moitruongplus Nhiều ngày qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp nhận phản ánh của người dân thôn Phước Thuận Phước Hậu xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang về vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Cá chết bất thường cạnh lò gạch Tuynel

Môi trường và Đô thị Việt Nam vừa có loạt bài về việc người dân sinh sống gần các lò sản xuất gạch Tuynel trên địa bàn huyện Hòa Vang phản ánh ô nhiễm môi trường do bụi, khói, tiếng ồn, nguồn nước ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, trong đó có địa bàn thôn Phước Thuận Phước Hậu.

Trong khi các cơ quan chức năng huyện Hòa Vang vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin theo phản ánh thì trung tuần tháng 5/2022, tại địa bàn thôn Phước Thuận Phước Hậu lại xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt gần 2 Nhà máy sản xuất gạch Tuynel là Trọng Anh và Vĩnh Trường.


Trưởng thôn Phước Thuận Phước Hậu (áo sáng) thực địa hiện trường cá chết gần lò gạch Tuynel.

Phản ánh đến với phóng viên, anh Trần Phước Sơn, người dân thôn Phước Thuận  Phước Hậu cho biết, từ trưa ngày 13/5, trên cánh đồng Bàu của thôn có hiện tượng bất thường là cá chết hàng loạt. "Nhiều cá rô phi lớn chết trắng, nổi lềnh bềnh trên mặt nước ở khu vực ruộng bỏ hoang do bồi lấp bởi nhà máy sản xuất gạch ở gần đó là Trọng Anh và Vĩnh Trường. Cá rô phi là loại sinh trưởng khỏe, lâu nay hiếm khi chết nhiều như vậy. Đây là hiện tượng bất thường, có khả năng liên quan đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước nên tôi ghi lại hình ảnh, phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng để vào cuộc xác minh”, anh Sơn chia sẻ.

Cũng theo anh Sơn, từ ngày 2 lò gạch Tuynel về đây hoạt động, đời sống người dân trong thôn bị ảnh hưởng rất nhiều về vấn đề môi trường. Cụ thể là nhà anh có 4 sào ruộng ở đồng Bàu thì có 2 sào bị đất từ bãi chứa gạch bồi lấp không sản xuất được, số còn lại thì năng suất thấp do khói và bụi từ nung gạch. Đáng lo là khói từ đốt than đá nung gạch phát ra môi trường làm cây cối trong vườn sinh trưởng kém, một số nhà có mái tôn ở gần lò gạch bị hoen rỉ rất nhanh.

Chiều 15/5, thực tế hiện trường vụ việc cùng ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận Phước Hậu được biết, khu vực xảy ra hiện tượng cá chết là cánh đồng Bầu, đang bị bỏ hoang gần 10 năm nay. Theo ông Tuân, toàn bộ diện tích đất ruộng bị bồi lấp bởi hoạt động sản xuất lò gạch khoảng 2ha, trong đó có 2 loại là đất có sổ đỏ cấp cho dân và đất UBND xã quản lý phân chia cho dân canh tác.  "Ruộng bị bỏ hoang vì mất nước, các chủ lò gạch có hỗ trợ cho bà con hằng năm với mức 1,5 triệu đồng/sào với đất có sổ đỏ, còn đất nhà nước quản lý thì chỉ hỗ trợ một lần mức 1,5 triệu đồng/sào. Còn nguyên nhân cá chết thì phải chờ cơ quan chức năng điều tra, xác minh” ông Tuân chia sẻ. Theo quan sát của phóng viên, lúc 16 giờ cùng ngày, vẫn còn xác cá rô phi chết nổi trên mặt nước tại đây.


Theo quan sát của phóng viên, đến chiều 15/5, vẫn còn xác cá chết nổi ở đồng Bàu thôn Phước Thuận Phước Hậu.

Lúa nhiễm than, dân không dám sử dụng

Cùng với hiện tượng cá chết, tại thôn Phước Thuận Phước Hậu còn xảy ra sự việc nước từ bãi than đá của Công ty Đông Bắc trên đầu nguồn chảy tràn vào ruộng, khiến hạt lúa thu hoạch đổi màu đen, dân không dám sử dụng vì sợ nhiễm độc.


Nước từ bãi than Đông Bắc chảy ra môi trường có màu đen sẫm.

Phản ánh với phóng viên, ông Lê Mẫn, nguyên là Trưởng thôn Phước Thuận Phước Hậu, người có 6 sào ruộng bị nhiễm than đá cho biết, ông là người đầu tiên phát hiện ra sự việc này.

Ông Mẫn kể: "Cách đây khoảng 10 năm, Công ty than Đông Bắc có đến mở cơ sở kinh doanh, trữ khá nhiều than đá ở đầu nguồn của thôn. Khoảng 4 năm trở lại đây, nguồn nước thải từ bãi than của công ty có màu đen, chảy theo hệ thống kênh mương nội đồng, tràn vào diện tích 11,3 ha đất ruộng tại 5 cánh đồng gồm Ông Lai, Cây Sanh, Gò Bó, Cửa Trường và Kiệt Nước. Việc nguồn nước than này tràn vào ruộng không chỉ ảnh hưởng xấu đến năng suất lúa mà còn khiến trâu bò uống, ăn phải cỏ nhiễm than ốm và chết dần. Trước đây nhà tôi có nuôi đàn bò 17 con, nhưng do ảnh hưởng bởi nguồn nước than đá nên phát triển kém, chủ yếu là đau bụng rồi chết dần, gia đình cùng nhiều hộ chăn nuôi trong thôn đành phải bán đổ bán tháo, không dám nuôi nữa”.


