moitruongplus Hy vọng, sau chương trình, các em học sinh hiểu và biết phân loại rác đúng cách. Rác tái chế sẽ là nguồn nguyên liệu quý, đem lại giá trị mới cho cuộc sống, nhất là việc phân loại rác sẽ góp phần bảo vệ môi trường.
Nhằm giáo dục ý thức tự giác và hành động thiết thực chung tay bảo vệ môi trường cho các em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước, từ đầu tháng 5/2022, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ đã phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường thực hiện tuyên truyền về phân loại rác tại một số trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, từ đó giúp các em nhận biết rác cũng chính là tài nguyên nếu biết phân loại đúng cách.
Tuyên truyền phân loại rác cho các em học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Cần Thơ)
Trong tháng 5/2022, Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ đã triển khai hoạt động truyên truyền phân loại rác tại 3 điểm trường là Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Trường THCS An Khánh và Trường THCS Lương Thế Vinh.
Nắm bắt được đặc điểm về lứa tuổi của các em học sinh, các cán bộ Ban điều phối đã thiết kế chương trình tuyên truyền về phân loại rác với các hướng dẫn đơn giản dễ hiểu, các hoạt động hoạt náo sôi nổi. Các thầy cô giáo và các em học sinh đã được tìm hiểu về lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn và cách thức phân loại rác tái chế.
Các em học sinh trường Tiểu học Võ Trường Toản (TP Cần Thơ) tham gia trò chơi thực hành phân loại rác
Theo đó, rác thải tái chế được phân thành 3 loại: Giấy (giấy trắng, giấy văn phòng, sách báo, tạp chí; bìa, thùng cạt ton…); kim loại (vỏ lon, vỏ hộp sửa bằng kim loại, kim loại khác…) và nhựa (chai nhựa, ly nhựa, túi nylon, thùng bằng nhựa cứng…). Các em học sinh sau đó đã được tham gia trò chơi thực hành phân loại rác. Từ buổi tuyên truyền bổ ích này, trong sinh hoạt gia đình hay tại trường học, các em có thể thực hiện phân loại rác đúng cách. Chỉ bằng hành động nhỏ, mỗi em học sinh đã góp phần bảo vệ môi trường. Rác tái chế sau khi phân loại, các em có thể đem đến các điểm đổi quà, hoặc bán tại các điểm thu gom rác do chương trình thực hiện định kỳ.
Các em học sinh đổi rác tái chế lấy quà tặng
Giáo dục ý thức, xây dựng hành động bảo vệ môi trường cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cần sự chung tay vào cuộc của các địa phương, đơn vị, cộng đồng và toàn xã hội. Hoạt động truyền thông về phân loại rác tại các trường học của Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ là một trong những hoạt động thiết thực của Chương trình truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững” được thực hiện bởi Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam. Chương trình với sự tham gia phối hợp của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng và Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ với sự đồng hành của Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) và Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam.
Cán bộ Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ phát tài liệu tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác cho người dân
Hiện tại việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn của thành phố Cần Thơ nhằm đáp ứng yêu cầu của Nhà máy đốt rác phát điện Thới Lai. Đây là nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt được đánh giá hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, vận hành từ cuối năm 2018, với sức tiếp nhận bình quân 400 tấn rác thải sinh hoạt/ ngày, công suất phát điện đạt 7,5MW/h. Để phục vụ công nghệ đốt rác phát điện, thành phố Cần thơ đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại: Rác thải đốt được (rau, củ, quả, giấy, chai nhựa, thùng cát ton, túi ni-lông…); Rác thải không đốt được (chén bằng sành - sứ, ly bằng thủy tinh, gạch vụng…); Rác thải nguy hại (pin, bình ắc quy, bóng đèn huỳnh quang…). Rác đốt được sẽ được thu gom, vận chuyển trực tiếp tới Nhà máy đốt rác phát điện Thới Lai, rác không đốt được sẽ được đưa đến bãi chôn lấp hợp vệ sinh, rác thải nguy hại sẽ được đưa đi xử lý theo đúng quy định.
Cách phân loại rác nói trên của thành phố Cần Thơ đã và đang phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ áp dụng công nghệ đốt rác phát điện, giảm mạnh việc xử lý rác bằng hình thức chôn lấp. Tuy nhiên có thể thấy, vì tất cả rác đốt được đều được đưa vào Nhà máy đốt rác phát điện Thới Lai, trong đó có cả các loại rác có thể tái chế, tái sử dụng, rác thải còn giá trị (như giấy, vỏ chai nhựa, hộp nhựa, bao bì nhựa, túi ni-lông, vỏ hộp bằng kim loại…) do vậy chưa tận dụng được nguồn tài nguyên từ rác thải và phải tốn chi phí rất lớn cho việc xử lý.
Chính vì vậy, Chương trình truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững” được Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ phối hợp thực hiện hy vọng có thể lan toả được thông điệp "Rác là tài nguyên” đến đông đảo thầy cô và các em học sinh. Nếu được phân loại đúng cách, rác tái chế sẽ là nguồn nguyên liệu quý, đem lại giá trị mới cho cuộc sống, nhất là việc phân loại rác sẽ góp phần bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.