên spa và được tư vấn ngậm thuốc giảm đau, chườm đá. Tuy nhiên, sau hai ngày, tình trạng này vẫn không cải thiện, ngược lại ngày càng đau nhức nhiều hơn, môi sưng to, căng cứng, có cảm giác muốn nứt. Tôi đến Bệnh viện Da liễu để khám”, chị H thông tin.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Trưởng Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vùng môi của cả hai bệnh nhân trên đều bị sưng phù, căng cứng, có mủ trắng bên dưới cho thấy tình trạng nhiễm trùng cấp với mức độ viêm khá nặng. Nguyên nhân có thể do cơ sở spa không tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn lúc tiêm, thực hiện vô trùng không đúng cách khiến vi khuẩn xâm nhập vào nơi tiêm. Ngoài ra, việc sử dụng các loại chất làm đầy kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường, sản phẩm sản xuất, đóng gói không đảm bảo vô trùng cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc chọn lựa sai loại chất làm đầy hay tiêm quá nhiều trong một lần điều trị cũng có thể gây căng tức, đau nhức vùng môi, thậm chí chèn ép mô, chèn ép mạch máu gây thiếu máu, nặng nề có thể dẫn đến hoại tử. Cả hai bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hằng ngày. Sau 3 ngày, tình trạng vết thương cải thiện đáng kể.

Theo bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, tiêm chất làm đầy là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm. Người tiêm nếu không có kỹ thuật tốt có thể gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da, áp xe… Nguy hiểm hơn, các ổ nhiễm trùng vùng hàm mặt dễ lan tràn lên nền sọ gây viêm não, màng não. Đây là biến chứng nặng và rất nguy hiểm, có thể để lại những di chứng rất nặng nề về thần kinh.

Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 10 - 15 trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết filler ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ.

Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú lưu ý, người dân khi chọn cơ sở thực hiện phải đảm bảo các yếu tố như: Chất làm đầy phải chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ Y tế cấp phép; cơ sở thực hiện phải được cấp phép thực hiện kỹ thuật tiêm filler; người thực hiện phải là bác sĩ da liễu, thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về kỹ thuật tiêm chất làm đầy; lựa chọn kỹ thuật tiêm phù hợp, mỗi khu vực có định lượng rõ ràng và tuyệt đối phải đảm nguyên tắc về vô trùng./

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

trểt
rẻ
rewrew
fewef

Hà Nội: Yêu cầu khắc phục 30 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Chủ tịch huyện Nhà Bè chỉ đạo di dời cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm

Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.

Hải Dương: Xã Thanh Hải mua thùng đựng rác 1 đằng sử dụng 1 nẻo (Bài 2)

Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Hỗ trợ cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường Hải Phòng bị ảnh hưởng bão số 3

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Sudan: Dịch tả hoành hành khiến 315 trường hợp tử vong

Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.

Quảng Ninh từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân sau bão

Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.