moitruongplus Những ngày qua, hàng cây bàng lá nhỏ xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống tại nút giao Quốc lộ 5 tại Hà Nội lối lên Quốc lộ 1 đi Bắc Ninh - Bắc Giang đang tạo nên khung cảnh mới lạ đẹp tựa "trời Âu”, thu hút sự chú ý của người dân Thủ đô.


Hàng cây bàng lá nhỏ xanh mơn mởn tại nút giao Quốc lộ 5 tại Hà Nội lối lên Quốc lộ 1 đi Bắc Ninh - Bắc Giang. Ảnh: Trương Vị

Những hàng cây đẹp ngỡ ngàng tại Hà Nội tháng Ba

Từ đầu tháng Ba, người dân Hà Nội đã nô nức tìm đến những địa điểm có những hàng cây đẹp để được ngắm nhìn, vui chơi, chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp của mùa xuân Hà Nội. Đó là hàng cây hoa sưa trên khu phố Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh hay Giảng Võ, rồi đường Thanh Niên,... hàng cây hoa ban trên các tuyến đường Bắc Sơn, Hoàng Diệu, Giảng Võ, Thanh Niên,… hàng hoa phong linh vàng ươm ở một số khu đô thị mới của Quận Hà Đông,… hay những hàng cây lộc vừng đỏ rực mùa thay lá…



Hoa ban nở tím nhiều con phố của Hà Nội mỗi dịp đầu xuân. Ảnh: Trần Quang Hưng

Nhìn những hàng cây, người ta cảm nhận rõ rệt bước đi của thời gian, sự chuyển mình của không gian, tạo cho phố phường Hà Nội một nét duyên, vẻ đẹp độc đáo, vô cùng cuốn hút.


Lộc vừng trước cổng trường Đại học Sư phạn Hà Nội mùa thay lá. Ảnh: ST

Những bức ảnh check in cùng những hàng cây đầy sức sống của các bạn trẻ được chia sẻ trên các trang mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng thốt lên rằng, "khung cảnh đẹp tựa châu Âu". Câu nói nhiều cảm xúc đó khiến chúng ta thấy vui nhưng cũng khiến ta thấy "chạnh lòng”. Vui vì quê hương của mình thật đẹp, nhưng "chạnh lòng” vì bị mang ra so sánh với xứ sở "quê người”.

Cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng đối với không gian, cảnh quan đô thị, không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các đô thị khác. Nhân dịp này, Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết "Quy hoạch cây xanh đô thị cần lắm một tầm nhìn văn hoá” của tác giả Nguyễn Minh Phúc đã được đăng trên trang điện tử của Sở Văn hoá thể thao du lịch tỉnh Tiền Giang.

Quy hoạch cây xanh đô thị cần lắm một tầm nhìn văn hoá

Cây xanh có vai trò quan trọng trong kiến trúc và trang trí cảnh quan. Những tính chất của cây xanh như: hình dạng (tán lá, thân cây), màu sắc (lá, hoa, thân cây...) là những yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ, tạo ra sự phong phú về hình khối, màu sắc của công trình kiến trúc cũng như cảnh quan chung, tạo ra sự hài hòa và tăng tính sinh thái trong kiến trúc.

Lịch sử quy hoạch cây xanh đô thị bắt nguồn từ mục đích ban đầu là tạo bóng mát và dẫn hướng đi trong các đô thị cổ, dần dần cây xanh đã trở thành công cụ trong việc quy hoạch môi trường sống của con người.

Hoa sưa nở trắng trên đường Thanh Niên - Hà Nội. Ảnh: ITN

Dưới góc nhìn văn hóa, cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe mà còn là di sản văn hóa góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa và đồng hành với những thăng trầm trong đời sống đô thị, chứng nhân thuyết phục nhất cho bề dày lịch sử văn hóa của một đô thị, làm tăng vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan, phản ánh trình độ văn minh đô thị. Tùy vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, quan điểm, tầm nhìn của nhà quy hoạch mà cây xanh ở mỗi đô thị có những sắc thái và đặc trưng riêng góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần cho mỗi người dân đô thị.

