moitruongplus Bất chấp biên bản đình chỉ thi công của UBND xã Đức Hòa Thượng và Quyết định xử phạt hành chánh của UBND huyện Đức Hòa về việc vi phạm trong lãnh vực xây dựng, ông Nguyễn Văn Chính vẫn ngang nhiên tiếp tục xây dựng căn nhà biệt thự trái phép...
Ngang nhiên xây biệt thự trên đất nông nghiệp đang tranh chấp
Theo hồ sơ của UBND xã Đức Hòa Thượng và đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (1964, thường trú tại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), nhà biệt thự do ông Nguyễn Văn Chính (SN 1956, ngụ tại ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) xây dựng trái phép trên 2 thửa đất số 523, 562 (MPT), tờ bản đồ số 11 là loại đất trồng cây nông nghiệp lâu năm, diện tích vi phạm là 264m2 tọa lạc tại Ấp Nhơn Hòa 2, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An của gia tộc đang có tranh chấp nội bộ và chưa chuyển mục đích sử dụng đất ở và chưa phân chia thừa kế.
Cụ thể, theo Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thì khu đất nông nghiệp gồm các thửa; 523, 562 tờ bản đồ số 11 và các thửa 17, 22, 53, 54, 55, 56, 83 tờ bản đồ số 14 có tổng diện tích hơn 10.000m2 do ông Nguyễn Văn Huyện, sinh năm 1927, mất năm 2017 và bà Nguyễn Thị Chặc sinh năm 1927, mất năm 2012 đứng tên. Ông Huyện và bà Chắc có 8 người con gồm; Nguyễn Văn Tổng (SN 1950 mất năm 2007), Nguyễn Thị Bớt, (SN 1952, mất năm 2003), Nguyễn Thị Miếng (SN năm 1954), Nguyễn Văn Chính (SN 1956), Nguyễn Thị Nính (SN 1958), Nguyễn Thị Lệ Thủy (SN 1964), Nguyễn Thị Mỹ Châu (SN 1967), Nguyễn Thị Kim Phụng (SN 1969).
Căn biệt thự xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đang tranh chấp.
Sau khi ông Huyện và bà Chắc mất thì cả 5 người con trong gia đình đều từ chối nhận phần thừa kế theo quy định, trong đó có người muốn nhường phần mình cho người con thứ 6 là bà Nguyễn Thị Lệ Thủy vì bà có công nuôi dưỡng cha mẹ khi còn sống nên đã đề xuất với ông Chính chia lại cho bà Thủy 1.250m2 để làm đất hương quả thờ cúng ông bà, phần còn lại cho ông Chính được thừa hưởng. Tuy nhiên, ông Chính không đồng ý nên chiếm GCNQSDĐ cất giữ riêng.
Đến đầu tháng 3/2022, dù việc phân chia đất chưa được thực hiện theo ý muốn của vài thành viên gia đình, dẫn đến tranh chấp nội bộ, đồng thời khu đất trên cũng chưa được chuyển mục đích sử dụng, chưa được cấp phép xây dựng nhưng ông Chính tự ý đào móng xây dựng căn biệt thự có diện tích 264 m2 trên 2 thửa đất 523 và 562 là đất nông nghiệp đang còn tranh chấp.
Đáng chú ý, ngay khi ông Chính tiến hành đào móng để xây dựng ngôi biệt kiên cố trái phép trên khu đất nêu trên, vào các ngày 14/3, 23/3/2022 UBND xã Đức Hòa Thượng tiến hành kiểm tra và lập biên bản yêu cầu ông Chính chỉ được phép xây dựng nhà trên nền đất cũ đúng với vị trí thửa đất 562 và phải ngưng ngay việc xây dựng trên thửa đất nông nghiệp 523. Tuy nhiên, lấy lý do căn nhà cũ trên nằm trên thửa đất 562 đã bị xuống cấp hư hỏng cần phải xây căn nhà mới để thờ cúng ông bà nên ông Chính tiếp tục xây dựng, nhưng ông Chính không xây dựng nhà trên nền đất cũ thuộc thửa đất 562 mà lại xây dựng nhà trên thửa đất 523 là đất trồng cây nông nghiệp.
Quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện Đức Hòa.
Thách thức dư luận, coi thường pháp luật
Trước việc coi thường pháp luật và thách thức dư luận của ông Chính, ngày 6/4, 18/4, 5/5 và 20/6/2022, UBND xã Đức Hòa Thượng có 4 lần đến kiểm tra và lập biên bản tạm dừng thi công căn nhà trên thửa đất 523 và yêu cầu ông Chính mở thừa kế GCNQSDĐ theo quy định pháp luật và sử dụng đất đúng với loại đất đã được cấp GCN. Dù bị UBND xã Đức Hòa Thượng lập biên bản đến 6 lần, nhưng ông Chính vẫn bất chấp pháp luật tiếp tục tập kết vật tư và đưa công nhân xây dựng căn nhà biệt thự trái phép trên thửa đất nông nghiệp đang có tranh chấp nội bộ.
