Phúc Hòa, Phúc Thọ, Hà Nội: Xây nhà trên đất nông nghiệp và xâm phạm mồ mả trái quy định!?
Thứ năm, 7/4/2022 | 4:45:40 Chiều
moitruongplusNgười dân thôn 5, 6, 7 "kêu cứu" tới UBND xã Phúc Hòa; UBND huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội về việc hàng trăm ngôi mộ bị xâm hại, khi xã huyện cho thuê thầu đào ao thả cá và xây dựng nhà trên đất nông nghiệp.
Nhà được xây dựng ngay trên khu đất mồ mả (là đất nông nghiệp được giao khoán)
Người dân cho rằng, UBND huyện Phúc Thọ và xã Phúc Hòa giao khoán đất tại khu nghĩa trang cho đơn vị thầu (gia đình ông Nguyễn Văn Khể) đào ao thả cá, xây dựng nhà cửa. Tuy nhiên các bên không thông báo, tổ chức họp dân để có biện pháp di chuyển mộ, khiến hàng trăm ngôi mộ của tổ tiên họ đang bị đe doạ và xâm phạm trái quy định.
Người dân bức xúc trước việc mồ mả tổ tiên đang có nguy cơ bị xâm phạm
Thực tế hiện trường PV ghi nhận, một khu đất rộng hàng chục nghìn m2 có rất nhiều mồ mả của người dân được chôn cất tại đây (trông giống như một nghĩa trang thu nhỏ). Tuy nhiên, tại khu vực tâm linh này, lại đang được xây dựng một ngôi nhà bằng tường gạch, lợp mái kiên cố nằm xen giữa các ngôi mộ tại đó.
Giếng nước được khoan ngay cạnh mộ. Xung quanh máy múc đang đào bới nham nhở, xâm lấn cả vào phần mộ đã có trước đó nhiều năm, để tạo thành lòng hồ sâu hoắm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mộ là rất cao.
Giếng nước được khoan ngay cạnh các ngôi mộ.
Người dân còn chỉ cho PV hình ảnh các quách tiểu, được đơn vị thi công mua sẵn để đó. Nếu chẳng may họ múc vào ngôi mộ nào thì sẽ tự bốc và xử lý.
Quách tiểu được chuẩn bị sẵn trong quá trình thi công
Ông Nguyễn Thế Nghĩa (đại diện gia đình người dân có phần mộ tại đây) bức xúc: "Tháng 11/2021, chúng tôi nghe tin ông Nguyễn Văn Khể trú tại thôn 7, làng Thư Trai, xã Phúc Hòa nhận thầu của UBND xã tại thôn 5 – nơi nghĩa trang có hàng trăm ngôi mộ để đào ao thả cá. Biết tin, chúng tôi hỏi các ông trưởng thôn và ông chủ tịch xã, thì xã nói là không biết. Còn trưởng thôn bảo việc này không được triển khai đến thôn.
Đến tháng 3 năm 2022, ông Khể xây nhà 4 gian, cách mồ mả của chúng tôi khoảng 1 mét và cho máy xúc đào xung quanh mồ mả đã được chôn cất từ 50 năm trở lại đây. Bức xúc, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Khể, thì ông Khể cho rằng: huyện đã giao khoán cho chúng tôi, không ai có quyền xâm phạm vào. Nếu các hộ không chịu chạy mồ mả thì nay mai tôi đào ao, thì các hộ muốn thắp hương thì tự bơi thuyền ra mà thắp.
Chúng tôi bức xúc lại cùng nhau xuống xã đề nghị giải quyết, thì ông chủ tịch nói là việc của huyện, chứ không phải việc của xã. Còn việc chạy mả, xã không có hỗ trợ gì.
Việc này, chúng tôi bức xúc lắm. Đảng và chính quyền các cấp đang ra sức phá dỡ các trường hợp vi phạm đất nông nghiệp. Gần đây xã đã yêu cầu 4 hộ dưới làng Thanh Phần phá dỡ vi phạm trên đất nông nghiệp 50 năm, nhưng đất khu Láng này chỉ được thầu có 5 năm. Vậy tạo sao chính quyền vẫn làm ngơ để hộ nhận thầu xây 1 cái nhà to 4 gian là sao? Có phải chăng chính quyền nghĩ người dân chúng tôi là bù nhìn? Hay có điều gì khuất tất với lãnh đạo xã?”.
Đất tại khu vực có nhiều mồ mả được múc sâu hoắm để làm ao. Nguy cơ sạt lở là rất cao.
