moitruongplus Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các nghĩa sĩ Lam Sơn có giật mình thức giấc khi thấy những hàng cây lâu đời ở những con đường hay công viên mang tên mình bị đốn hạ?

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các nghĩa sĩ Lam Sơn có giật mình thức giấc khi thấy những hàng cây lâu đời ở những con đường hay công viên mang tên mình bị đốn hạ? Và Trịnh Công Sơn liệu sẽ đau buồn thế nào mỗi lần mất đi ngàn cây thắp nến lên hai hàng?

Quả thật, cây xanh trên các đường phố và nơi công cộng là ký ức của nhiều đời người. Song, hơn thế nữa, cứ xem cái cách người xưa và người nay hành xử với cây xanh thì sẽ nhận ra trình độ quản trị và phong cách sinh hoạt của cả cá nhân và cộng đồng.

Văn hóa hòa hợp thiên - địa - nhân

Người xưa cho rằng vạn vật đều có linh khí. Cây xanh tự nhiên hay cây trồng không phải là vật vô tri, vô giác. Mỗi lần Tết đến, xứ Huế lịch lãm có tập tục chủ nhà đeo mảnh vải đỏ cho cây trong vườn. Khi nhà có tang chế thì đeo vải trắng cho cây. Còn ở phố cổ Hà Nội, khá nhiều "cây đa, cây đề” xanh tươi còn đó trầm mặc phía trước hay bên trong các đình chùa miếu mạo. Hóa ra người dân quê ly hương ra phố hơn ngàn năm nay vẫn giữ tâm thức cây đa - bến nước - sân đình.

Bảo vệ cây xanh đô thị: Cần 'áo giáp văn hóa' và 'thanh gươm luật lệ'!
Những cây dầu lâu năm ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang bị đốn hạ. Ảnh chụp trưa 26.11. Ảnh: Chiến Bầu

Ngay như hồ Gươm sẽ chỉ còn là chiếc ao làng trơ trọi nếu thiếu vắng những cây đa, cây si, cây sanh, cây gạo quen thuộc được trồng ven hồ. Những lần mưa bão hay khi phát hiện côn trùng phá hỏng cây xanh hồ Gươm, người dân Hà Nội rất âu lo và lên tiếng tìm biện pháp cứu chữa kịp thời. Xét về triết lý phương Đông, trồng và giữ cây xanh có đủ ba yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Còn về khoa học, có cây xanh chính là giữ cân bằng sinh thái. Trong khi ấy, về tâm linh phải chăng cây xanh cho nhân gian mong ước sống an vui và thư giãn, không "gây gổ” với đất trời?

Tuy nhiên, việc trồng cây và giữ cây ở nước ta bao đời nay còn vì lợi ích nhiều mặt cho nhân sinh. Xem sử xưa, có câu chuyện thú vị - vua Gia Long cách đây 200 năm đã yêu cầu khi làm đường phải kèm việc trồng cây. Đích thân nhà vua truyền lệnh rất cụ thể: hai bên đường chia khoản đổ đất sâu, trồng các cây dễ sống, cho chóng tươi tốt mát đường đi. Vua Gia Long đưa ra "tiêu chuẩn” đường sá tốt là đường để người đi được tiện lợi, còn dân thì không đến nỗi khó nhọc! Nhà vua còn nhắn nhủ một cách nghiêm khắc: Các ngươi là quan địa phương thì phải theo lòng trẫm mà làm, đừng sợ khó, đổ trách nhiệm, do đó mà làm hại cho dân…(1).

Chỉ có chuyện làm đường sá và trồng cây ven đường mà nhà vua phải hướng dẫn từng ly, từng tí. Không rõ bộ máy công vụ ngày xưa và ngày nay trong những việc tương tự có thấu hiểu quan niệm và tâm huyết của người xưa lớn lao như thế nào?

Thưởng người trồng cây và vinh danh cây quý hiếm

Sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ cho biết các vua nhà Nguyễn nhiều lần giao việc trồng cây cho quân đội và cư dân các địa phương (2). Năm 1824, theo lệnh vua Minh Mạng, từ sĩ quan đến binh lính ở kinh thành Huế, mỗi người phải kiếm 5 cây mít đem trồng ở hàng rào các cơ quan và dinh thự. Mỗi cây trồng đều được thưởng tiền. Trước đó, năm 1816, người dân Quảng Nam được huy động đến kinh thành để trồng cây quế, là loại cây quý. Khi xong việc, triều đình đều ân thưởng hậu hỉ.