Tiếp đó, ngày 21/7, 18/8, 20/8, 22/8/2022, UBND xã Đức Hòa Thượng có thêm 4 lần đến lập biên bản đình chỉ việc xây dựng căn nhà trái phép đối với ông Chính nhưng ông vẫn phớt lờ và đang cố hoàn thành các hạng mục hoàn thiện căn nhà.
Ngày 19/8/2022, UBND xã Đức Hòa Thượng có thư mời những người liên quan, trong đó có bà Thủy, ông Chính (theo đơn yêu cầu của ông Chính) đến hòa giải để phân chia khu đất nêu trên theo đề xuất của vài thành viên trong gia đình, nhưng ông Chính không đồng ý nên cuộc hòa giải bất thành.
Ngày 29/8/2022, UBND huyện Đức Hòa ra quyết định xử phạt hành chánh số 9254/QĐ -XPHC đối với ông Nguyễn Văn Chính; buộc ông nộp phạt 6.745.633đ đồng thời phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại điểm c, Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, dù đã nhận quyết định xử phạt nhưng đến ngày 31/8/2022, theo ghi nhận của phóng viên, ông Chính vẫn tiếp tục cho công nhân tiến hành sơn phết, lắp đặt nội – ngoại thất và hoàn thiện căn biệt thự nêu trên. Phát hiện PV ghi hình, ông Chính ra đứng trước cổng cản trở và tỏ thái độ thách thức.
Ông Chính đứng trước cổng cản trở phóng viên tác nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, khi phát hiện ông Chính xây dựng căn nhà trái phép trên khu đất mà mình đang còn tranh chấp nội bộ, ngày 22/8/2022, bà làm đơn yêu cầu dừng thi công gửi nộp trực tiếp cho ông Đoàn Bình Trị, cán bộ địa chính và ông Trần Quốc Thư, Phó chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng, nhưng hai ông này không tiếp nhận đơn và bỏ đi, khoảng 90 phút sau ông Thư mới trở lại nhận đơn và có lới lẽ quát nạt, to tiếng với bà. Những ngày tiếp theo, bà Thủy nhiều lần đến UBND xã phản ánh sự việc ông Chính vẫn tiếp tục xây nhà trái phép trên đất đang tranh chấp nhưng UBND xã vẫn không có động thái nào ngăn chặn được.
Ngày 31/8, trả lời câu hỏi câu hỏi phóng viên tại sao khi có hàng chục biên bản đình chỉ, xử phạt mà ông Chính vẫn có thể xây dựng được căn nhà trái phép kiên cố trên đất nông nghiệp đang tranh chấp trong thời gian dài hơn 5 tháng mà không bị đình chỉ, cưỡng chế tháo dỡ, bà Lê Thị Ngọc Kim, Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng cho biết: "Tháng 6/2022 tôi về nhận nhiệm vụ thì căn nhà của ông Chính đã xây dựng xong phần thô và đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Tôi tiếp tục chỉ đạo đình chỉ việc thi công nhưng ông Chính vẫn cố ý hoàn thiện căn nhà bất chấp các biên bản xử phạt. Theo tôi, việc UBND xã đã tạo điều kiện cho ông Chính được xây lại căn nhà để thờ cúng ông bà trên nền đất cũ, điều đó là để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền đáp công ơn sinh thành của ông bà tiên tổ, nhưng ông lại cố tình xây dựng sai vị trí trên phần đất nông nghiệp.
10 biên bản đình chỉ thi công của UBND xã Đức Hòa Thượng.
"UBND xã cũng đã tổ chức cuộc họp hòa giải giữa các thành viên trong gia đình ông Chính nhưng không thành, đồng thời cũng đã hướng dẫn ông Chính nhanh chóng thực hiện việc mở thừa kế Giấy chứng nhận theo quy định nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do việc phân chia thừa kế giữa các bên chưa thống nhất nên khu đất nêu trên vẫn còn tranh chấp”, bà Kim cho biết thêm.
Như vậy, mặc dù biết ông Chính đang xây dựng nhà ở biệt thự trên đất nông nghiệp, đất đang có tranh chấp nhưng UBND xã Đức Hòa Thượng vẫn không kiên quyết xử lý dứt điểm. Dư luận nghi ngờ phải chăng có sự thiếu trách nhiệm của UBND xã Đức Hòa nên ông Chính ngang nhiên vi phạm xây dựng và bất chấp quy định pháp luật!
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.