moitruongplus Chia tay Cù Lao Chàm, chúng tôi mang về hương vị của hòn đảo xinh đẹp và yêu thương này. 30 năm trở lại, Cù Lao Chàm đã đóng cho tâm hồn tôi một con dấu không phai !
Hoàng hôn trên Đảo Cù Lao Chàm
Tôi không ngờ mình được trở lại Cù Lao Chàm trước khi đặt chân đến nơi mà đã 30 năm, tôi chưa trở lại, vì địa danh đó ngủ quên trong tâm trí.
Số là lần này, trong chuyến đi vòng cung của Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam, Tổng biên tập Đồng Xuân Thụ chỉ thông báo với tôi đi Gia Lai trao nhà tình nghĩa, xuống TP.HCM tổ chức cuộc thi Hoa hậu Môi trường và ra tỉnh Quảng Nam trao nhà tình nghĩa.
Khi làm xong công việc ở Gia Lai, TP. HCM một cách toàn bích, chúng tôi ra Đà Nẵng thì được báo hôm sau đi Cù Lao Chàm trao nhà tình nghĩa cho một công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh khó khăn.
Lúc nghe nói đến ra "Cù Lao Chàm” trong tôi hình ảnh một Cù Lao Chàm cách đây 30 năm hiện lên rõ nét từ những thước phim trí nhớ đã xếp trong ngăn có tên quên lãng.
… Ngày đó tôi được Báo Nhi Đồng giao nhiệm vụ vào mở Văn phòng đại diện miền Trung. Đó là một công việc không dễ dàng chút nào. Mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng đầy tiềm năng cho một tờ báo dành cho trẻ em phát triển, nhưng trong tay tôi chỉ có con số không.
Được sự giúp đỡ của tỉnh đoàn, của Sở giáo dục và Đào tạo Quảng Nam - Đà Nẵng và nhiều cơ quan đơn vị khác, tôi đã thành lập, điều hành Văn phòng đại diện hoạt động tốt. Không có nơi nào của Quảng Nam - Đà Nẵng chúng tôi không đặt chân đến.
Chỉ có một địa chỉ: Cù Lao Chàm là còn bỏ ngỏ. Vì hồi đó ra Cù Lao này ngoài xin phép Biên Phòng khá khó khăn, thì phương tiện ra đó còn khó khăn hơn!
Chúng tôi đã nhờ nhiều cơ quan chức năng giúp đỡ. Cuối cùng mong ước được đến để viết về ngôi trường tiểu học ở Cù Lao Chàm đã được toại nguyện.
Chiếc thuyền máy khá cũ kỹ chở tôi và Phan Việt Hùng - học ở Liên Xô về vừa được tuyển vào Toà soạn Báo Nhi Đồng - đã hăng hái bước những bước đi chòng chành trên mặt thuyền.
Tuy tỏ ra oai hùng, nhưng chúng tôi cũng hơi sợ, vì con thuyền đã cũ, tiếng máy phát ra lẹc khẹc như người già lên cơn hen dài.
Sóng cuối tháng tư nhưng còn rất to. Thuyến chồm sóng, ngả nghiêng. Chúng tôi phải bấu chặt cọc thuyền, bấm chân chắc xuống sàn thuyền. Mỗi lần sóng chồm là mỗi lần tim chúng tôi đập thảng thốt.
Con thuyền máy chạy rì rì trước sức cản của gió sóng. Đột ngột, nó khẹc khẹc nấy tiếng rồi tắt máy. Chúng tôi tái mặt ! Người lái thuyền động viên chúng tôi yên tâm . Nhưng nhìn mặt anh ta lo lắng, chúng tôi cũng hoảng. Anh ta giật dây quay máy nổ mấy lần, nhưng tiếng máy chỉ rên lên yếu ớt rồi lịm đi.
Tôi bơi khá giỏi, vì sinh ra ở vùng sông nước. Nhưng sông so với biển cả mênh mông sóng dội thấm tháp gì ! Tôi lại mạng hoả, chỉ hợp với rừng, nhìn biển vừa sợ, vừa cô đơn. Tôi đã viết những câu thơ:
Trước biển tôi nhỏ bé
Tôi cô đơn như vỏ ốc
Gió khóc trong lòng mình
Trước biển tôi hoảng sợ
Biển sau lưng tôi vỡ mộng chân trời…
Đang ở tuổi 35, lẽ nào biển lại nuốt tôi vào lòng. Tôi nhắm mắt Nam Mô Adida Phật !
