moitruongplus Những ngày qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân 2 huyện Tiên Phước và Phú Ninh tỉnh Quảng Nam về những sai phạm trong việc khai thác, vận chuyển vật liệu đất, đá phục vụ công trình xây dựng.
Xe quá tải "cày” nát đường dân sinh, dân kêu trời
Phản ánh với phóng viên, người dân thôn 1 (xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, mỏ đá Cù Lao nằm tại địa bàn xã Tam Dân (huyện Phú Ninh) hoạt động khá rầm rộ, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường sống đối với người dân sinh sống gần đó.
Hoạt động khai thác tại mỏ đá Cù Lao.
Để vào được mỏ đá này, các xe phải đi qua con đường giao thông nông thôn rộng 4m, dày 20cm, dài gần 1km cắt qua thôn 1 xã Tiên Thọ. Tuyến này nguyên thủy trước đây là đất người dân hiến để mở đường vào khu dân cư, nơi sinh sống của gần 20 hộ dân.
Theo ông Phan Tuấn, Tổ trưởng tổ 1 (thôn 1, xã Tiên Thọ), mỏ đá Cù Lao hoạt động cách đây 20 năm, qua nhiều đời chủ. Trước đây, mỏ hoạt động cầm chừng, ít xe ra vào, nhưng thời gian gần đây, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ra vào chở đất, đá khiến đời sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bụi, tiếng ồn và an toàn giao thông.
Các xe tải ben vận chuyển vật liệu xây dựng tại mỏ đá Cù Lao.
"Đường có 4m mà 2 xe có tải trọng lớn trên dưới 10 tấn lưu thông ra vào tấp nập, tránh nhau lúc đối đầu là choáng hết lối đi. Thêm nữa, trước đây ngay ngõ nhà tôi xảy ra TNGT chết người liên quan đến xe tải chở vật liệu từ mỏ đá nên bà con rất lo lắng”, ông Tuấn thông tin.
Cùng tâm trạng bất an như ông Tuấn, bà Võ Thị Bông (72 tuổi) có nhà sát mặt đường nơi xe tải thường xuyên ra vào mỏ đá Cù Lao chở vật liệu nói: "Xe chạy nhiều lắm, bất kể ngày đêm, ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của bà con. Vừa rồi có mấy xe chạy ẩu, bụi bay mù mịt, làm đứt dây điện thắp sáng nhà tôi 3 lần. Tôi định bắt đền mấy chú lái xe mà không được nên phải thuê người đến sửa lại. Ngoài ô nhiễm môi trường bởi bụi và tiếng ồn, nhà nào cũng phải đóng cửa, xe chạy từ trong mỏ ra quá nhiều khiến ai cũng sợ tai nạn, trẻ con không dám ra đường”.
2 xe tải lưu thông vào mỏ đá Cù Lao choáng hết lối đi.
Từ phản ánh của người dân, liên tục các ngày 24/5, 25/5 và 26/5, phóng viên thực địa hiện trường, phát hiện có hơn 20 xe tải ben tải trọng lớn, trong đó nhiều nhất là các xe gắn lo go Trường Giang lưu thông vào mỏ đá Cù Lao.
Điều đáng nói là tuyến đường này có đặt biển cấm xe tải 8 tấn nhưng nhiều xe có tải trọng trên 10 tấn vẫn ngang nhiên ra vào. Đơn cử, lúc 8 giờ ngày 25/5, phóng viên ghi hình được cảnh xe tải ben loại Howo, 3 cầu, BKS 92H 005.58, gắn logo Trường Giang chở đá từ trong mỏ Cù Lao, theo tuyến đường dân sinh ra tuyến ĐT 616 hướng về huyện Tiên Phước. Thấy phóng viên ghi hình xe này, có một trung niên đến bắt chuyện, giới thiệu là người của mỏ đá Cù Lao và xin số điện thoại.
Xe tải ben loại 3 cầu, tải trọng trên 10 tấn vẫn ngang nhiêm lưu thông vào đường có biển cấm tải 8 tấn để chở đá ở mỏ Cù Lao.
