moitruongplus Sau phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam, đến nay cơ quan chức năng huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã có báo kết quả rà soát nội dung chuyển đổi đất đối với bà Lê Thị Phượng, tuy nhiên nội dung báo cáo còn nhiều "vấn đề” cần phải làm rõ
Liên quan đến loạt bài viết phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về những dấu hiệu bất thường trong chuyển đổi hàng nghìn m2 đất nông nghiệp sang đất ở cho một cá nhân tại xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Ngày 29/7, PV được đại diện Văn phòng UBND huyện Kiến Xương phản hồi thông tin và cung cấp hai văn bản sau: Báo cáo số 03/BC-UBND ngày 08/7/2024 của Chủ tịch xã Minh Tân về việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở của bà Lê Thị Phượng; Báo cáo số 01/BC-VP ngày 16/7/2024 của Văn phòng HĐND&UBND huyện Kiến Xương (viết tắt là Báo cáo số 01) về kết quả rà soát nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Mặc dù khu đất trồng lúa đã chuyển đổi thành đất ở từ năm 2019 và 2021, nhưng hiện trạng vẫn là cánh đồng lúa bỏ hoang, chưa thấy dấu hiệu nào thể hiện bà Phượng sử dụng vào nhu cầu đất ở.
Nội dung hai văn bản trên đều xác định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở cho hộ bà Lê Thị Phượng là đúng như phản ánh của Môi trường và Đô thị Việt Nam, cụ thể như sau:
Năm 2019, bà Lê Thị Phượng được UBND huyện Kiến Xương cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất ở tại 2 Quyết định số 1768 và 1769 ngày 14/10/2019 với tổng diện tích là 500m2. Đến năm 2021, bà Lê Thị Phượng tiếp tục được UBND huyện Kiến Xương cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất ở tại 2 Quyết định số 728 và 729 ngày 04/2/2021. Diện tích đất được chuyển đổi là 299,1m2.
Báo cáo số 01 thể hiện như sau: Qua kiểm tra Kế hoạch sử dụng đất năm 2019, huyện Kiến Xương được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất tại Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 25/2/2019, thể hiện Quy hoạch dân cư + chuyển mục đích (không ghi tên thôn) tại xã Minh Tân với diện tích 0,4ha. Trong đó lấy từ đất trồng lúa 0,1ha (1.000m2), đất khác 0,3ha.
Cũng tại Báo cáo số 01 xác định: Qua kiểm tra Kế hoạch sử dụng đất thì tại thời điểm thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của bà Lê Thị Phượng thì Kế hoạch sử dụng đất của huyện Kiến Xương năm 2021 chưa được UBND tỉnh phê duyệt (ngày 01/4/2021 UBND tỉnh mới có quyết định phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất của huyện Kiến Xương).
Vì vậy, căn cứ để ra quyết định cho bà Phượng được chuyển đổi 299,1m2 từ đất trồng lúa sang đất ở được UBND huyện Kiến Xương viện dẫn tại Quyết định số 809/QĐ-UBND ngày 19/3/2020 của UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2020, có danh mục Quy hoạch dân cư địa điểm thực hiện ghi toàn xã với diện tích 0,4ha. Trong đó lấy từ đất trồng lúa 0,1ha (1.000m2), đất khác 0,3ha.
Báo cáo kiểm tra, rà soát sự việc của các cơ quan chức năng huyện Kiến Xương là chưa thuyết phục, do đó dư luận đề nghị tổ chức thanh tra toàn diện quá trình chuyển đổi đất cho hộ bà Lê Thị Phượng.
Ngoài ra, tại Báo cáo số 01 thể hiện kết quả rà soát về Quy hoạch sử dụng đất của huyện Kiến Xương như sau: Năm 2018, huyện Kiến Xương được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 05/11/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch đến năm 2020 huyện Kiến Xương; tại mục Quy hoạch dân cư xen kẹt + chuyển mục đích sử dụng đất ở tại xã Minh Tân ghi năm thực hiện 2019-2020 đất trồng lúa 0,1 ha (1.000 m2); đất khác 1,1ha.
