moitruongplus Suốt 6 năm nay, ông Nguyễn Thương (SN 1960, trú khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại) vẫn miệt mài đẩy chiếc xe tự chế đi khắp các con đường, bờ biển ở TP Hội An (Quảng Nam) để nhặt rác và ông cũng từ chối nhận lương cho công việc "bao đồng" này...
6 năm tình nguyện nhặt rác không lương
Bất kể nắng mưa, cứ đúng 6 giờ sáng hằng ngày, trong bộ đồ công nhân sờn cũ, chiếc mũ lưỡi trai bạc màu, cùng đôi dép tông giản dị, ông Nguyễn Thương lại lặng lẽ đẩy chiếc xe tự chế đi nhặt rác không lương. Ông làm công việc bao đồng này ngót nghét cũng đã hơn 6 năm nay.
Trò chuyện với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về cơ duyên đến với công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, ông Nguyễn Thương (SN 1960, trú khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại, TP Hội An) cho biết, cách đây 7 năm trước, khi đang làm đầu bếp tại một khách sạn ở Hội An thì ông bất ngờ gục ngã vì căn bệnh tai biến quái ác.
Khi tỉnh lại thì tai của ông đã không còn nghe được, tay chân bị tê liệt. Hơn nửa năm trời lấy bệnh viện là nhà, bác sĩ là người thân, nhưng bệnh tình không tiến triển, gia đình đành ngậm ngùi đưa ông về nhà để chăm sóc.
Suốt 6 năm nay, bất kể nắng mưa, ông Thương vẫn miệt mài đẩy chiếc xe tự chế đi khắp các con đường, bờ biển ở Hội An để nhặt rác không lương.
Hình ảnh đẹp này đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách tại Hội An.
Trong lúc tuyệt vọng nhất, ông Thương bỗng nhớ lại lời dặn của bác sĩ: "Nếu nằm một chỗ, chân tay sẽ bị liệt hoàn toàn”. Quyết không đầu hàng số phận, ông gắng gượng, miệt mài cải thiện sức khỏe. Những ngày đầu, ông tập đứng, tập đi, tập cầm nắm những thứ nhỏ nhất như một đứa trẻ lên 3. Những bước chân cứ tập tễnh một đoạn là lại té, trầy tróc hết cả người. Cắn răng chịu đựng những cơn đau thể xác, ông Thương kiên trì tập luyện và chuyện thần kỳ cũng đến, chỉ sau thời gian ngắn, ông đã đi lại bình thường, tay bắt đầu cầm nắm được trở lại.
Khỏe lại rồi, ông Thương lại trăn trở phải làm việc gì đó để trả ơn cuộc đời. Trong những lần đi tập thể dục, thấy những túi nylon, khẩu trang bị vứt bừa bãi dọc đường nên ông nảy ra ý tưởng vừa đi tập thể dục, vừa nhặt rác để bảo vệ môi trường.
Đôi dép lê, bộ đồ công nhân sờn cũ cùng chiếc mũ lưỡi trai ngả màu thời gian đồng hành cùng "ông già rác" đi khắp Hội An suốt 6 năm qua.
Ông Thương lặn lội khắp các ngõ ngách của Hội An để nhặt rác.
Với ông Thương, nhặt rác là niềm vui, là hạnh phúc của mình để phố phường quê hương ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Thời gian đầu đi nhặt rác, ông Thương không muốn nhiều người biết về sự cống hiến âm thầm của mình. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài ngày, chuyện ông "trốn nhà” đi nhặt rác làm sạch Hội An cuối cùng cũng đến tai người thân. Nhiều người dân và du khách tò mò, ngạc nhiên khi thấy một ông cụ lom khom, đôi chân run run, ngày nào cũng đẩy chiếc xe cũ kỹ lang thang nhặt rác. Có người còn cáu gắt khi bị ông nhắc nhở về việc xả rác; thậm chí họ còn chửi ông "khùng" và khuyên ông nên ở nhà an dưỡng tuổi già.
Nghe hàng xóm dị nghị và lo lắng cho sức khỏe của ông nên vợ cùng 3 cô con gái đã hết lời can ngăn, nhưng ông nhất quyết không chịu. Sau thời gian thuyết phục đủ đường nhưng bất lực, gia đình cũng đành "bó tay" và chiều theo ý của ông.
Nhớ lại khoảng thời gian khi chồng mình bị người ta đồn là bị khùng, nửa đêm mưa gió, lang thang đi nhặt rác, bà Lê Thị Bảy (vợ ông Thương) giọng nghèn nghẹn: "Lúc đó cô tủi thân lắm, cô khóc hoài. Mỗi lần cô đi làm về là có người bảo ông chồng cô ổng khùng, ổng điên, nửa đêm không ngủ, mưa gió mà đi nhặt rác. Cô khuyên mãi mà không được, ông ấy nói tôi đi làm cho khỏe trong người. Kệ họ, điên cũng được, tôi đi làm việc nghĩa cho xã hội chứ có làm cho ai đâu".
"Cty TNHH nhặt rác Nguyễn Thương" là tên gọi ví von của người dân Hội An dành cho người đàn ông nhặt rác mỗi khi được người khác hỏi thăm.
Bỏ hết ngoài tai những lời đồn thổi, dị nghị của hàng xóm và sự phản đối từ người thân, với quyết tâm trả chữ nghĩa cho đời, ông Thương đã kiên nhẫn thuyết phục gia đình đồng ý để mình hoàn thành công việc đã hứa với lòng. Hiểu được tâm nguyện và thấy việc nhặt rác giúp sức khỏe của cha khá lên nên vợ và các con cũng dần chấp nhận. Những định kiến, sự dè bỉu từ mọi người xung quanh cũng dần tan biến.