Bỗng tiếng máy nổ làm tôi giật mình ! Niềm vui giãn nở trên gương mặt. Thuyền lại ngoi ngóp bò đi trong gió sóng.
Gần 3 tiếng chúng tôi mới tới được Cù Lao Chàm. Một Cù Lao hoang sơ đón tôi trong vòng tay mời mọc. Những tấm lòng đón tôi trong nụ cười toả sáng. Một sự kết nối vô hình bén rễ yêu thương !
Tôi đã thăm ngôi trường tiểu học rất ít học trò trong những căn phòng tạm bợ. Các em nhìn chúng tôi còn sợ sệt e dè. Nhưng sau màn làm quen, chơi trò chơi, tặng quà, các em linh hoạt, vui vẻ hẳn lên. Niềm vui bắt đầu từ con trẻ. Niềm vui nhân lên từ con trẻ. Và con trẻ giữ niềm vui, kỷ niêm lâu bền nhất.
Khi tôi tặng các em những tờ Báo Nhi Đồng, mắt các em sáng lên ! Các em đọc say mê. Lúc đó chúng tôi rất vui. Đó là một phần thưởng cho người làm báo ! Các em đã thắp ttong tôi một niềm vui. Một niềm tin. Tôi đã hát bài Mặt trời bé con của Trần Tiến hào hứng, say mê trước các em trong dàn đệm của sóng biển. Bà con ở cù lao còn nghèo, nhưng tinh thần hiếu học rất cao. Lúc đó tôi tin, các em rồi sẽ có một tương lai tươi sáng. Vì cù lao này có một tiềm năng lớn về du lịch. Văn minh sẽ sớm đỗ ở đây!
Nhưng niềm vui vừa loé lên trong tôi, thì chợt tắt. Đêm đó trời mưa gió kinh hoàng. Những con sóng to đùng đập vào bờ dữ dội. Mưa gió đã ngăn lịch trở lại đất liền của chúng tôi. Chúng tôi lo lắng, vì lịch công tác rất dày và bận ở đất liền.
Mưa gió không tìm đâu được cá ở đây. Chủ nhà cho chúng tôi ăn cá khô và rau hái quanh nhà. Mưa làm nước đục ngầu, phải dùng phèn chua lọc nước. Chúng tôi ra con suối nhỏ mò cá. Chỉ bắt được vài con cá dọn bể, mang về nướng. Thèm hải sản, chúng tôi nhai cả xương cá dọn bể cứng đơ. Giờ tôi mới thương hàm răng của mình đã tự tàn phá không thương tiếc thời trẻ, mà xương cá dọn bể là một ví dụ.
Rồi trời lại nắng lên ! Thầy cô giáo và các em tiễn chúng tôi về đất liền. Những bàn tay vẫy chào tạm biệt như những đốm nắng sưởi ấm lòng tôi lúc đó. Và sau này, khi có điều gì buồn bã tôi lại nhớ về những đốm nắng ở Cù Lao, nhen lên để sưởi ấm lòng mình!
Và giờ đây, đúng 30 băm tôi trở lại.
Con tàu cao tốc 500 sức ngựa chồm đè lên sóng, băng băng đưa chúng tôi ra đảo.Chưa 20 phút, chúng tôi đã cập đảo. Đảo hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh. Tôi không tin ở mắt mình, bởi trong hình dung, Cù Lao Chàm vẫn con nghèo khó. Những ngôi nhà tầng, những bãi tắm đẹp rực rỡ khúc xạ trong mắt tôi, khơi dậy những hân hoan, tin tưởng.
Những ngôi nhà cao tầng san sát nhau
Tôi không còn nhận ra dấu vết nào của 30 năm trước. Con đường bê tông rộng sát bờ biển tấp nập khách du lịch, Tây ta đủ cả. Hàng quán san sát. Chợ bày đầy hải sản tươi sống. Gương mặt nào tôi gặp trên đảo cũng phơi phới niềm vui, nụ cười luôn thường trực trên môi.
