moitruongplus Gần đây, dư luận đặc biệt chú ý đến tình trạng tiếng ồn karaoke làm khổ người dân, nhất là khi xã hội giãn cách vì dịch bệnh, mọi người ở nhà thì tiếng hát karraoke lại được dịp gây ô nhiễm tiếng ồn nặng nề.
Ảnh minh họa (nguồn: TTO)
Xã hội ngày càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn tới đời sống người dân cũng dần được cải thiện. Thế nhưng kéo theo đó là những hệ lụy rất nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Một trong số đó là vấn đề ô nhiễm tiếng ồn ngày càng trầm trọng.
Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý những nguồn phát sinh tự phát. Song, có thể nói, đến thời điểm này, việc thực thi các quy định trong giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là tình trạng hát karaoke, mở nhạc hết công suất vẫn diễn ra khá phổ biến, khó kiểm soát…
Chị Thu Hương, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội chia sẻ, trong thời điểm giãn cách xã hội, nhiều hộ trong khu thường xuyên bật nhạc hết cỡ, tổ chức hát hò… ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Nhiều lần chúng tôi đã góp ý với hàng xóm, thậm chí phản ánh với tổ trưởng tổ dân phố, UBND phường nhưng chỉ được một vài hôm đâu lại vào đó.
Không chỉ phát sinh từ các hộ gia đình, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn còn đến từ các cơ sở kinh doanh… Theo ghi nhận, tại một số tuyến đường như Thái Hà, Chùa Bộc… để thu hút khách hàng, nhiều cơ sở kinh doanh đua nhau sử dụng loa kéo phát các bài quảng cáo, chương trình khuyến mãi từ sáng đến tối. Không biết, hiệu quả của các chiêu trò này đem lại cho các cơ sở kinh doanh ra sao nhưng việc "nhà nhà, người người” đua nhau "chạy quảng cáo” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Chị Lan Anh, phường quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: "Cả nhà tôi đi làm, đi học cả ngày và khi về nhà chỉ muốn được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động cho ngày hôm sau. Thế nhưng về nhà lại mệt mỏi với tiếng ồn từ việc hát karaoke của hàng xóm, mà đâu chỉ một nhà hát, bên hông, đối diện nhà đều hát. Khi nhắc nhở thì họ nói thông cảm nhà có tiệc, tiệc tổ chức ăn uống thôi được rồi, còn ca hát đến mấy tiếng đồng hồ thì ai chịu cho nổi. Theo tôi, nếu đã phạt thì giờ nào gây ồn là phạt, chứ đừng giới hạn giờ giấc. Người dân dù buổi sáng, trưa, chiều gì thì cũng cần sự yên tĩnh”.
"Nhu cầu giải trí của mỗi người khác nhau, có sự kiện thì hát nhưng phải có chừng mực. Đằng này, xóm tôi buổi sáng, buổi trưa, buổi tối lúc nào cũng có người hát thì làm sao mà chịu nổi. Sợ nhất là những dân nhậu hát hò trong những buổi tiệc. Nhậu xong, có chút hơi men là họ sẽ mở dàn karaoke lên hát tới khuya" bạn Hoàng Văn quận 2, thành phố HCM bức xúc.
Còn theo ý kiến của chị Như Loan ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội: "Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong các khu dân cư đã diễn ra rất lâu rồi, các cấp chính quyền cũng nhiều lần chỉ đạo xử lý nhưng đến nay vẫn không chuyển biến gì nhiều. Tôi nghĩ vấn đề là các cơ quan thực thi có quyết tâm hay không mà thôi. Việc xử phạt tiếng ồn thì không thể cả nể, nhắc nhở qua loa. Luật đã quy định, cứ theo đó mà làm và chỉ có phạt vài lần, đưa ra phê bình tại địa phương là sẽ ổn. Ngoài ra, đã gây ồn thì giờ nào, ngày nào cũng là gây ảnh hưởng đến người khác thì phải phạt chứ không thể đợi quá 22 giờ mới phạt. Không xử nghiêm thì không biết bao giờ mới dẹp được nạn karaoke trong các khu dân cư”.
