moitruongplus Sau hơn 2 năm thi công, công trình đường giao thông Hồng Hóa – Yên Hóa – Quy Đạt, huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình vẫn còn vướng mặt bằng khiến cho dự án này có nguy cơ chậm tiến độ.
Theo đó, dự án đường Hồng Hóa - Yên Hóa - Quy Đạt (giai đoạn I) có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, được UBND tỉnh phê duyệt ngày 9/12/2020, do UBND huyện Minh Hóa làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài tuyến hơn 7km qua địa bàn xã Yên Hóa và thị trấn Quy Đạt, với 2 hạng mục, gồm: Đường có bề rộng nền đường 6,5m, bề rộng mặt đường 5,5m, với kết cấu mặt đường láng nhựa 3 lớp, dày 3,5cm và kết cấu bê tông xi măng M300 dày 18cm; xây dựng mới 2 cầu tại TDP 2 và TDP 9, chiều dài mỗi cầu 77,15m, bề rộng toàn cầu 11,5m.
Công trình này được khởi công vào tháng 2/2022, thời gian thực hiện đến cuối năm 2024. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, công trình mới đạt được hơn 50% khối lượng thi công.
Dự án đường trăm tỷ tại huyện Minh Hóa có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Dự kiến cuối năm nay công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại trên tuyến vẫn còn vướng mắc một số vị trí chưa bàn giao mặt bằng khiến dự án khó triển khai theo đúng kế hoạch.
Theo tìm hiểu được biết, hiện còn 3 hộ thuộc xã Yên Hóa vẫn chưa giải phóng được mặt bằng với tổng chiều dài trên toàn tuyến là hơn 500m. Những hộ dân này không đồng ý giải tỏa mặt bằng do đơn giá bồi thường theo quy định hiện hành của Nhà nước thấp hơn so với giá thị trường. Việc cấp đất, giao đất còn bất cập, chồng lấn, việc quy chủ vẫn chưa phù hợp.
Cụ thể còn 3 hộ dân tại thôn Yên Định, xã Yên Hóa chưa đồng ý bàn giao mặt bằng gồm hộ gia đình ông Đinh Minh Hải, hộ gia đình ông Đinh Bằng Sòng và hộ gia đình ông Đinh Minh Chức.
Ông Đinh Minh Hải trú tại thôn Yên Định, xã Yên Hóa cho biết, từ năm 1987 gia đình ông đã canh tác và trồng cây ổn định lâu dài trên mảnh đất tại đồi cây Cam. Đến năm 2008, ông được UBND huyện Minh Hóa cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 432, tờ bản đồ số 18, diện tích đất 11.466 m2, thời hạn sử dụng đến năm 2051. Từ đó đến nay, gia đình ông canh tác và trồng kèo tràm trên phần diện tích trên mà không xảy ra tranh chấp, kiện tụng gì cả.
Còn 3 hộ dân tại thôn Yên Định, xã Yên Hóa chưa đồng ý bàn giao mặt bằng gồm hộ gia đình ông Đinh Minh Hải, hộ gia đình ông Đinh Bằng Sòng và hộ gia đình ông Đinh Minh Chức
Đến khi có dự án đường đi qua, một phần diện tích đất của gia đình ông Hải nằm trong diện đền bù. Tuy nhiên đến khi nhận tiền hỗ trợ, ông Hải mới phát hiện số tiền đền bù có sự chênh lệch so với diện tích đất và cây cối đã mất.
Cụ thể, năm 2022 UBND xã Yên Hóa, Phòng Tài nguyên Môi trường, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Minh Hóa đã thu hồi đất của gia đinh ông Đinh Minh Hải trên 4.000 m2, trong đó có diện tích cây tràm 5 năm tuổi. Nhưng gia đình ông chỉ nhận được tiền bồi thường với phần diện tích 1.887,2 m2, còn 2.200 m2 lại được đền bù cho người khác. Khi tìm hiểu rõ ngọn ngành, gia đình ông Hải mới vỡ lẽ, bấy lâu nay phần diện tích mà ông đang canh tác lại nằm trên thửa đất của ông Đinh Minh Báo, một hộ dân khác cũng nằm trong xã Yên Hóa.
"Từ phần mép đường chạy qua đất nhà tôi kéo thẳng sang phần giáp gianh phần đất của hộ gia đình kia cũng phải hơn 200 m, nhưng không hiểu sao mảnh đất mà tôi đang trồng cây mấy chục năm nay giờ lại chồng lấn lên đất người ta. Mảnh đất này từ xưa đến nay tôi đã cắm mốc, đào hào và rào xung quanh theo diện tích mà nhà nước đã bàn giao nhưng không hiểu sao tự nhiên lại có sự chồng lấn như vậy”, ông Hải phân trần.
Cũng tương tự như hộ gia đình ông Hải, mảnh đất của gia đình ông Đinh Bằng Sòng (trú tại thôn Yên Định, xã Yên Hóa) nằm ngay gần đó cũng nằm trong diện giải tỏa được xác định hiện trạng đang chồng lấn lên đất của ông Đinh Minh Báo.
Cả hai mảnh đất này đều là đất rừng sản xuất mà hai hộ gia đình ông Hải và ông Sòng đã sử dụng và trồng cây từ rất nhiều năm nay, đến khi có dự án đường đi qua mới phát hiện sự việc chồng lấn dẫn tới tranh chấp.
Ông Đinh Minh Hải chỉ tay về phần đất của gia đình ông Đinh Minh Báo cách đó hơn 200m nhưng không hiểu vì sao lại có sự chồng lấn lên đất của mình đang canh tác hàng chục năm nay.
Ông Đinh Thủy Long – Chủ tịch UBND xã Yên Hóa cho biết, "có sự kiện tụng, tranh chấp đất đai trên phần diện tích đất chồng lấn của 3 hộ gia đình nêu trên. Chính quyền địa phương cũng đang tuyên truyền vận động các hộ dân liên quan để giải quyết vấn đề tranh chấp”.
Cũng theo ông Long, khi giải phóng đền bù thì nắm vào bìa đỏ để tri trả. Phần diện tích đất đang tranh chấp đó trên thực tế là nằm trong sổ đỏ của ông Đinh Minh Báo. 2 hộ gia đình kể trên trồng cây sai vị trí cấp sổ nên mới xảy ra việc tranh chấp như vậy.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô Thị Việt Nam, ông Trương Minh Toản – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Minh Hóa cho biết, "hộ gia đình ông Hải với hộ gia đình ông Sòng đang trồng keo trên đất của hộ gia đình ông Báo nhưng không có xảy ra tranh chấp. Bởi vì thời xưa giao đất nhưng không đúng tọa độ gì cả, đến khi giải phóng đền bù mới phát hiện ra việc chồng lấn. Vấn đề này sắp tới UBND huyện sẽ có phương án xử lý”.
Như vậy, việc các hộ dân có sự kiện tụng, tranh chấp trên phần diện tích đã được Nhà nước giao và sử dụng lâu dài nhiều năm nay dẫn tới việc giải phóng mặt bằng cho dự án trăm tỷ trên địa bàn huyện Minh Hóa còn vướng mắc, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ dự án. Thiết nghĩ việc giao đất cho các hộ dân không đúng tọa độ và vấn đề quy chủ chưa rõ ràng cần được các cơ quan chức năng huyện Minh Hóa nhanh chống có hướng xử lý và giải quyết triệt để.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.