Tôi cùng nhà thơ Đặng Vương Hưng, Phó Tổng biên tập "thử tập đi" xe máy
Cán bộ công ty môi trường Hội An trên đảo đón chúng tôi từ cầu tàu. Họ chở chúng tôi bằng xe máy đến ngôi nhà tình nghĩa mà Đại diện tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng đã vận động được, xây nên. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi họ chở chúng tôi đến địa điểm trao tặng, tắt máy và không ai khoá xe, chìa khoá lại cắm luôn ở ổ, không nhổ chìa cất mang theo. Họ cười bảo, trên đảo này là vậy. Xe để ngoài trời cắm khoá không bao giờ mất.
Chúng tôi làm thủ tục trao ngôi nhà tình nghĩa cho chị Bùi Thị Bé, một công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Ngôi nhà cũ của chị nhỏ và hư hỏng. Theo thiết kế của đội xây dựng, phần mới ngôi nhà được xây liền kề, sửa sang, trát lại ngôi nhà cũ, làm lại cửa nhôm đồng bộ, sơn màu xanh dịu mát.
TS.Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập trao biểu tượng chìa khóa cho chị Bùi Thị Bé
Nhìn ngôi nhà, không ai phát hiện được có sự chắp nối ở đây ! TS.LS Đồng Xuân Thụ , Tổng biên tập đã phát biểu trong sự xúc động chân thành. Ngôi nhà chị Bé là một ngôi ngà trong chuỗi nhà tình nghĩa mà báo chủ trương thực hiện nhiều năm nay. Đây là một việc làm xã hội hóa để giúp đỡ những công nhân về sinh môi trường trên toàn quốc gặp nhiều khó khăn. Song song với việc trao tặng Cây chổi càng, việc xây dựng nhà tình nghĩa là việc làm tâm huyết của toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Lễ trao nhà tình nghĩa cho công nhân vệ sinh môi trường Bùi Thị Bé được tổ chức trang trọng, ấm cúng.
Đơn vị tài trợ để xây dựng ngôi nhà tình nghĩa cho chị Bé thích " mai danh ẩn tích”, không muốn quảng bá tên mình trước thiên hạ. Lòng tốt cứ âm thầm bắt rễ sâu vào đât đai cho cây đời lên xanh.
Chúng tôi rất cảm động trước nghĩa cử này của anh ấy. Thật khác với những người thường phơi danh mình bên những gốc cây được trồng ở những địa điểm quan trọng với biển tên ghi chức danh bằng loại vật liệu khó bào mòn trước thời gian.
Và thật buồn khi những gốc cây to đó là những gốc cây được đào lấy từ việc phá rừng. Có những biển tên còn phơi bên tuế nguyệt mà chủ nhân nó đã vào lò, giờ đang bóc lịch.
Còn việc làm âm thầm của một người trẻ, có quãng đời quăng quật gió bụi, giờ ăn chay trường, chung tay giúp ích cho xã hội, là một điều rất quý, quý hơn hai lần !
Chị Bùi Thị Bé tặng cho đoàn những túi rau rừng. Điều đặc biệt là những chiếc túi đựng được tái chế từ chất liệu rứa.
Chị Bùi Thị Bé xúc động không nói được nên lời. Chị nói với tôi, "em đã chuẩn bị nói lời cảm ơn rồi, mà giờ xúc động không nói được”. Sự im lặng xúc động, biết ơn cũng là một lời nói có sức nặng ! Chúng tôi càng vui hơn khi biết, gia đình chị Bé đã thu xếp chỗ ở, để dành riêng 2 phòng cho khách du lịch thuê, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Nhìn chị cười tươi, gương mặt sáng lên , tôi biết hạnh phúc đã cập bến ở ngôi nhà chị. Tôi chỉ biết âm thầm chúc cho gia đình chị luôn mạnh khoẻ, gặp nhiều niềm vui trong đời.
Đường làng ngõ xóm ở Đảo Cù Lao Chàm luôn sáng, xanh, sạch đẹp
Chúng tôi gặp ở lễ trao tặng ngôi nhà tình nghĩa hai gương mặt ghi dấu ấn trong tôi. Đó là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Hiệp Trần Phúc và Đội trưởng đội vệ sinh môi trường trên đảo Hồ Cảm.
