moitruongplus "Sống xanh” được hiểu là cách sống thân thiện, giảm thiểu những tác động có hại đến môi trường, hài hòa với thiên nhiên. Các giải pháp "sống xanh” được tổ chức phong phú, đa dạng theo phong trào để tác động rộng lớn trong cộng đồng.
Đổi rác lấy quà
Đây là mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Thọ (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) thực hiện từ tháng 3/2022, góp phần xây dựng ý thức người dân sống ngày càng xanh - sạch - đẹp. Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Thọ Trần Thảo Sương cho biết, trước đây, thông qua các buổi tuyên truyền, hội viên được mời về UBND xã tham dự và tặng mỗi chị 1 chai nước thủy tinh thay cho chai nhựa.
Về sau do hạn chế kinh phí, đồng thời muốn đổi mới hoạt động để thu hút nhiều người hưởng ứng hơn, Hội LHPN xã chọn mô hình đổi rác lấy quà. Các buổi sinh hoạt tổ luân phiên ở từng ấp, kết hợp mở điểm nhận rác thải cho hội viên đổi vật dụng cần thiết sinh hoạt trong gia đình. Khởi đầu là đổi giỏ nhựa, sau mở rộng phong phú các vật dụng từ giỏ, thau, chậu… đến nhu yếu phẩm, như: Nước tương, dầu ăn, trà, các loại gia vị.
"Thông thường buổi sinh hoạt có từ 20-30 hội viên tham dự. Thấy các chị hội viên đến nghe tuyên truyền và đổi quà mang về, người dân cũng gom đủ loại vật dụng cũ đến đổi, nên số người đổi quà rất đông. Bình quân mỗi buổi sau khi tiếp nhận, chúng tôi phân loại phế liệu (giấy, đồ nhựa) bán được 200.000-300.000 đồng, số tiền này sử dụng làm quỹ sinh hoạt tổ. Kết hợp với hoạt động đổi quà, người dân được hội viên phụ nữ tuyên truyền về cách phân loại, xử lý rác thải đúng cách tại nhà. Qua đó, vận động bà con mang những vật dụng cũ đến đổi thường xuyên, tránh vứt tùy tiện gây ảnh hưởng môi trường” - chị Thảo Sương thông tin.
Gần 2 tháng qua, Hội LHPN thu gom đáng kể các loại rác thải khó phân hủy, như: Chai nhựa, lon bia, ống nước, tập vở qua sử dụng, máy điện tử... Cách thức đổi quy định theo trọng lượng, tương đương với món quà phù hợp do người dân tự chọn. Chị Thảo Sương cho biết, ngoài mô hình này, Hội LHPN xã còn phối hợp các đoàn thể thực hiện nhiều phần việc góp phần bảo vệ môi trường, như: Duy trì việc làm cỏ, vệ sinh các tuyến dân cư, trồng hoa và cây xanh… Phấn khởi nhất là mô hình "Đổi rác lấy quà” của Hội LHPN xã được nhiều nhà hảo tâm ủng hộ, góp kinh phí mua thêm vật dụng cho các đợt đổi quà. Đặc biệt, UBND xã Phú Thọ hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện mô hình trong tháng 4/2022.
Tuần hoàn các vật dụng
Chuyện biến rác thải được xem là những vật dụng bỏ đi, quay lại phục vụ đời sống là một trong những cách làm được thực hiện trong đời sống hàng ngày và nhiều người hưởng ứng. Đơn giản như tận dụng những ly nhựa, chai nhựa, chậu bể để trồng rau, trồng hoa và trang trí một cách sáng tạo.
Chị Ngô Mỹ Hồng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, qua thời gian tham gia hội nhóm trồng cây trên mạng, chị rất thích cách làm này. "Nhà tôi không có đất để trồng trọt, mà tôi mê rau trái tự trồng lắm. Thấy người ta làm thì học theo. Trên hàng rào treo chai nhựa, ly nhỏ… Những vật dụng lớn hơn thì học cách lắp ghép, bỏ đất trồng hoa, vừa sáng tạo, vừa tận dụng được nhiều loại rác khó phân hủy. Tuy số lượng có hạn, nhưng tìm nhiều cách khác nhau để tăng tuần hoàn sử dụng đồ vật là việc rất cần thiết và ý nghĩa” - chị Hồng chia sẻ.
Một cách làm khác được nhiều bạn trẻ hưởng ứng là gia cố đồ mới bằng vải cũ. Theo chị Liêu Kim Ngân (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), không riêng các bạn trẻ, xu hướng "ăn ngon, mặc đẹp” hiện nay khiến mức tiêu thụ mặt hàng thời trang tăng rất mạnh. Dù là hàng hiệu hay giá rẻ thì sau thời gian ngắn, mọi người đã thay đổi để chạy theo các kiểu "mốt” mới. Ai cũng nhìn thấy vấn đề này và tìm cách tăng vòng xoay sử dụng của quần áo bằng cách đem cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Tuy nhiên, có những loại không phù hợp kiểu dáng với nhu cầu ăn mặc của người nhận, bị rách trong khi chất vải còn tốt. Một số người nghĩ ra cách chế ra các loại đồ mới, như: Túi xách, ví, quần áo trẻ em… Ai khéo tay có thể tự làm, hoặc đem đến nhờ thợ may gia công.
"Ý tưởng này đã phát triển thành dự án nhỏ và thực hiện vài năm nay. Hiện tại trong tỉnh chưa có nhà may thực hiện, nên tôi giới thiệu bạn bè kết nối đến những nhà may quen biết ngoài tỉnh. Khi có nhu cầu, người tặng vải chỉ cần gửi đến nơi nhận, trả tiền vận chuyển, còn việc gia công hoàn toàn miễn phí. Tùy theo chất liệu và số lượng vải mà thợ sẽ may thành món mới phù hợp. Nhà may tặng lại cho người sở hữu hoặc tặng người nghèo theo nguyện vọng. Ngoài ra, khi tham gia vào dự án này, các thành viên có thể thu gom cả vải vụn trong may mặc, nhất là ở các tiệm may lớn, để tiếp tục gia cố đồ dùng bằng vải thừa với mục đích tiết kiệm và giảm thiểu chất thải nhựa trong môi trường” - chị Kim Ngân cho biết.
Có thể thấy, "sống xanh” bắt nguồn từ những hành động nhỏ mỗi ngày. Đơn giản là tiết kiệm nguồn nước, tắt thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi nhà, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, kéo dài vòng đời các vật dụng… Mỗi người đều có cách thể hiện nếp sống văn minh qua những hành động nhỏ nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.