Bảo vệ cây xanh đô thị: Cần 'áo giáp văn hóa' và 'thanh gươm luật lệ'!
Cần gắn bảng cây di sản cho những cây cổ thụ tiêu biểu. Cây đa xuyên thế kỷ ở công viên đối diện Bảo tàng TP.HCM (Dinh Gia Long) là chứng tích hiếm hoi của Sài Gòn xưa.

Năm 1837, vua Minh Mạng giao cho dân hai huyện Phú Vang, Phú Lộc ở ngoại ô Huế trồng cây dừa, dọc hai bên dòng sông từ cửa biển Thuận An vào đến chân núi Thúy Hoa. Người nào tự kiếm cây để trồng thì được trả công gấp đôi. Năm 1838, triều đình đặt mua ở Bình Định 300 cây đại mông (cây hòe). Nhà vua thấy giá mua của dân còn thấp nên chỉ thị tăng thêm tiền cho người cung cấp. Đồng thời, vua không quên thưởng công cho lính vận chuyển cây đến kinh thành. Năm 1839, triều đình giao cho Thừa Thiên trồng cây tre và cây ăn quả, tất cả đều được trả công cho dân.

Thời nhà Nguyễn, khoảng 20 loại cây quý trong rừng và cây trồng của cả nước được khắc trên cửu đỉnh ở Hoàng thành. Nhà nước rất hãnh diện coi đây là một phần tài sản quốc gia tiêu biểu, trong đó có các loại cây lim, sao, thông, ngô đồng, trầm hương và bông gòn mà ngày nay đã trở thành cây quý hiếm… Rất tiếc, cây bông gòn - vốn là "vật tổ” của hai chữ Sài Gòn hầu như vắng bóng hẳn ở thành phố hiện tại. Giờ đây, người Sài Gòn muốn thưởng ngoạn hình ảnh rừng gòn nở hoa trắng hồng vào mùa hè sẽ phải ra khu vực núi Lớn và núi Nhỏ ở Vũng Tàu!

Hội đồng thành phố định đoạt cây xanh

Người Pháp vào Việt Nam đem đến cách thiết kế đô thị tân tiến. Thảo cầm viên, công viên và đặc biệt là cây xanh trồng dọc các đường phố theo quy hoạch là một phần thiết kế ấy. Ngày nay, nhiều con đường có được những hàng me xanh thắm là kết quả của đợt trồng cây đầu tiên từ năm 1863. Việc quyết định trồng cây gì và kể cả chặt cây đều do Hội đồng Thành phố quyết định (3). Theo sử gia André Baudrit, vào năm 1895, chính các vị dân cử đã cho hạ các cây phượng trên đường Taberd (nay là Nguyễn Du) để thay bằng cây me, vì cây này cho bóng mát tốt hơn. Thêm nữa, Hội đồng Thành phố cho chặt bỏ cây bàng vì rễ loại cây này làm hư vỉa hè…

Cây xanh trở thành vấn đề thảo luận lớn trong một phiên họp của Hội đồng Thành phố Sài Gòn vào tháng 3.1912. Khi ấy, có một đại biểu cho rằng thành phố trồng cây quá nhiều làm không khí thường xuyên ẩm ướt, không đảm bảo vệ sinh, do vậy cần chặt bớt. Thế nhưng, ý kiến trên không được thông qua. Có lẽ nhờ những cuộc bàn cãi công khai như vậy, trong mười thập kỷ sau, cây xanh trên các đường phố Sài Gòn không bị thu hẹp. Riêng các cây "lưu niên” trước Dinh Độc Lập, được trồng vào thập niên 1880, tồn tại như một khu rừng nhỏ độc đáo giữa trung tâm thành phố.

Bảo vệ cây xanh đô thị: Cần 'áo giáp văn hóa' và 'thanh gươm luật lệ'!
Hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM đã bị đốn để làm cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh tư liệu chụp ngày 13.11.2014. Ảnh: Trung Dũng

Trên các tranh vẽ quy hoạch thành phố vào năm 1880 và 1900, người ta trông thấy cây xanh viền hai bên tất cả con đường. Toàn thành phố được thiết kế là thành phố trong vườn - city of gardens, khác với cảnh phố thị ít bóng cây của Hồng Kông hay Singapore đương thời do người Anh quản trị. Trong Du ký Nam Á năm 1925, nhà văn Anh - Horace Bleackley gọi những con phố Sài Gòn là "những đường hầm mát lạnh” (cool tunnel). Cây bút nổi tiếng này còn cho rằng xứ sở sương mù cần học hỏi người Pháp về việc trồng cây trên đường.