Ảnh minh họa. ITN
Các ý kiến của người dân nói về thực trạng ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại từ nhiều năm qua, song dù đã có nhiều chế tài nhằm xử lý dứt điểm tình trạng trên nhưng đến thời điểm này đây vẫn là câu chuyện rất khó kiểm soát.
Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần lập các đội tự quản tại các khu phố với thành phần nòng cốt chính là những người dân trong khu vực, những người có tiếng nói, uy tín trong cộng đồng dân cư. Những thành viên của tổ sẽ có trách nhiệm nhắc nhở các hộ vi phạm, là tai mắt của lực lượng chức năng, sẵn sàng báo cáo cơ quan công an về việc nhà nào cố tình vi phạm gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần quản lý nguồn cung thiết bị hát karaoke. Bởi, nguyên nhân sâu xa của việc ô nhiễm tiếng ồn, nhất là karaoke xuất phát từ những bộ loa có kích thước, tần số âm thanh "khổng lồ”. Tại các khu phố có mật độ dân cư đông đúc, nhà cửa san sát thì âm thanh sẽ bị dội đi dội lại nhiều lần, tác động có hại đến thính giác người dân, nhất là trẻ em và người già.
Chính vì vậy, biện pháp gián tiếp có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do karaoke là kiểm soát nguồn cung ứng các thiết bị này như giàn loa lớn, thiết bị cá nhân nhưng có tần số âm thanh gây hại. Đồng thời kiểm soát cả "cầu” về loại hàng hóa này, chỉ ưu tiên cho các cơ quan, đơn vị đảm bảo được không gian phát các loại loa lớn này. Như vậy, chúng ta sẽ có thêm một nguồn thông tin để nắm bắt về những đối tượng có thể gây ra ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân.
Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, một trong những biện pháp có tính chất dài hơi là công tác quy hoạch các cơ sở kinh doanh karaoke. Cần tính toán hợp lý các khu vực thương mại, dịch vụ, cơ sở kinh doanh loại hình gây ồn ào như karaoke, nhà hàng… có khoảng cách với nhà dân.
Có thể học hỏi kinh nghiệm của Moscow (Nga), khi họ đã bố trí nhà ga cách xa trung tâm TP. Vấn đề này đã được nhiều TP lớn trên thế giới tính toán ngay từ khâu quy hoạch và quản lý từng nhà dân cách xây dựng sao cho hợp lý để tránh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Họ trồng nhiều cây xanh ở các vị trí có tác dụng chặn tiếng ồn, cách âm hiệu quả. Đồng thời bố trí các bức tường cách âm tại trục đường nhiều người qua lại. Bố trí biển quảng cáo đặt tại các vị trí hợp lý vừa có tác dụng thu hút, vừa có tác dụng chặn tiếng ồn. Đáng chú ý, đường di chuyển nội đô được quy hoạch thuận tiện, chú ý đến các con đường nhỏ ở khu dân cư để tiếng ồn xe cộ không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Bên cạnh đó, để việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, một điều không thể thiếu là phải cung cấp cho các lực lượng chức năng ở cơ sở, tổ tự quản, những người có trách nhiệm theo dõi, giám sát ô nhiễm tiếng ồn công cụ đo lường, thiết bị chứng minh hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn quá mức, nằm trong khung xử phạt của lực lượng chức năng. Bởi, chỉ có người thật, việc thật, bằng chứng thật mới có tác dụng giúp lực lượng chức năng răn đe các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn.
Theo Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội:
Nghị định 144/2021 của Chính phủ đã quy định rõ hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định 55/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016 cũng nêu rõ phạt từ 1 triệu đến 160 triệu đồng cho hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn bất kể giờ giấc nào.
Tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 144/2021 cũng quy định phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Thời gian vi phạm không cần đến 22 giờ mới phạt được.
"Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi hát karaoke gây ồn ngoài khung giờ từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau cũng không nhất thiết phải đo độ ồn mới xử phạt. Tùy theo vụ việc mà vận dụng quy định theo Nghị định 144/2021. Việc xử lý tiếng ồn trong khu dân cư từ loa hát karaoke do UBND phường hoặc công an phường xử lý vi phạm” , Luật sư Trương Xuân Hải cho biết thêm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.