TP.HCM: Ngang nhiên tập kết phế liệu trên đất quy hoạch gây mất mỹ quan đô thị
Thứ ba, 31/5/2022 | 8:42:20 Sáng
moitruongplusNhà xưởng chứa phế liệu lụp xụp, không đảm bảo an toàn PCCC, cùng số lượng cát xây dựng khổng lồ được tập kết trong khu dân cư gây nên tình trạng nhếch nhác, lộn xộn…
Đó là thực trạng đang diễn ra tại một cơ sở tập kết phế liệu và vật liệu xây dựng (VLXD) ngay bên cầu Vĩnh Bình (phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM). Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do thiếu các điều kiện theo quy định về PCCC.
Rất nhiều hộ dân sinh sống gần cầu Vĩnh Bình thuộc địa bàn phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức (ngay cạnh QL13) phản ánh, từ nhiều năm nay, trên địa bàn tồn tại một cơ sở tập kết, kinh doanh phế liệu kiêm VLXD "khủng”. Mỗi ngày, phế liệu khắp nơi tập kết về liên tục bằng xe thô sơ, ôtô tải. Sau khi phân loại, những phế liệu như thùng carton, vỏ nhựa, lon bia… được trữ lại, chờ giá cao mới vận chuyển đi bán. Điều này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, nguy cơ cháy nổ rất cao và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân.
Bãi phế liệu khổng lồ ngay gần chân cầu Vĩnh Bình, phường Hiệp Bình Phước.
Cũng theo phản ánh của người dân, cơ sở này nằm trên diện tích đất quy hoạch cây xanh tập trung, đất dân cư xây dựng mới và đất hạ tầng kỹ thuật… Đặc biệt là cơ sở hoạt động bất kể giờ giấc từ sáng đến tối, có khi đến 1-2 giờ sáng. Người dân cũng đã kiến nghị lên chính quyền địa phương rất nhiều lần nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
PV Môi trường và Đô thị điện tử đã tới khu vực cơ sở tập kết, kinh doanh phế liệu kiêm VLXD nêu trên để ghi nhận thực trạng. Tại đây, không có bất cứ bảng hiệu nào mà chỉ tồn tại một khu nhà xưởng ẩm thấp được lợp tôn và quây tôn xung quanh dùng để chứa giấy vụn, vải vụn… Nhìn thoáng qua cũng dễ dàng nhìn thấy cơ sở này xây dựng một cách tạm bợ, không được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải cũng như các điều kiện bảo đảm cảnh quan môi trường và PCCC khác.
Khi PV có mặt, cơ sở hoạt động rất nhộn nhịp với một số công nhân đang phân loại phế liệu, nhiều xe tải và container chở hàng đến và đi liên tục. Đặc biệt, tiếng của máy cạp sắt thép phế liệu và múc cát giữa thời tiết oi bức càng làm cho người dân lân cận vô cùng khổ sở.
Bên cạnh ngôi nhà xưởng này là một bãi tập kết sắt, thép phế liệu chất cao như núi không được che chắn. Không chỉ vậy, ngay cạnh đó là một khu vực tập kết cát xây dựng "khủng” không kém.
Theo quan sát, khu vực chứa phế liệu sắt, thép và VLXD nằm ngay sát cạnh bờ kênh Vĩnh Bình, có dấu hiệu ngang nhiên lấn chiếm hành lang kênh rạch. Mặt khác, lượng nước thải từ đây có thể chảy trực tiếp ra kênh, gây ô nhiễm nước sông Sài Gòn.
Trao đổi với PV, ông N.V.H – một người dân sống trong khu vực, cho biết: "Bụi bẩn, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, máy móc hoạt động ngày đêm… Đó là tất cả những gì chúng tôi phải hứng chịu một thời gian dài từ vựa "ve chai” này mà chẳng biết kêu ai. Vì chúng tôi đã phản ánh lên chính quyền nhiều lần nhưng không hiểu sao họ cũng không có biện pháp xử lý gì cả!”
Bà V.V.A – một người dân khác, nói thêm:"Theo tôi được biết, khu vực vựa "ve chai” này nằm trên đất đã được quy hoạch không được phép xây dựng kho xưởng nhưng vẫn không bị xử lý. Đồng thời lại nằm trong khu dân cư nên nhỡ không may xảy ra cháy nổ thì không biết chuyện gì xảy ra…”.
Tổng thể bãi phế liệu và bãi cát trên đất quy hoạch cây xanh.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Quang Chi – Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước cho biết:"Hiện tôi đang bận, có gì PV gửi thông tin qua Ủy ban để chúng tôi đi xác minh!”.
Được biết, hiện bãi tập kết cát đã được di dời ra phía sau với quy mô rộng lớn hơn.
Thiết nghĩ, việc thu mua phế liệu vốn là một trong những ngành nghề góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Nhưng, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chính nó lại đang đứng trước nguy cơ gây ô nhiễm cao khi ngày càng có nhiều điểm thu mua phế liệu tự phát mọc lên, không tuân thủ các quy định về kinh doanh, môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động và người dân sống trong khu vực.
Một sà lan thường xuyên đậu tại đây để cạp cát xuống.
Để lập lại trật tự trên lĩnh vực này, các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các điểm thu mua, tái chế phế liệu; Yêu cầu các cơ sở này phải ký cam kết, đầu tư đầy đủ các trang thiết bị xử lý nước thải, rác thải. Với các cơ sở không có giấy phép kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường, cần tiến hành xử phạt vi phạm theo quy định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.