Trồng cây đi đôi với "trồng” luật

Không biết ông Lý Quang Diệu có đọc Bleackley hay không khi chủ trương trồng cây xanh rộng khắp Singapore. Trong hồi ký giai đoạn 1965 - 2000(4), ông Lý dành hẳn một chương để nói về việc phủ xanh Singapore bằng hàng triệu cây thân mộc, dừa cọ và cây có tán lá rộng. Ông Lý kể thời gian đầu, nhiều người dân còn thói quen xấu, không giữ gìn cây xanh. Kể cả một bác sĩ cũng ăn cắp cây mới trồng ngoài đường để đem về nhà.

Do vậy, ông chủ trương phát động việc trồng cây đi đôi với giáo dục người dân từ già đến trẻ; bắt đầu từ việc không dẫm đạp lên cây cỏ, hái hoa, trộm cây và khạc nhổ nơi công cộng. Hễ ai vi phạm thì đều bị phạt nặng. Quyết liệt hơn nữa, tất cả các quy định trên được đúc kết và bổ sung thành Luật về Công viên và Cây xanh, ra đời năm 1975.

Theo luật này, toàn xã hội có nghĩa vụ phát triển và bảo vệ cây xanh đường phố, công viên và các khu bảo tồn thiên nhiên. Qua đấy, có các quy định cụ thể về việc quy hoạch, nghiên cứu, trồng dưỡng, duy tu, đốn hạ và thay thế cây trồng. Nếu sai phạm, không chỉ cá nhân mà ngay cơ quan nhà nước và viên chức đều bị phạt. Hiện tại, trên website của Cục Quản lý Công viên và Cây xanh www.nparks.gov.sg, trực thuộc Bộ Phát triển Quốc gia, có hẳn một trang hướng dẫn chi tiết "làm và không làm – do and don’t” về các việc liên quan cây xanh, kèm các link dẫn đến văn bản luật nói trên.

Chính phủ Singapore còn quy định thông tin quy hoạch và bản đồ cây xanh, công viên và các khu bảo tồn phải được đăng trên công báo để người dân tìm biết dễ dàng. Đặc biệt, luật đưa ra khái niệm và mô hình Heritage tree về các loại cây cổ thụ và Heritage road về các con đường có cây trồng lâu năm đã tạo ra cảnh quan tiêu biểu hay đẹp cần bảo vệ nghiêm ngặt. Đến nay, Singapore đã có 260 cây được vinh danh là Heritage tree và 5 con đường lớn được coi là Heritage road.

Đừng để vừa thổi còi, vừa đá bóng

Chậm nhưng chưa trễ, từ tháng 6.2010, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị định 64/CP về cây xanh đô thị. Nghị định này có 25 điều quy định công việc từ quản lý đến phân loại, chăm sóc, bảo vệ, chặt hạ và di chuyển cây xanh. Điều 13 khẳng định: "Cây xanh đô thị phải được giữ gìn, bảo vệ và kiểm tra thường xuyên”. Đồng thời, còn nói rõ: "Mọi tổ chức và cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm…”.

Mặt khác, về việc bảo tồn các loại cây trồng quý hiếm, Chính phủ yêu cầu rất rạch ròi: "Các loại cây được bảo tồn phải thống kê về số lượng, chất lượng, đánh số cây, treo biển tên, lập hồ sơ, đồng thời phải có chế độ chăm sóc đặc biệt và bảo vệ cho từng cây để phục vụ công tác bảo tồn” (điều 17). UBND được phân cấp quản lý phải ban hành danh mục cây cần được bảo tồn trên địa bàn mình.

Bên cạnh những tiếng kêu ký ức hay chất vấn hoài niệm, việc bảo vệ cây xanh và các loại di sản, rất cần có thêm "áo giáp văn hóa” và "thanh gươm luật lệ” để những kẻ dẫu vô tình hay cố ý chặt hạ cây xanh, trục lợi trên môi trường sống phải bị trừng trị thích đáng.

