moitruongplus Hàng trăm công trình xây dựng không phép ngang nhiên "xẻ thịt” hành lang bảo vệ đê, kèm theo đó là những đoàn xe tải hoạt động ngày đêm đổ trộm rác thải xây dựng xuống lòng sông, khiến khúc sông Cà Lồ đoạn qua P.Tiền Châu, TP.Phúc Yên chỉ còn "thoi thóp”.
Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam liên tiếp nhận nhiều ý kiến của cử tri địa bàn thành phố Phúc Yên phản ánh về tình trạng người dân ngày đêm ngang nhiên đổ trộm đất thải xuống bãi bồi 2 bên bờ, ồ ạt xây dựng hàng loạt công trình không phép khiến lòng sông Cà Lồ bị "bức tử”.
Việc xây dựng và kinh doanh trái phép từ các hộ gia đình khiến nguồn nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí từ sự "bao che” của cán bộ địa phương trong việc xây dựng không phép này dẫn tới nguy cơ sụt lún toàn bộ hành lang bảo vệ đê, mất an toàn trong công tác phòng chống lũ lụt, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến tính mạng của hàng trăm người dân.
Thi nhau "xẻ thịt” hai bờ sông Cà Lồ
Để rộng đường dư luận, PV đã ghi nhận thực tế tại khu vực này. Theo đó, phía dưới lòng sông Cà Lồ, người dân tự ý cho giăng kín các loại lưới để ngăn khúc sông thành từng lồng nuôi thủy sản, phía bờ sông là những chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm mọc lên như nấm. Nhiều chuồng trại làm trên bờ nhưng vươn ra giữa lòng sông.
Điểm tập kết đất thải "khủng” án ngữ ngay đối diện UBND phường Tiền Châu. Hàng ngày, hàng trăm lượt xe tải ben ngang nhiên ra, vào múc đất thải mang đi bán tại nhiều nơi trong địa bàn, khói bụi khiến cả một tổ dân phố phải gồng mình hứng chịu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nước thải từ quá trình nuôi gia súc, gia cầm đổ thẳng xuống lòng sông vốn là nơi cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt của người dân nhiều huyện của tỉnh Vĩnh Phúc và TP Hà Nội.
Đáng nói, tại đây còn mọc lên nhiều công trình xây dựng kiên cố lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, thậm chí một số công trình còn lấn ra tới tận lòng sông. Chỉ một đoạn sông dài khoảng 5km chảy qua địa bàn phường Tiền Châu đã có hàng chục công trình xây dựng trái phép.
Có những ngôi nhà kiên cố xây ngoài đê, dùng cọc bê tông đóng thẳng xuống lòng sông. Thậm chí có cả khu "biệt phủ” rộng hàng ngàn m2 với tường bao kín mít, bên trong là những ngôi nhà kiên cố, vườn cây… và những quán bia hơi được xây dựng trên đất nông nghiệp… nằm hoàn toàn ngoài đê và lấn chiếm 1/3 lòng sông Cà Lồ.
Quán bia hơi "trá hình” đang khẩn trương xây dựng trái phép ngay bãi bồi phía lòng sông Cà Lồ. Chính quyền biết rõ sự việc nhưng dường như lại đang "hậu thuẫn” cho sai phạm
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, kết quả quan trắc cuối năm 2020 cho thấy, chất lượng nước trên lưu vực sông Cà Lồ có 3 thông số vượt quy chuẩn, đó là: Phosphat (PO43-), Nitrit (NO-2), Amoni (NH4+). Trong đó, có 6/9 vị trí có thông số NO-2 vượt quy chuẩn cho phép; 5/9 vị trí có thông số Amoni vượt quy chuẩn cho phép; thông số PO43- vượt quy chuẩn cho phép 3,47 lần tại vị trí NM2 ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên.
Theo quan sát của PV, không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng mà hình hài của dòng sông còn đang bị biến dạng do người dân lấn chiếm xây dựng công trình trái phép, chuồng trại chăn nuôi...
Bà Nguyễn Thị B (người dân tại phường Tiền Châu) bức xúc cho biết: "Gia đình tôi ở đây nhiều đời rồi, cũng có đất ở bãi này nhưng chỉ được phép trồng cây hoa màu thôi. Năm ngoái, gia đình có xin chính quyền để xây tạm một cái lều trông coi mà cũng đã khó lắm rồi. Không hiểu họ là ai, quan hệ thế nào, hay có ai đó "bảo kê” mà có thể xây được "biệt phủ” và quán bia hơi to đùng ở cái bãi bồi này? Nói thật với các chú, cứ tình trạng này chẳng mấy chốc dòng sông nơi đây chỉ còn là cái mương nước”.