Trần Phúc trước đây làm công an xã. Từ khi có chủ trương đưa công an chính quy về xã, Phúc được tín nhiệm đảm trách chức Chủ tịch mặt trận. Trần Phúc vui mừng khoe với chúng tôi, xã có ba thôn Bãi Hương, Bãi Làng, Bãi Ông, có 607 hộ dân với 2041 nhân khẩu, có thu nhập bình quân đầu người 48 triệu đồng/ năm. Hiện nay cả xã chỉ còn 7 hộ cận nghèo, và sẽ xoá hộ nghèo trong một hai năm tới.
Điều đáng mừng là khách du lịch mỗi ngày đến đảo một nhiều. Lúc cao điểm trước dịch covid 19, đảo đón 7.500 người/ ngày. Như vậy, mỗi người dân đảo phục vụ cho 3,5 du khách mỗi ngày.
Tôi làm phép so sách ngày tôi đến đây, dân đảo chủ khoảng 500 người, khách đến thăm đảo rất ít, chưa có khái niệm du lịch. Mà nay trên đường đi, khách du lịch nườm nượp. Đội tàu chở khách có 150 chiếc, công suất thấp nhất là 500 sức ngựa, quán xá san sát bờ biển. Cá phơi đầy bãi. Ấn tượng của tôi là đảo rất sạch. 2 bãi tắm cát vàng sạch bong. Một bãi tắm san hô ngoài chân đảo nhỏ dành cho người ưa tắm mạo hiểm. Tôi hoà vào làn nước biển vây bọc, mát xa cơ thể tuyệt vời. Đã tắm ở nhiều bãi biển, nhưng tắm ở Cù Lao Chàm để lại trong tôi ấn tượng chắc sẽ khó quên.
Bãi biển Cù Lao Chàm luôn trong xanh và sạch sẽ
Tôi thật vui khi được ngồi ăn, trò chuyện cùng Hồ Cảm - Đội trưởng đội vệ sinh môi trường Cù Lao Chàm thuộc Công ty Môi trường Hội An. Cảm nói với tôi, đội cậu có 18 cán bộ nhân viên, đảm trách vệ sinh, nước sinh hoạt, xử lý rác thải. Tất cả đều vận hành theo những mắt xích đồng bộ. Mắt xích này không đứt rối bao giờ. Tất cả êm ru, khách du lịch và dân rất hài lòng.
Đội trưởng đội vệ sinh môi trường Hồ Văn Cảm tại trạm cung cấp nước ngọt Đảo Cù Lao Chàm
Trong bữa ăn mà cơ quan Cảm chiêu đãi đoàn, khi biết tôi ra đảo cách đây 30 năm, Cảm ồ lên: Hồi đó em cũng học ở đó. Có tham gia trò chơi và đọc báo do báo Nhi Đồng tổ chức. Tôi cũng ngạc nhiẻn không kém khi biết cậu bé đã học và lớn lên, đi học rồi quay về đảo công tác, lại còn mang một công dân Quảng Trị xinh đẹp về đảo làm dâu. Nay Cảm đã có một gia đình hạnh phúc. Sóng biển và khí hậu môi trường ở đây đã tôi luyện Cảm thành một chàng trai lực lưỡng, khoẻ mạnh, tay cứng như sắt bởi ngày hai lần bơi thể dục.
Bữa ăn Cảm chiêu dãi có đến 8 món. Ấn tượng là rau rừng tươi ngon, hàu nướng, bào ngư, ốc vú nàng, cầu gai, cá dìa hấp, canh cá hổng nấu ớt cay… rất ngon mà bổ rẻ. Mỗi suất 200 ngàn !
Ngủ lại một đêm trên đảo. Đó là một trải nghiệm. Giấc ngủ ngon mà sâu. Bác chủ nhà bảo tôi, xưa dân rời đảo vào đất liền, nay nhiều người muốn ra đảo sống. Đất ở đảo tăng giá chóng mặt. Cạnh nhà trọ tôi ở có mảnh đất đề biển bán, khoảng 250 mét vuông, chiều rộng 10 mét, giá 13 tỷ. Giá này không kém gì giá ở các thành phố trong đất liền.
Chia tay Cù Lao Chàm, chúng tôi mang về hương vị của hòn đảo xinh đẹp và yêu thương này. 30 năm trở lại, Cù Lao Chàm đã đóng cho tâm hồn tôi một con dấu không phai !
Tôi sẽ còn trở lại ! Cù Lao Chàm ơi…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.