Tiến sâu vào còn đường giao thông nông thôn này, phóng viên phát hiện có hàng chục xe tải ben nối đuôi nhau vào mỏ đá Cù Lao "ăn hàng”. Theo Camera của phóng viên, thời điểm này có 2 xe tải ben, một gắn logo Trường Giang, BKS 92C-153.23 và xe BKS 92C-089.03 cùng lưu thông ngược chiều. Khi 2 xe né nhau chiếm hết con đường, lấn ra hàng cây ven đường, khiến người và phương tiện tham gia giao thông không thể nào đi được.
Xe tải lưu thông vào mỏ đá Cù Lao chiếm hết lối đi.
Vào mỏ đá Cù Lao, phóng viên ghi nhận mỏ hoạt động khá rầm rộ, bụi bay mịt mù, có hàng trăm lượt xe tải vào ra chở hàng, khiến nhiều đoạn trên con đường dân sinh này bị hư hỏng. Thêm nữa, việc mật độ lưu lượng hoạt động quá dày tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện trên cùng tuyến.
Người dân thôn 1 xã Tiên Thọ sử dụng vật cản để hạn chế lưu lượng xe tải chở đá từ mỏ Cù Lao làm hư hỏng tường rào cổng ngõ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở hữu mỏ khai thác này là Công ty Cổ phần Đầu tư Kongo có trụ sở tại Quảng Nam, do ông Đỗ Ngọc Trang làm chủ doanh nghiệp. Công ty này được cấp phép khai thác mỏ đá Cù Lao từ năm 2018 đến năm 2036.
Múc đất vườn, đồi làm vật liệu san lấp dự án
Quá trình tác nghiệp tại khu vực thôn 1, xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước), phóng viên còn phát hiện có hàng chục xe tải ben lén lút khai thác đất đồi trái phép chở đi san lấp cho các dự án. Cụ thể, ngày 23/5, phóng viên ghi nhận khu vực ngọn đồi nằm sát đường ĐT616 thuộc địa phận thôn 1 (xã Tiên Thọ) có hàng chục phương tiện xe tải ra vào chở đất.
Hoạt động khai thác đất đồi trái phép tại thôn 1 xã Tiên Thọ ngày 23/5.
Khi di chuyển lên ngọn đồi, phóng viên phát hiện có 2 chiếc xe múc đang hoạt động, múc đất đồi đổ lên xe tải. Thời điểm này có hơn 10 chiếc xe tải đang đứng đợi để "ăn hàng”. Sau khi múc đầy đất, các xe này phóng bạt mạng, hướng về các bãi đổ ở xã Tam Dân (huyện Phú Ninh) và thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước).
Đất đồi khai thác trái phép tại xã Tiên Thọ được vận chuyển đến xã Tam Dân (huyện Phú Ninh).
Sáng 24/5, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Lê Anh Minh – Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ cho biết, đã nắm được thông tin khai thác vận chuyển đất đồi trái phép tại thôn 1 và đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra xử lý.
Theo ông Minh, thời gian qua, một số hộ dân có đất đồi tại thôn 1 làm đơn gửi UBND xã xin cải tạo múc đất đồi để san lấp, chỉnh trang vườn. Tuy nhiên, có người lợi dụng việc cải tạo đồi lén lút bán đất trái phép cho những người có nhu cầu để sử dụng làm vật liệu san lấp.
Hiện trường vị trí khai thác đất đồi trái phép tại xã Tiên Thọ vào ngày 23/5.
Đơn cử, sáng 22/5, Công an xã Tiên Thọ cùng chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện tại khu vực đồi ở thôn 1 có 2 chiếc xe múc, 1 chiếc đang hoạt động múc đất trái phép cho gần 10 chiếc xe tải đợi lấy đất.
Qua làm việc bước đầu xác định hoạt động khai thác đất trái phép bắt đầu từ ngày 21-5. Các xe tải tại đây là của Cty Vận tải và Thương mại Trường Giang có trụ sở tại phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ, chở đất san lấp mặt bằng Khu phố mới Phước An tại huyện Tiên Phước và nhiều khu vực tại xã Tam Dân (H.Phú Ninh).
Thực tế hoạt động khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng có nhiều bất ổn đã và đang xảy ra tại 2 huyện Phú Ninh và Tiên Phước. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cần phải sớm vào cuộc để giải quyết thực trạng này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.