Riêng về việc chặt hạ hay dịch chuyển cây, điều 14 của Nghị định quy định rất chi tiết các loại cây thuộc diện này, hồ sơ xin phép (bao gồm cả mẫu đơn xin phép) và cấp thẩm quyền duyệt xét. Rất đáng lưu ý, đơn đề nghị chặt hạ hay dịch chuyển phải kèm theo sơ đồ và ảnh chụp hiện trạng. Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh, thành và quận, huyện tổ chức quản lý cây xanh và Sở Xây dựng tỉnh, thành là cơ quan tham mưu cho những việc trên. Như vậy, Nghị định 64/CP đã dựng được cái nền pháp lý căn bản cho các cơ quan nhà nước tiến hành quản lý và người dân giám sát việc phát triển và bảo vệ cây xanh đô thị.

Thế nhưng, trong thực tế các địa phương đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc chưa?

Đến thời điểm hiện tại, cây xanh đô thị, nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội đang phải oằn mình gánh chịu nhiều áp lực lớn do tốc độ và quy mô xây dựng bùng nổ. Những năm gần đây các vụ chặt hạ, chuyển dịch cây xanh lâu đời và quý hiếm diễn ra càng nhiều khiến người dân phải lên tiếng.

Gần nhất là vụ chặt cây cổ thụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tại TP.HCM gây xôn xao nhưng cơ quan chặt cây chưa công bố hồ sơ xin phép, lý lịch cây xanh - như Nghị định 64/CP quy định, để giải trình dư luận. Mặt khác, cần xem lại việc Sở Xây dựng TP.HCM là đơn vị cấp phép chặt hạ cây nhưng đơn vị hầu như độc quyền làm việc này là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, một đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng.

Bảo vệ cây xanh đô thị: Cần 'áo giáp văn hóa' và 'thanh gươm luật lệ'!
Cần công khai hồ sơ và giấy phép chặt cây trước khi đốn hạ. Trong ảnh: cây cổ thụ lớn trước cửa trường THPT Trưng Vương trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM bị đốn hạ vào ngày 26.11.2021. Tổ chức Save Heritage đã kiến nghị công khai hồ sơ và lý do chặt cây (ảnh chụp chiều 27.11.2021)

Theo điều 19 của Nghị định 64/CP, Chính phủ không yêu cầu đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh phải là đơn vị nhà nước, ngược lại phải chọn lựa đơn vị dịch vụ "theo hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng thông qua hợp đồng”. Do vậy, theo chúng tôi, cần tách bạch đơn vị cấp phép và đơn vị chặt hạ, dịch chuyển cây. Đồng thời UBND TP.HCM nên cho nhiều đơn vị tham gia đấu thầu công khai việc này. Thêm nữa, chính quyền cần làm ngay việc phân loại các cây lâu năm xứng đáng bảo tồn để có biện pháp chăm sóc và cứu chữa. Các đô thị phải có danh sách cây và khu vực trồng cây thuộc diện bảo tồn, kể cả đánh số, đeo bảng tên và lập bản đồ "danh sách đỏ” cây trồng. Các tài liệu này cùng báo cáo xử lý số cây chặt hạ phải được thông tin rộng rãi cho dân.

Cần nhấn mạnh là tại điều 68 Luật Quy hoạch Đô thị, điều 57 Luật Bảo vệ môi trường cùng điều 4 và điều 6 Luật Quản lý và Bảo vệ tài sản công, đều coi cây xanh đô thị là tài sản công cần được xã hội giám sát. Đã đến lúc Quốc hội cần bàn thảo một đạo luật đầy đủ cho cây xanh đô thị để đáp ứng nhu cầu nâng cấp và bảo vệ môi trường sống, cũng như không gian di sản. Để phòng chống cơn lốc Covid hiện giờ, việc tạo ra môi trường sạch và xanh, trong đó có cây xanh đô thị, càng trở nên khẩn thiết.

Bên cạnh những tiếng kêu ký ức hay chất vấn hoài niệm, việc bảo vệ cây xanh và các loại di sản, rất cần có thêm "áo giáp văn hóa” và "thanh gươm luật lệ” để những kẻ dẫu vô tình hay cố ý chặt hạ cây xanh, trục lợi trên môi trường sống phải bị trừng trị thích đáng.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

trểt
rẻ
rewrew
fewef

Hà Nội: Yêu cầu khắc phục 30 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Chủ tịch huyện Nhà Bè chỉ đạo di dời cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm

Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.

Hải Dương: Xã Thanh Hải mua thùng đựng rác 1 đằng sử dụng 1 nẻo (Bài 2)

Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Hỗ trợ cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường Hải Phòng bị ảnh hưởng bão số 3

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Sudan: Dịch tả hoành hành khiến 315 trường hợp tử vong

Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.

Quảng Ninh từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân sau bão

Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.