Ông Nguyễn Thế Sử - một người dân khác búc xúc: "Dự án do xã hay huyện làm về việc gì, mà cũng không thông báo hay nói gì để cho dân chúng tôi biết cả, khi chúng tôi thấy làm thế này thì chúng tôi lấy lo sợ về mồ mả tâm linh nên chạy, tự đưa các cụ đi nơi khác để chôn cất, chứ không lên loa, hoặc có cái giấy mời nào họp để cho dân biết. Nếu mà có như thế thì chúng tôi thấy thoải mái, vô tư. Nhưng mà giờ các ông ấy cứ làm như thế này, liệu chừng mai nay, những ngôi mồ mả hàng mấy trăm năm nay chúng tôi để đâu. Ruộng nhà ai để vào nhà đấy hay lại để vào đất ở”.
Ông Nguyễn Hoàng Thân ở thôn 5 cho biết thêm: "Thông tin của huyện với của xã cho hợp đồng đấu thầu không được đưa vê thôn để họp dân. Thế là giờ tự nhiên họ san ủi thành ao hồ. Nếu mà ở đời tôi gọi những người dưới ngôi mộ này là các cụ, các kỵ rồi thì không thể để các cụ như thế này được. Bắt buộc phải chạy. Nếu nói về mặt tâm linh thì cuối năm chúng tôi không nói, nhưng đây là đầu năm. Thế nên rất là ức chế. Nếu như là nhà ông Sử này, chỉ ăn với đi chạy mả thì phải cả tháng”.
"Chúng tôi kiến nghị với chính quyền địa phương, dự án này làm gì to nhỏ lớn bé là cho chúng tôi biết. Có kế hoạch gì phải cho chúng tôi biết, chứ mồ mả của chúng tôi ở đây hàng mấy trăm năm mà giờ làm như thế, chúng tôi không yên tâm. Còn về chuyển mồ mả, các ông cũng phải có phương án để chuyển các cụ về đâu để cho hết được” - ông Nguyễn Thế Sử kiến nghị.
Người dân chia sẻ những bức xúc khi mồ mả tổ tiên bị xâm phạm với PV
Để làm rõ những câu hỏi và kiến nghị chính đáng của người dân đến chính quyền xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đến liên hệ công tác tại UBND xã Phúc Hòa và gặp được ông Nguyễn Đình Thủy – Phó Chủ tịch xã.
Qua trao đổi nhanh, ông Thủy cho biết: "Vừa rồi huyện cũng căn cứ theo đấu giá của huyện thì ông này trúng giá. Thì xã hợp đồng cho họ sản xuất trồng cây và đào ao tại khu đó theo quyết định của huyện. Ông ấy làm 1 tuần nay, người dân bức xúc, thế nên đang đình chỉ để xem ông ấy xây dựng kế hoạch cụ thể thế nào thì cho làm.
Cái này là ông ấy trúng thầu của huyện. Trúng cái diện tích đất ấy là hơn 30.000 m2 để trồng cây hằng năm và thả cá. Còn xây dựng thì không được xây dựng”.
PV thắc mắc, khi cho đào ao thả cá thì huyện và xã có quy định về độ sâu? Phương án di dời những ngôi mộ tại đó? Xã có hướng xử lý như thế nào khi tiếp nhận thông tin từ báo chí và người dân trong sự việc này?
Ông Thủy khẳng định là: Có chứ, được đào sâu 1,5m và xã đang cho kiểm tra xử lý. Còn về nội dung cung cấp thông tin báo chí, anh chị cứ liên hệ với đồng chí chủ tịch xã để có lịch làm việc cụ thể.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, môi trường, quy hoạch xây dựng đô thị và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như tôn trọng đạo lý của dân tộc ngàn đời nay với người đã khuất, kính đề nghị UBND xã Phúc Hòa, UBND huyện Phúc Thọ, UBND thành Phố Hà Nội, và các Sở, Ngành liên quan, cần sớm vào cuộc điều tra, làm rõ việc giao 30.000m² đất của chính quyền xã Phúc Hòa và huyện Phúc Thọ, tại khu Láng thôn 5, khi chưa thực hiện phương án di dời mộ.
Đồng thời xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Có như thế mới tạo niềm tin trong dân và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội” do đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký và ban hành.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về kết quả kiểm tra, giải quyết sự việc của các cơ quan chức năng TP. Hà Nội !
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.