moitruongplus 4 lời khuyên của ThS.BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ giúp bạn có chuyến du lịch an toàn cho sức khỏe.
Mùa du lịch đã bắt đầu, tùy theo sở thích của mỗi người mà lựa chọn các địa điểm du lịch khác nhau như: lên rừng hay xuống biển hay đi miệt vườn sông nước… Mọi người cần chuẩn bị kỹ lưỡng để chuyến đi vui, khỏe, an toàn cho sức khỏe của bản thân và người đồng hành.
1. Ăn ngon nhưng phải an toàn
Du lịch là đến những nơi mới, thưởng thức những món ăn mới, những thực phẩm mới và làm quen với văn hóa ở nơi mới. Mỗi miền đất, mỗi nơi có khẩu vị, cách chế biến món ăn khác nhau, gia vị của món ăn khác nhau. Ví dụ miền Bắc ăn vị mặn, miền Nam ăn vị ngọt, miền Trung vị mặn-cay. Vì vậy, bạn hãy thưởng thức các món ăn và cảm nhận một cách từ từ để cơ thể mình làm quen dần từng bước.
Thực phẩm mới, món ăn mới đôi khi không phù hợp với người tiêu hóa kém, những người kén ăn, những người có bệnh lý nền,… Thực phẩm lạ có thể khiến bạn bị đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Trước khi ăn, bạn nên quan sát và cảm nhận món ăn xem có phù hợp với mình hay không bằng các giác quan, vị giác.
Khi đi du lịch việc ăn chín, uống sôi luôn là sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Nên tránh xa những món dù được giới thiệu là ngon, bổ hay hấp dẫn như các món gỏi, món sống đều là loại thức ăn không an toàn, nó tiềm ẩn nguy cơ nhiễm chứa mầm bệnh cao.
Khi đi biển, nhiều người thích ăn món hải sản, thậm chí ăn ngay trên bờ biển. Cách chế biến hải sản ngay trên bờ biển có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn.
Mặt khác, các món ăn hải sản có giá trị dinh dưỡng cao như: tôm, cua, ghẹ, mực, sò, hầu,…dễ gây dị ứng với người mẫn cảm, cần hạn chế với người bệnh gout.
Không nên ăn uống tùy tiện (trên bờ biển, ven đường) mà nên chọn những nhà hàng hợp vệ sinh, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có nguồn nước sạch, có thiết bị khử trùng, thực phẩm tươi sống, không có ruồi muỗi, có dụng cụ chống bụi, môi trường vệ sinh sạch sẽ. Khi ăn hoa quả chú ý phải rửa sạch, gọt vỏ để tránh bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản.
Cần cẩn thận khi lựa chọn nước uống ngay cả khi nguồn nước máy đã được khử trùng thì dứt khoát vẫn phải uống nước đun sôi. Tốt nhất luôn chuẩn bị những chai nước đóng sẵn trước lúc khởi hành có thể là nước khoáng đóng chai, nước đun sôi, nước chè, nước vối…điều này vừa đảm bảo vệ sinh an toàn, lại cung cấp đủ nước cho cơ thể trong suốt chặng đường đi chống được mệt mỏi.
Chú ý, khi đi du lịch vào mùa hè phải cẩn thận sử dụng nước đá. Không nên ăn kem hay uống nước giải khát ướp lạnh dọc đường bởi càng uống những thứ này càng cảm thấy khát, thậm chí còn hại dạ dày, hơn nữa vệ sinh chưa chắc đã đảm bảo.
Đi du lịch cần ăn uống hợp lý để có sức khỏe. Trong những chuyến đi dài người ta dễ bị mệt mỏi, say xe… Do vậy cần lựa chọn những thực phẩm thích hợp nhất trong hành trình để giảm tình trạng nôn nao, khó chịu.
Không nên ăn quá nhiều, ăn quá no vì không có điều kiện vận động nên thức ăn tiêu hóa chậm, dễ mệt. Những thực phẩm dễ tiêu như trái cây (táo, quýt, cam..) bánh mỳ, bánh quy là những thực phẩm thích hợp cho chúng ta mang theo khi đi chơi xa.