Mỗi cây xanh đô thị không chỉ có vai trò quan trọng tham gia vào quá trình hô hấp và thanh lọc không khí cho con người mà còn là đối tác cùng chia sẻ cuộc sống "vui, buồn" với người dân đô thị. Thiếu cây xanh con người trở thành sinh vật đơn độc, đặc biệt là về tâm hồn giữa guồng máy của môi trường nhân tạo trong đô thị. Những ký ức gắn với hàng cây xanh có thể theo suốt cuộc đời mỗi người, trở thành những ký ức không phai trong tâm khảm, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, vun đắp tình yêu quê hương đất nước của mỗi người, chẳng hạn như những đường cây đặc trưng của Hà Nội đã trở thành giai điệu phố đi vào thơ ca và tâm khảm của "người Tràng An"; Hay nói đến TP Hồ Chí Minh, những con đường cây mà nhắc qua thì ai cũng nhớ như Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch, Nam Kỳ Khởi Nghĩa hay như nhắc đến Hải Phòng là người ta liên tưởng ngay đến biểu tượng "thành phố hoa phượng đỏ" hay đô thị Mỹ Tho xưa với Hàng me Lê Lợi, Công viên Lạc Hồng... đã góp phần khẳng định giá trị của đô thị thông qua tuổi tác của cây.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa – hiện đại hoá đất nước, quá trình đô thị hoá cũng diễn ra nhanh chóng, bộ mặt đô thị nước ta được cải thiện rõ rệt, quy hoạch không gian xanh, cây xanh trong xây dựng và phát triển đô thị đang được chú ý, tuy nhiên vẫn còn yếu và thiếu, đặc biệt là chưa chú trọng nhiều đến yếu tố văn hóa trong quy hoạch cây xanh đô thị. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nhà quy hoạch quản lý đô thị vẫn chưa nhận thức đầy đủ và có những quyết sách phù hợp trong việc quy hoạch trồng cây xanh để góp phần tạo nên bản sắc, cảnh quan văn hóa đô thị. Thậm chí những năm gần đây còn có hiện tượng có nhiều loại cây xanh được đưa vào trồng trên đường phố đô thị chạy theo phong trào, không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, không tạo nên bản sắc riêng cho mỗi đô thị. Từ đó dẫn đến hiện tượng cây trồng xong vài năm lại đốn bỏ, trồng lại mới vừa gây lãng phí tiền bạc, công sức, vừa tạo nên những đô thị lộn xộn, kém mỹ quan "không bản sắc". Bên cạnh đó, do nhận thức của một số ít hộ dân ở đô thị chưa cao, vì lợi ích cá nhân đã có cách ứng xử thiếu văn hóa đối với cây xanh như lấn chiếm lòng lề đường, triệt hạ cây xanh …

Đây là những hạn chế chung trong quy hoạch cây xanh của các đô thị trong cả nước mà các đô thị của tỉnh ta cũng không phải là một ngoại lệ và nếu chúng ta không kịp thời khắc phục thì sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau.

Hoa gạo và hoa Phong Linh tại một khu đô thị mới thuộc Hà Đông - Hà Nội đua nở. Ảnh: ITN

Chính vì lẽ đó, đã đến lúc chúng ta thay đổi tư duy ứng xử có văn hóa với cây xanh đô thị để hướng tới tương lai đô thị bền vững cân bằng giữa tự nhiên và nhân tạo, tạo ra những đô thị có đầy đủ các giá trị, quy hoạch những con phố đậm dấu ấn và đặc trưng riêng. Để rồi từ đó, bồi đắp tính cách và văn hóa con người, bồi lắng một lối sống văn minh gắn bó hài hòa với những hàng cây mang theo linh hồn của đô thị xanh. Đó là những điểm cần thiết trong tư duy hành xử có văn hóa đối với cây xanh đô thị nhằm hướng đến xây dựng một môi trường đô thị xanh sạch đẹp, phát triển hài hòa, bền vững.

