moitruongplus Người dân ở hai xã Nghĩa Yên và Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang rất bức xúc về tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, mùi hôi thối, cá chết tại khe Sào. Người nhân nghi ngờ rằng do trang trại lợn xả thải. Tuy nhiên, cần chờ kết quả của cơ quan chức năng.
Mới đây, toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được phản ánh của người dân tại làng Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn về việc trại lợn xả thải nước thải làm chết cả trên suối dân sinh, mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, có địa chỉ tại: Thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, nguồn nước đầu nguồn chảy từ địa phận xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) nơi có trang trại lợn, nước chảy từ đầu nguồn đến khe Sào khu vực giáp ranh với hai xã Nghĩa Yên và Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Nguồn nước có màu đen mùi hôi thối nồng nặc, cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Người dân cho rằng, nguyên nhân do trang trại lợn xả thải.
Ngày 04/7 hàng chục hộ dân xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên đã đến trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá để yêu cầu công ty trả lời.
Dòng nước đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc, xác cá chết nổi lềnh bềnh tại khe suối dân sinh.
Bà P.T.T một người dân sống tại xóm Lâm Sinh, bức xúc nói :" Tình hình ô nhiễm môi trường như thế này tính đến bây giờ là 2 năm 3 tháng rồi, càng ngày cá chết càng nhiều, nước thì như nước bùn, dân ô nhiễm 2 năm nay nhưng huyện với xã cả hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá không giải quyết triệt để được, lâu nay nguồn nước này dùng để tưới cho cây, cuộc sống của người dân nơi đây đều nhìn vào nước ở đây, mà bây giờ ô nhiễm thế này thì cây cũng không tưới được, uống cũng không uống được, những lần tiếp xúc cử tri chúng tôi hầu như lần nào cũng đã phản ánh lên chính quyền về tình trạng này nhưng không có kết quả, chỉ mong bây giờ có phương pháp nào nhanh nhất để trả lại nguồn nước sạch cho nhân dân tưới tiêu hoa màu và cuộc sống của nhân dân không phải lo sợ vì nguồn nước bị ô nhiễm”.
Trao đổi tình trạng trên với PV, ông Hoàng Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết : "Từ khi có trang trại thì mới có tình trạng ô nhiễm như thế này, trước đây nước trong xanh, cá tôm bơi lội, nhân dân dùng nước tưới tiêu cho hoa màu mỗi ngày, lượng nước ở đây lúc nào cũng to, thượng nguồn của Khe Ang chảy về sông Hiếu, nước được dùng để sinh hoạt, nấu ăn, nấu uống, năm ngoái tình trạng này cũng đã xảy ra một lần, Uỷ ban cũng đã nhắc nhở cho công ty xử lý nguồn nước được một thời gian thì bây giờ lại như thế này”.
Tiếp tục trao đổi với PV, ông Đỗ Tất Hùng, Chủ tịch UBND xã Bãi Trành, huyện Như Xuân cho hay: Vào chiều ngày 04/7, nhiều người dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn tập trung đông người phản ánh đến chính quyền địa phương về ô nhiễm môi trường do hoạt động nuôi lợn của trang trại Tâm Việt gây ra, sau khi tiếp nhận thông tin, Uỷ ban xã đã kiểm tra, xác minh và phối hợp với xã Nghĩa Yên để giải quyết. Qua kiểm tra cho thấy, nước Khe Sào có màu nâu cánh dán, chính quyền đã ghi nhận toàn bộ sự việc, tuyên truyền đến người dân để đảm bảo an ninh trật tự địa bàn và báo cáo UBND huyện để có hướng xử lý, giải quyết.
Đoàn kiểm tra đi khảo sát và lấy mẫu nước để xét nghiệm
Chiều 5/7, trao đổi với qua điện thoại với PV, ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng TNMT huyện Như Xuân cho biết: Sau khi có báo cáo của UBND xã Bãi Trành, sáng ngày 05/7, UBND huyện Như Xuân đã đề nghị Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá, thành lập đoàn kiểm tra về Trang trại lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt.
Thành phần tham gia gồm có: Chi cục BVMT thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá; lãnh đạo UBND huyện Như Xuân; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghĩa Đàn; Chủ tịch 2 xã là Bãi Trành và Nghĩa Yên, lãnh đạo công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, 3 hộ dân đại diện cho làng Lâm Sinh xã Nghĩa Yên, cùng các bộ phận cơ quan chức năng liên quan.