Ông Lê Mẫn thực địa hiện trường ruộng bị nhiễm nước than khiến gốc rạ có màu đen.

Ông Mẫn đưa phóng viên thực địa hiện trường nơi có nguồn nước nhiễm than từ bãi than của Công ty Đông Bắc chảy về hệ thống kênh mương nội đồng. Theo quan sát của phóng viên, thời điểm chiều 15/5, Đà Nẵng vừa có cơn mưa nặng hạt nên lượng nước từ bãi tràn nằm ngoài hàng rào bãi than công ty Đông Bắc khá lớn, đen kịt, chảy thành dòng ra hệ thống mương, hướng về cánh đồng ở thôn Phước Thuận Phước Hậu. Thời điểm này bãi than  đóng cửa, quan sát từ xa, phóng viên phát hiện bên trong có nhiễu bãi chứa than, trong đó có bãi không được phủ bạt.   


Thời điểm chiều 15/5, tại bãi than công ty than Đông Bắc có than không được che đậy.


Sau mưa, nước tràn nhiễm than từ bãi than Đông Bắc chảy về hệ thống kênh mương nội đồng ở thôn Phước Thuận Phước Hậu.

Theo ông Mẫn, thiệt hại rõ nhất là vụ lúa Đông Xuân 2022. Thời điểm khoảng tháng 3, lúa đã trổ bông, gặp đợt mưa lớn kéo dài, lượng nước than từ bãi than công ty Đông Bắc chảy tràn vào khiến nhiều diện tích lúa ngã màu đen. "Thấy lúa trổ bông nhiễm nước than, tôi có làm đơn gửi UBND thôn, UBND xã Hòa Nhơn phản ánh sự việc. Sau đó, anh Tường là Phó chủ tịch UBND xã có đến hiện trường ghi nhận sự việc. Mãi cho đến khi lúa thu hoạch, bà con phát hiện hạt lúa ngã màu đen, khi xát ra thành gạo cũng có màu nâu sẫm nên không ai dám sử dụng. Và khi sự việc được chia sẻ lên thông tin đại chúng, chính quyền mới vào cuộc giải quyết”, ông Mẫn thông tin.


Ông Lê Mẫn phản ánh với phóng viên về số lúa thu hoạch bị nhiễm than có màu đen.

Trước phản ánh của người dân thôn Phước Thuận Phước Hậu, ngày 15/5, phóng viên liên lạc với cơ quan chức năng xã Hòa Nhơn và huyện Hòa Vang để nắm thông tin. Theo ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, về vụ việc cá chết ở thôn Phước Thuận Phước Hậu, sau khi có thông tin, đích thân lãnh đạo xã có mặt hiện trường để kiểm tra, ghi nhận vụ việc.

Riêng việc lúa nhiễm than, UBND xã phối hợp cùng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hòa Vang làm việc với Công ty Đông Bắc và đã có hướng xử lý. Trước mắt, phía Công ty than Đông Bắc đồng ý hỗ trợ cho bà con có diện tích lúa bị nhiễm than với mức 600.000 đồng/sào. Và hầu hết các  hộ dân bị thiệt hại đã đồng ý phương án hỗ trợ này. UBND xã sẽ theo dõi ở vụ mùa tiếp theo, nếu có hiện tượng nhiễm than thì tiếp tục yêu cầu phía công ty Đông Bắc giải quyết tiếp.

Khi được hỏi, liệu có tái diễn việc thẩm lậu nước than đá ra ruộng sản xuất của dân hay không? Việc xử lý số nước than thẫm lậu ra ruộng của dân như thế nào? Và liệu nguyên nhân cá chết hàng loạt ở gần lò gạch Tuynel có liên quan đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước?  Ông Trương Tấn Mạnh, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hòa Vang cho biết, trước mắt đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết thiệt hại cho bà con nông dân. Bước tiếp theo là huyện sẽ cùng cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra để xác định mức độ ô nhiễm nguồn nước ở ruộng.


Diện tích ruộng nhiễm nước than ở thôn Phước Thuận Phước Hậu sẽ được lấy mẫu đánh giá mức độ ô nhiễm.

Hiện nay, huyện Hòa Vang đang hoàn tất hồ sơ, ra quyết định xử lý hành chính công ty than Đông Bắc về hành vi gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu công ty này phải có giải pháp căn cơ, không để nguồn nước nhiễm than thẩm lậu ra môi trường.


Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

trểt
rẻ
rewrew
fewef

Hà Nội: Yêu cầu khắc phục 30 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Chủ tịch huyện Nhà Bè chỉ đạo di dời cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm

Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.

Hải Dương: Xã Thanh Hải mua thùng đựng rác 1 đằng sử dụng 1 nẻo (Bài 2)

Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Hỗ trợ cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường Hải Phòng bị ảnh hưởng bão số 3

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Sudan: Dịch tả hoành hành khiến 315 trường hợp tử vong

Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.

Quảng Ninh từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân sau bão

Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.