"Điểm nóng” vi phạm trật tự xây dựng
Tại buổi làm việc với chính quyền sở tại, ông Nguyễn Đăng Hồng - Chủ tịch UBND phường Tiền Châu thừa nhận có tình trạng vi phạm lấn sông Cà Lồ trong thời gian dài và nhức nhối.
Biệt phủ "khủng” lên tới cả chục ngàn m2 được xây dựng trái phép. Với tường bao kiên cố, hàng loạt các hạng mục xây dựng xa hoa phía bên trong, lấn chiếm ra đến tận 1/3 lòng sông mà không hề bị xử lý
Theo ông Hồng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND thành phố Phúc Yên cũng đã có chỉ đạo chung giải quyết những trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép ven và dưới sông Cà Lồ. Đồng thời, phường Tiền Châu đã lập hồ sơ, lập danh sách đối với các trường hợp vi phạm xác định thời điểm; cán bộ địa chính, trật tự đô thị đang tiến hành rà soát các trường hợp này.
Ông Hồng thừa nhận, phường Tiền Châu là "địa phương điển hình” về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Không cho biết cụ thể có bao nhiêu trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép "bức tử” sông Cà Lồ, nhưng ông Hồng cho biết: Tổng số vi phạm trật tự xây dựng tại phường là vài trăm trường hợp, bao gồm cả vi phạm việc lấn sông Cà Lồ.
Hàng loạt căn nhà đua ra lòng sông, cho cắm thẳng những hàng cột bê tông xuống lòng sông là điều dễ nhận thấy khi đi qua khúc sông Cà Lồ tại phường Tiền Châu, TP Phúc Yên
Nói về biệt thự "siêu khủng” lấn sông Cà Lồ, ông Hồng cho hay: Công trình vi phạm này là của hộ gia đình ông Thọ ở tổ dân phố Tiên Thịnh. Ông Thọ ở phường Trưng Nhị, mua đất nông nghiệp tại đây sử dụng sai mục đích, trong quá trình xây dựng thì lấn chiếm sông từ năm 2019. Hiện phường đã lập hồ sơ, báo cáo UBND TP Phúc Yên xử lý.
Cũng theo ông Hồng, đối với quán bia hơi nhà anh Cường, gia đình anh này đã được cấp GCNQSDĐ nông nghiệp, việc gia đình cho xây dựng, cải tạo từ trại chăn nuôi lợn thành quán bia hơi, chúng tôi cũng đã có hồ sơ rõ ràng về việc vi phạm từ rất lâu rồi và sẽ tiến hành cưỡng chế vi phạm. Còn vừa qua, anh Cường lợi dụng việc nhân sự bên Phường thiếu, giám sát chưa được tốt nên tự ý tổ chức xây tường gạch bao, cùng một số các hạng mục khác.
"Chúng tôi ghi nhận phản ánh của các anh và sẽ chấn chỉnh, yêu cầu phá bỏ ngay lập tức”, ông Hồng nói.
Tiếp thêm câu chuyện về vấn đề đất thải, ông Hồng khẳng định: "Không có chuyện chúng tôi đồng ý để các doanh nghiệp thi công xung quanh đây ngang nhiên đổ đất thải dự án vào khu đấu giá Cửa Đình, khu vực này nằm đối diện với UBND Phường, nó rất nhạy cảm. Tôi biết là họ đang múc ở đó, nhưng người dân chỉ để nhờ rồi lại múc đi ngay chứ không tập kết thành bãi”.
Người dân chặn cả lòng sông, đổ vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông Cà Lồ
Qua trao đổi với lãnh đạo UBND phường Tiền Châu, đối chiếu với thực tế thì những phản ánh trên hoàn toàn có cơ sở, bởi việc xây dựng không phép vẫn còn hiện hữu, vẫn tiếp tục xây dựng. Hàng ngày, số lượng đất thải vẫn ngang nhiên đổ trái phép về tập kết tại khu đấu giá để dễ bề bán cho các hộ dân cần san lấp, chứ không phải cho "người dân mượn tạm” như vị Chủ tịch bao biện.
Có thể nói, những lời ông chủ tịch phường Tiền Châu dường như đang có chút thiên vị cho một số cá nhân vi phạm pháp luật tại địa bàn. Bởi đã vi phạm, là "điểm nóng” cần xử lý thì không thể nói phải đợi, đặc biệt là vấn đề vi phạm xây dựng liên quan đến phần chân đê, cơ đê nơi phải gồng mình chống đỡ những trận lũ lụt xảy ra triền miên hàng năm.
Kính đề nghị UBND TP Phúc Yên, Công an TP Phúc Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, Chi cục quản lý đê điều tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ những vấn đề nhức nhối dư luận tại phường Tiền Châu. Đồng thời, kiểm tra, xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình bao che cho vi phạm (nếu có).
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.