moitruongplus Trạm trộn bê tông Đức Thịnh bị phản ánh xây dựng trái phép trên diện tích hàng nghìn m2 đất thuộc hành lang thoát lũ sông Đà, đoạn qua địa phận huyện Thanh Thuỷ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chính quyền sở tại và chủ đầu tư dự án có biểu hiện "né” cung cấp thông tin cho báo chí.

Vừa qua, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được phản ánh về việc Trạm trộn bê tông Đức Thịnh tại khu 5, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ của Công ty TNHH MTV xây dựng và phát triển Đức Thịnh (sau đây viết tắt là Công ty Đức Thịnh) do bà Nguyễn Thị Chính làm Giám đốc, xây dựng phía ngoài đê thuộc hành lang thoát lũ sông Đà khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, gây ô nhiễm môi trường nhưng lại được chính quyền "ưu ái" khi không đưa ra biện pháp ngăn chặn, xử lý.


Trạm trộn bê tông của Công ty Đức Thịnh rộng hàng nghìn m2 nhìn từ trên đê.

Có mặt tại khu 5, xã Thạch Đồng, PV chứng kiến một trạm trộn bê tông "mọc” lên trên diện tích hàng nghìn m2 nằm ngay sát mép sông Đà. Trạm trộn này được chia làm 2 khu vực, một là khu trạm trộn và nhà điều hành, một khu để chứa nguyên vật liệu. Cả khu vực trạm trộn kéo dài mấy trăm mét chạy dọc tuyến đê sông Đà, chiều ngang cũng lên đến mấy chục mét. Công suất của trạm trộn này lên đến 90m3/h với hàng chục công nhân tham gia vận hành, cùng hàng chục xe bồn chở bê tông hoạt động liên tục.

Theo ông V.V.B, một người dân sống gần khu vực này cho biết, từ ngày trạm trộn này hoạt động, người dân phải chịu đựng tiếng ồn lớn, khói bụi gây ra. Trạm nằm phía ngoài đê ngay sát bãi trồng ngô của người dân nên việc trồng trọt bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Không hiểu các cơ quan chức năng căn cứ vào đâu mà để cho một trạm trộn lớn như vậy nằm "chình ình" ngay hành lang thoát lũ như vậy. Tôi được biết, bên quản lý đê điều không đồng tình với việc trạm trộn này xây dựng tại đây.

Còn theo bà H.T.C, hàng ngày lượng xe chở vật liệu, xe bồn chở bê tông tươi ra vào trạm là rất lớn, việc này gây ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, đặc biệt là học sinh đi học. Các xe bồn chở bê tông tươi khi ra khỏi trạm là chạy với vận tốc cao, đe doạ an toàn tuyến đê cũng như cho người dân khi tham gia giao thông.

Về vấn đề vệ sinh môi trường, bà H.T.C tỏ ra lo lắng nói: Tôi không biết Công ty Đức Thịnh có thực hiện việc lắng nước thải trước khi xả ra sông Đà hay không, nhưng việc trạm trộn nằm ngay giáp sông như thế thì chúng tôi cũng rất lo lắng cho việc ô nhiễm môi trường chung của dòng sông.


Trạm trộn nằm ngay sát mép sông Đà, trên hành lang thoát lũ với chiều dài hàng trăm mét.

Quả thực, khi PV trực tiếp vào phía trong trạm trộn thì thấy tình trạng lượng nước thải không được Công ty Đức Thịnh tuân thủ đúng quy trình, khi ngay dưới chân 3 téc trộn bê tông là lượng nước thải lênh láng khắp bề mặt. Các công nhân cũng không hề có biểu dọn dẹp để đưa nước thải vào khu bể chứa có diện tích rất nhỏ.

Để thông tin được khách quan, PV đã liên hệ làm việc trực tiếp với chính quyền xã Thạch Đồng, nhưng Chủ tịch UBND xã không có mặt tại trụ sở. Sau đó, PV đã liên lạc qua điện thoại thì vị chủ tịch này lại "đẩy trách nhiệm" cung cấp thông tin cho phía Công ty Đức Thịnh. Để có thông tin chính xác, khách quan sự việc, PV tiếp tục gọi điện và nhắn tin để đề nghị UBND xã Thạch Đồng cung cấp thông tin nhưng không nhận được phản hồi từ phía người đứng đầu chính quyền xã này.


Nước thải phía trong trạm trộn bê tông lênh láng khắp bề mặt, gây ô nhiễm môi trường.

Về phía Công ty Đức Thịnh, PV đã có buổi làm việc với quản lý trạm trộn. Người này khẳng định, trạm trộn bê tông tại khu 5, xã Thạch Đồng đã được cấp phép đầy đủ, chỉ có phần để vật liệu là đang xin cấp phép vì mới mua lại của người dân. Khi PV đề nghị cung cấp văn bản liên quan, thì người này lấy lý do kế toán đang bị Covid-19 nên không cung cấp được, hẹn mấy hôm sau sẽ cung cấp.  Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã hơn 3 tuần trôi qua phía Công ty Đức Thịnh vẫn im lặng.

Không hiểu vì lý do gì mà cả phía UBND xã Thạch Đồng và Công ty Đức Thịnh lại tìm mọi cách để "né” việc cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của trạm trộn bê tông Đức Thịnh. Nhưng rõ ràng, việc người dân phản ánh  một trạm trộn bê tông được đầu tư hoành tráng trên hành lang thoát lũ, gây ô nhiễm môi trường là hoàn toàn có cơ sở. Chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ và huyện Thanh Thuỷ sớm vào cuộc để làm rõ thông tin và có biện pháp xử lý dứt điểm các sai phạm (nếu có) tại trạm trộn bê tông của Công ty Đức Thịnh.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

trểt
rẻ
rewrew
fewef

Hà Nội: Yêu cầu khắc phục 30 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Chủ tịch huyện Nhà Bè chỉ đạo di dời cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm

Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.

Hải Dương: Xã Thanh Hải mua thùng đựng rác 1 đằng sử dụng 1 nẻo (Bài 2)

Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Hỗ trợ cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường Hải Phòng bị ảnh hưởng bão số 3

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Sudan: Dịch tả hoành hành khiến 315 trường hợp tử vong

Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.

Quảng Ninh từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân sau bão

Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.