Thiết nghĩ để cho việc quy hoạch cây xanh ở các đô thị của tỉnh ta ngày càng thiết thực, hiệu quả, hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên nói chung và môi trường cảnh quan văn hóa nói riêng, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp sau:

Một là, cần đổi mới tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong quy hoạch, phát triển cây xanh đô thị. Phát triển cây xanh cần có tầm nhìn và trình độ, từ việc chọn giống và lên kịch bản cho tương lai, dự trữ không gian phát triển để cây xanh đô thị không chỉ giải quyết các vấn đề môi trường mà còn là một di sản văn hóa, trở thành biểu tượng, góp phần khẳng định bề dày lịch sử của một đô thị, phục vụ phát triển du lịch. Cây xanh cần được vị trí ưu tiên trong những dự án đô thị. Trước khi quy hoạch và thiết kế một đồ án, hãy suy nghĩ đến cây xanh như một tiêu chí không kém phần quan trọng so với đối tượng chính của dự án, tránh lối tư duy bố trí cây xanh vào những phần thừa còn lại của khu đất được đầu tư.

Hai là, đẩy mạnh việc nghiên cứu trồng cây xanh đường phố theo chủ đề, bổ sung cây xanh theo chiều đứng, phát triển không gian xanh thiên nhiên và xanh trong mỗi gia đình… nhằm tạo nên những thảm xanh đô thị vừa tạo cho mỗi con đường, góc phố, đô thị có những đặc tính riêng, bản sắc riêng vừa tăng sức chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu để hướng đô thị đến phát triển hài hòa, bền vững.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát quy hoạch cây xanh đô thị thường xuyên, chặt chẽ để góp phần tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của đô thị; tuyệt đối tránh tình trạng quy hoạch theo cảm tính, phong trào dẫn đến hệ lụy cây trồng xong vài năm lại đốn bỏ, rồi trồng lại mới, vừa gây lãng phí, vừa tạo nên những đô thị "không bản sắc".

Bốn là, tăng cường công tác quản lý cây xanh đô thị trên các mặt trồng, duy trì và bảo vệ cây xanh. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh công cộng cần phải quy định cụ thể về việc cấp phép và thẩm quyền cấp phép; phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước mà trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển công viên, cây xanh đô thị trên địa bàn theo phân cấp của UBND tỉnh.

Năm là, khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ và trồng cây xanh trước mặt nhà, trên các tuyến phố theo quy hoạch và theo quy định về chủng loại cây được phê duyệt; kết hợp lồng ghép với việc thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường trong công nhận các danh hiệu văn hóa của phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hoá.

Cây xanh cùng với các công trình kiến trúc là "hồn cốt" của đô thị, góp phần tạo nên diện mạo, chiều sâu văn hóa của một đô thị, đặc biệt là trước những thách thức của biến đổi khí hậu hiện nay thì vai trò của nó ngày càng trở nên quan trọng hơn. Chính vì vậy, nhận thức và hành động với nó như một di sản văn hóa quý báu của các đô thị ở tỉnh ta là việc cấp bách cần làm ngay, đòi hỏi đặt ra trước hết cho các cấp lãnh đạo, cho các nhà quản lý đô thị, sau đó là đến giới chuyên môn như các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch và cho tất cả mọi người dân ý thức chung tay xây dựng một đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, phát triển bền vững./.

Tham khảo: vhttdl.tiengiang.gov.vn

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

trểt
rẻ
rewrew
fewef

Hà Nội: Yêu cầu khắc phục 30 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Chủ tịch huyện Nhà Bè chỉ đạo di dời cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm

Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.

Hải Dương: Xã Thanh Hải mua thùng đựng rác 1 đằng sử dụng 1 nẻo (Bài 2)

Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Hỗ trợ cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường Hải Phòng bị ảnh hưởng bão số 3

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Sudan: Dịch tả hoành hành khiến 315 trường hợp tử vong

Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.

Quảng Ninh từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân sau bão

Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.