Cững theo Báo cáo số 01, năm 2021, UBND huyện Kiến Xương cho phép bà Lê Thị Phượng được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất ở theo nhu cầu sử dụng đất là 299,1 m2 trong cùng thửa đất 120 là căn cứ vào Quyết định số 2870/QĐ-UBND ngày 05/11/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch đến năm 2020 huyện Kiến Xương nêu trên, vì tại thời điểm này Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 chưa được UBND tỉnh phê duyệt.
Qua nghiên cứu nội dung báo cáo kết quả rà soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho bà Lê Thị Phượng của cơ quan chức năng huyện Kiến Xương, chúng tôi thấy còn nhiều điểm mâu thuẫn, nội dung báo cáo "tiền hậu bất nhất” và cần phải làm rõ một số vấn đề sau:
Mặc dù cùng một nội dung sự việc nhưng cơ quan chức năng huyện Kiến Xương lại áp dụng 2 căn cứ pháp lý khác nhau là Quyết định số 809/QĐ-UBND và Quyết định số 2870/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình, để ra các quyết định cho phép bà Lê Thị Phượng chuyển đổi 299,1m2 đất trồng lúa sang đất ở. Vậy đâu là căn cứ chính xác?
Mặt khác, theo Quyết định số 2870/QĐ-UBND của tỉnh Thái Bình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch đến năm 2020 huyện Kiến Xương, chỉ cho xã Minh Tân chuyển mục đích sử dụng sang đất ở ghi năm thực hiện 2019-2020, đất trồng lúa 0,1 ha (1.000 m2); đất khác 1,1ha. Thế nhưng, chỉ riêng cá nhân bà Lê Thị Phượng được UBND huyện Kiến Xương "ưu ái” đặc biệt khi ban hành đến 04quyết định cho phép bà này được chuyển đổi tới 799,1m2 và chỉ hơn 200m2 còn lại giành cho toàn dân xã Minh Tân. Vậy, việc làm này có hợp tình, hợp lý và đảm bảo công bằng đối với người dân xã Minh Tân có nhu cầu thiết thực về chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở.
Đặc biệt, việc cho phép một cá nhân chuyển đổi gần 1.000m2 đất trồng lúa sang đất ở, thì có vi phạm quy định tại Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 23/8/2018 của tỉnh Thái Bình quy định về hạn mức đất giao không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở tại đô thị không quá 70 m2/hộ; tại nông thôn không quá 150 m2/hộ.
Trước những băn khoăn trên của người dân địa phương, trong các báo cáo của cơ quan chức năng huyện Kiến Xương tuyệt nhiên không nhắc tới và cũng không trả lời minh bạch, chính xác nội dung này trước công luận. Và khi nhiều "vấn đề” còn chưa được làm rõ, thì căn cứ nào để UBND huyện Kiến Xương khẳng định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho bà Lê Thị Phượng là phù hợp với Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện?!
Trong một diễn biến khác, trao đổi với PV, một vị trưởng thôn xã Minh Tân cho hay, đến nay bà Lê Thị Phượng chưa lấy chồng và sinh con, hiện sống độc thân. Đến đây, câu hỏi đặt ra là bà Phượng thật sự có nhu cầu về đất ở nhiều như thế hay không và quá trình thẩm định hồ sơ xin chuyển đổi đất cho bà Phượng các cơ quan chức năng huyện Kiến Xương đánh giá trên cơ sở, tiêu chí nào mà lại dễ dàng phê duyệt hồ sơ của bà này.
Ngoài ra, theo ghi nhận thực tế của PV, hiện trạng khu đất nông nghiệp đã chuyển đổi cho bà Phượng trong năm 2019 và năm 2021 vẫn là khu cánh đồng lúa bỏ hoang, chưa có dấu hiệu nào cho thấy bà Phượng sử dụng vào nhu cầu làm đất ở. Trong khi đó, Luật Đất đai quy định nếu quá 06 tháng sau khi được giao đất mà người sử dụng vẫn chưa sử dụng thì phải bị thu hồi.
Để đảm bảo công bằng cho người dân xã Minh Tân, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan đến dấu hiệu vi phạm khi thực hiện Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất trong các năm 2019 và 2021 trên địa bàn huyện Kiến Xương nói chung và xã Minh Tân nói riêng, chúng tôi kính đề nghị UBND tỉnh Thái Bình, Thanh tra Nhà nước tỉnh Thái Bình cần vào cuộc thanh tra toàn diện quá quy trình chuyển đổi đất cho hộ bà Lê Thị Phượng.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.