Qua ghi nhận thực tế cùng đoàn kiểm tra thì có hiện tượng nước đổi màu và cá chết, còn kết quả chắc chắn thì phải đợi kết quả kiểm tra mẫu nước tại nơi bị ô nhiễm từ Chi cục bảo vệ môi trường để xem mức độ ô nhiễm tới đâu.
Còn ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết: "Hôm nay tôi cùng đoàn liên ngành lên kiểm tra thực tế tại trại lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt tại xã Bãi Trành. Tại hiện trường đoàn cũng ghi nhận có hiện tượng cá chết, mùi nước thì không nồng lắm, nước có màu nâu cánh dán. Hiện tại thì Chi cục môi trường đã lấy mẫu nước để kiểm tra, sau khi có kết quả sẽ thông tin lại sau”.
Theo biên bản kiểm tra ngày 5/7 của đoàn liên ngành 2 huyện Như Xuân(Thanh Hóa) và Nghĩa Đàn(Nghệ An) nêu rõ: Qua kiểm tra thực tế, trang trại đang nuôi 12.000 con lợn (12 chuồng nuôi lợn thịt, 06 chuồng nuôi lợn nái, lợn đực); hệ thống đang vận hành, hoạt động gồm (04 hố thu phân, 02 hầm biogas, 01 trạm xử lý hoá lý kết hợp vi sinh,01 hồ sinh học kết hợp hồ sự cố. Tại hồ này không lót bạt hay xây thành đáy, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ nước thải từ ao sinh học ra môi trường.
Biên bản kiểm tra tại trại lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt tại thôn 10 xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) của liên ngành 2 huyện Như Xuân (Thanh Hóa) và Nghĩa Đàn (Nghệ An)
Thời điểm kiểm tra, không phát hiện trang trại có lắp đặt đường ống hoặc các đường thải khác để xả nước thải hay bơm xả nước thải ra môi trường. Đoàn kiểm tra đã tổ chức lấy 02 mẫu nước thải của trang trại, 04 mẫu nước mặt (02 mẫu nước Khe Sào, 01 mẫu tại suối Tổng Kho, 01 mẫu nước khe từ phía Trang trại thải ra suối Tổng Kho).
Ý kiến của công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt cho rằng: Mặc dù, vấn đề nước thải chuồng trại là có nhưng đến nay đã được xử lý, giảm thiểu triệt để. Qua buổi làm việc, nếu có việc xảy ra tình trạng nước thải ra môi trường có các thông số ô nhiễm vượt QCCP thì Công ty xin chịu trách nhiệm.
Qua buổi kiểm tra làm việc tại trang trại lợn Tâm Việt, Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hoá kiến nghị: Yêu cầu Công ty gia cố bờ ao sinh học cuối cùng hiện đang chứa nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo chống thẩm thấu, chống rò rỉ nước thải ra môi trường, thời gian khắc phục trước ngày 05/08/2024.
Báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND huyện Như Xuân để theo dõi, giám sát; Lắp đặt biển báo, chỉ dẫn điểm xả nước thải từ trang trại ra môi trường; lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng xả nước thải ra môi trường, nước tuần hoàn tưới cây, nước tái sử dụng; lắp công tơ điện riêng cho hệ thống xử lý nước thải; Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu, quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là biện pháp xử lý nước thải theo nội dung Giấy phép môi trường số 163/GP – UBND ngày 22/11/2023 của UBND tỉnh cấp cho Công ty; khẩn trương rà soát, hoàn thành vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải.
Đề nghị UBND huyện Như Xuân: Chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã có liên quan giám sát việc thực hiện các nội dung nêu trên đối với Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường, xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định.
Đề nghị UBND huyện Nghĩa Đàn: Tuyên truyền đến người dân địa bàn về kết quả kiểm tra, giải quyết phản ánh của các cơ quan có liên quan của tỉnh Thanh Hoá; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Như vậy theo biên bản kiểm tra tại trang trại lợn thuộc Công ty cổ phần chăn nuôi Tâm Việt đến thời điểm hiện tại chưa xác định được nguồn nước màu đen, bốc mùi hôi thối, cá chết tại Khe Sào là do trang trại lợn gây ra. Cần đợi kết quả kiểm tra mẫu nước bị ô nhiễm.
Thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành tỉnh Thanh Hóa, Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hoá sớm có kết quả mẫu nước để tìm ra nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm để sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân hai xã Nghĩa Yên và Nghĩa Mai và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường theo quy định./.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.