2. Đồ dùng cá nhân khi đi du lịch
Quần áo
Khi đi du lịch, bạn cần tìm hiểu địa lý, khí hậu, thời tiết của từng vùng miền để mang quần áo, vật dụng cá nhân sao cho phù hợp. Bạn nên mang những quần áo loại nhẹ, dễ mặc và mang vừa đủ, cũng nên căn cứ vào thời gian của chuyến đi và thời tiết của nơi đến để mang quần áo hợp lý.
Với những ngày di chuyển nhiều thì nên mặc những quần áo rộng, nhẹ và mát. Khi đi biển thì những bộ quần áo rộng, vải cotton là thích hợp, nếu đi miền núi, thì nên mang quần áo dài để tránh muỗi, vắt, côn trùng.
Mũ du lịch, áo mưa mỏng cũng rất cần thiết mang theo. Những chiếc mũ vành rộng không chỉ thời trang mà còn giúp bạn tránh nắng rất hiệu quả.
Ngoài ra kem chống nắng là một vật dụng hết sức cần, đặc biệt là đối với những bạn nữ, nó sẽ giúp giảm tác hại của những tia cực tím.
Giày dép đế mềm
Khi đi du lịch bạn phải di chuyển thường xuyên và đi bộ khá nhiều. Vì vậy, nếu mang giày cứng hay giày cao gót sẽ là một sai lầm lớn. Giày cứng và giày cao gót sẽ làm cho chân bạn bị phồng rộp.
Nên chuẩn bị giầy vải, giầy thể thao mềm, đế bằng để dễ đi lại, leo trèo. Còn nếu đi biển thì nên chuẩn bị thêm một đôi dép nhẹ để đi dạo trên biển như dép xỏ ngón để tạo cảm giác thoải mái nhất cho đôi chân.
Đồ dùng trong nhà tắm
Hầu hết các nhà nghỉ và khách sạn đều chuẩn bị đầy đủ bàn chải đánh răng, kem đánh răng và khăn tắm, song để đảm bảo vệ sinh và cảm giác thoải mái nhất hãy tự chuẩn bị cho mình những đồ dùng cá nhân dùng trong nhà tắm (khăn mặt, khăn tắm, dao cạo râu, lăn khử mùi..).
Ngoài ra, khi đi du lịch cũng nên mang theo khăn ướt để tiện cho việc lau tay khi di chuyển trên xe hoặc khi ăn uống.
Gel rửa tay khô, bình thường chúng ta không hay chú ý đến nhưng để đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân trong những chuyến du lịch thì cần mang theo. Khi đi trên xe hoặc đến những nơi không có sẵn nước để rửa, gel rửa tay diệt khuẩn là một giải pháp cực kỳ tiện dụng, đảm bảo diệt khuẩn, giảm khả năng ngộ độc thực phẩm, khử mùi cho tay.
3. Túi thuốc men, dụng cụ y tế khi đi du lịch
Đây là điều rất cần trong chuyến đi, những thuốc thông dụng để đề phòng trường hợp bạn bị cảm, rối loạn tiêu hóa hay tai nạn bất ngờ giữa đêm không thể mua được như: thuốc cảm, băng cá nhân, dung dịch nhỏ mắt, tăm bông, oxy già, thuốc trị côn trùng cắn, dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc say tàu xe,…
Đối với những người có bệnh lý mạn tính không lây nhiễm như: tăng huyết áp, đái tháo đường, gout cần chú ý phải chuẩn bị thuốc đầy đủ và nhớ uống đúng liều theo chỉ định, tốt nhất nên mang theo đơn thuốc và cách sử dụng.
Khi cùng đi với gia đình có trẻ nhỏ thì cần chú ý chuẩn bị một số thuốc thông thường dùng cho trẻ như thuốc hạ nhiệt, vài gói Oresol, cặp nhiệt độ …
4. Tìm hiểu trước về địa điểm mình sắp đến lần đầu khi đi du lịch
Trong thời đại công nghệ thông tin, mọi thông tin đều có thể tìm hiểu thông qua internet. Các bạn hãy dành ít phút để đọc những thông tin về nơi mình sắp đến, tìm hiểu những đặc trưng văn hóa, những điểm du lịch đẹp, những món ăn ngon, phương tiện đi lại,...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.