"Bây giờ ba càng đi nhặt rác thì sức khỏe càng tốt lên, nên gia đình cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Ba đang làm việc giúp ích cho xã hội, tụi em cảm thấy rất tự hào…”, chị Nguyễn Xuân Phương (con gái út ông Thương) bộc bạch.
Sẽ nhặt rác cho đến khi nào không đi được nữa
Không đồ bảo hộ giống như những công nhân môi trường khác, với bộ đồ xanh đã sờn, chiếc mũ lưỡi trai ngả màu thời gian, chiếc xe kut kit vẫn lăn bánh trên mọi con đường cùng chủ nhân của nó.
Ngồi bên đường với chai nước trà trên tay, ông Thương kể: "Trong số rác thải bị vứt bừa bãi bên đường, có cả chai nhựa, lon bia tôi gom lại bán lấy tiền để dành. Rồi tôi nhặt được tiền họ rơi, một chục, hai chục... tôi nhặt dồn lại được 600 nghìn đồng, rồi mua sắt về làm chiếc xe đẩy để nhặt rác cho được nhiều hơn".
Không chỉ đơn thuần là chiếc xe để chở rác, chiếc xe mới của ông Thương còn có thông điệp rõ ràng với hai dòng biểu ngữ "Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh- sạch- đẹp", "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", "Hãy bảo vệ môi trường không sử dụng túi nilon, không vứt túi nilon ra nơi công cộng". Những thông điệp ấy được chính ông Thương nghĩ ra, đó như là những lời kêu gọi, nhắc nhở mọi người cùng chung tay cùng bảo vệ môi trường.
"Mưa dầm thấm lâu", giờ đây hình ảnh một ông lão lom khom nhặt rác, làm đẹp cho phố cổ đã trở nên quen thuộc. Suy nghĩ, cái nhìn của người dân phố cổ về ông Thương đã khác. Mọi người hiểu chuyện nên càng trân quý ông hơn. Đến nay, hầu hết người dân sinh sống tại các tuyến đường mà hằng ngày chiếc xe chở rác của ông Thương lăn bánh qua cũng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, đường phố ngày càng sạch sẽ hơn.
Ông Thương cho biết, bản thân làm việc "bao đồng" này là tự nguyện và từ chối nhận lương vì muốn cống hiến cho Hội An và mong thành phố sẽ sạch đẹp hơn trong mắt du khách.
"Người dân ở đây họ thấy tôi nhặt rác không công mà lại tích cực với có trách nhiệm như rứa, cái họ gọi tôi như rứa thấy cũng vui. Nhiều người biết đến mình, nhiều anh em vệ sinh môi trường thấy mình thì vẫy tay chào, rồi dừng lại cho tui đổ rác, hàng xóm thấy mình thì cũng tự lại bỏ rác vào thùng... Mình làm việc tuy nhỏ mà cũng góp phần làm sạch môi trường thì vui lắm rồi", ông Thương tâm sự.
Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn và dư chấn của căn bệnh tai biến vẫn còn đó, nên hiện một tai của ông Thương bị điếc, tai còn lại chỉ có thể nghe được khi mang máy trợ thính. Nhưng chiếc máy này cũng đã cũ mèm và sụt sùi như chính sức khoẻ của ông vậy. Để duy trì sức khỏe, mỗi tháng gia đình phải chi hơn một triệu đồng tiền thuốc men. Vợ ông là người gồng gánh, lo toan tất cả.
Ấy vậy mà, khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ UBND phường cho việc nhặt rác, ông Thương lại nhất quyết từ chối. Bởi, với ông, đây là việc nghĩa mà ông đã hứa với lòng mình nên sẽ làm cho đến hết cuộc đời, chứ không nhận hỗ trợ của bất cứ ai.
Chiếc xe chở rác của ông Thương được bố trí 2 thùng phân loại rác thải. Đồng thời, ông Thương còn tuyên truyền mọi người cùng bảo vệ môi trường qua chiếc xe tự chế của mình.
Hằng ngày, rác được ông Thương thu gom, phân loại và đưa đến điểm tập kết để bàn giao lại cho công ty môi trường đưa đi xử lý.
"Tôi già rồi, ngồi không ở nhà mãi cũng chán, thấy đường phố, bãi biển nhiều rác bẩn, mất vệ sinh quá nên tiện tay dọn thôi. Nhìn đường phố sạch đẹp là tôi vui rồi chứ không mong đợi được trợ cấp hay khen thưởng chi hết. Còn sức thì tôi còn cống hiến, để Hội An của mình đẹp hơn. Tôi sẽ làm công việc không công này cho đến khi nào đôi chân không đi nổi, tay không nhặt được rác nữa mới thôi", ông Thương trải lòng.
Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết: "Ông Thương từng là người lính đóng quân ở đảo Cù Lao Chàm. Dù bị bệnh nhưng ông Thương luôn nhiệt tình trong công tác bảo vệ môi trường. Xét hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn, địa phương đã đề nghị hỗ trợ kinh phí nhưng ông từ chối. Ông nói việc mình làm là hoàn toàn tự nguyện và muốn cống hiến cho Hội An. Việc làm của ông Thương xứng đáng là tấm gương để mọi người noi theo…".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.