moitruongplus Hàng nghìn m3 đất thải của dự án mở rộng đường ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) không được sàng lọc, nhưng nhà thầu thi công ngang nhiên tận dụng làm vật liệu san lấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình và những hệ luỵ về môi trường
Thông tin tới Môi trường và Đô thị Việt Nam, người dân phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên phản ánh, quá trình triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng công viên, tuyến đường phụ cận tại phường Ngọc Thụy đang gây ô nhiễm môi trường, chất lượng công trình có nguy cơ không đảm bảo khi đưa vào sử dụng.
Hàng nghìn m3 đất thải từ dự án mở rộng tuyến đường phụ cận 17,5m được tập kết và san lấp tại mặt bằng hai ô đất cũng nằm trong chính dự án này.
Cụ thể, hàng nghìn khối đất thải được múc ở phần mở rộng của tuyến đường phụ cận không qua sàng lọc nhưng đơn vị thi công ngang nhiên vận chuyển đến san lấp mặt bằng 2 ô đất đối diện cũng thuộc dự án này. Đáng nói, những chiếc xe tải vận chuyển chất thải làm bùn đất rơi vãi khắp mặt đường tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, gây ô nhiễm môi trường.
Để làm rõ thông tin, ngày 29/6, PV đã có mặt tại công trình dự án để ghi nhận thực tế, với những hình ảnh ghi nhận được cho thấy nội dung người dân phản ánh là có cơ sở.
Theo tìm hiểu, dự án hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các ô đất A.4/CCK01, A.4/P2 và tuyến đường 17,5m phụ cận tuyến đường 40m phường Ngọc Thụy theo quyết định phê duyệt số 1745/QĐ - UBND quận Long Biên và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên làm đại diện Chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu là liên danh 5 công ty, trong đó Công ty TNHH TM và XD Tân Nhật Linh làm nhà thầu chính và 4 nhà thầu phụ là: Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh BĐS Thiên Trường, Công ty TNHH BM Electric Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và phát triển xây dựng Thăng Long, Công ty CP Xây lắp và thương mại Cường Minh. Giá trúng thầu là 16.049.929.000 tỷ đồng.
Hiện nay, một số hạng mục như phần nền, tường bao công viên trung tâm dự án đã dần hoàn thiện như ốp lát sân chính, bó vỉa hè, các hố trồng cây xanh. Còn phần lớn hạ tầng kỹ thuật của hai ô đất số hiệu A.4/CCK01 và A.4/ P2 vẫn còn dang dở, tại đây đang chất đống hàng nghìn m3 đất thải không qua sàng lọc là đất nạo vét từ tuyến đường 17,5m phụ cận tuyến đường 40m.
Con đường chạy qua dự án đang thi công phủ đầy đất rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông
Với khối lượng chất thải trên, đáng lẽ nhà thầu phải loại bỏ phần trạc thải, rác thải đã ùn ứ từ trước tại hai ô đất này để sử dụng vật liệu đạt chất lượng để san lấp thì họ lại tận dụng cho san gạt tại chỗ, dùng máy múc ủi phẳng, vá víu vào những chỗ bị trũng và sử dụng cả đất thải của dự án mở rộng tuyến đường phụ cận 17,5m không qua sàng lọc để san lấp!?
Cũng theo ghi nhận của PV, con đường chạy qua dự án đang thi công hằn đầy vệt đất, gây ô nhiễm bụi bẩn ảnh hưởng đến người và phương tiện khi lưu thông qua khu vực này.
Ông N.V.H – người dân sống cạnh dự án cho biết, dự án triển khai mấy tháng nay nhưng tôi không thấy họ vận chuyển đất thải đi xử lý theo quy định, mà họ chỉ chuyển từ bên nọ sang bên kia để san lấp. Tôi thắc mắc là đất thải lẫn nhiều gạch, rác thải không đạt chuẩn để san lấp mà họ tận dụng làm vật liệu như thế thì liệu chất lượng công trình sau khi đưa vào sử dụng có đảm bảo chất lượng?
Tất cả đất thải của dự án như gạch vụn, bùn thải, đất lẫn rác,… được nhà thầu thi công tận dụng làm vật liệu san lấp mà không vận chuyển đến điểm đổ thải theo quy định.
Để làm rõ sự việc, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Thắng - Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Long Biên. Về việc tận dụng đất thải dự án để san lấp, ông Thắng cho biết, một phần đất sạch đã qua sàng lọc theo quy định, nếu đủ điều kiện sẽ được tận dụng để san lấp còn phần chứa rác thải, gạch vụn, bê tông, đất không đủ tiêu chuẩn sẽ phải múc bỏ và đưa về bãi thải.
Thế nhưng, trả lời PV về khối lượng chất thải không đủ điều kiện sử dụng để san lấp là bao nhiêu, và điểm đổ thải của dự án ở đâu, thì ông Thắng lúng túng nói để kiểm tra lại!?
Tiếp tục trao đổi về thực trạng mà PV ghi nhận tại công trình dự án, đơn vị thi công không tiến hành sàng lọc đất thải mà ngang nhiên sử dụng làm vật liệu san lấp, ông Đinh Văn Thắng cũng chỉ nói sẽ cho kiểm tra.
Trước những câu hỏi về hoạt động thi công diễn ra hằng ngày tại dự án nhưng vị đại diện Chủ đầu tư lại không thể trả lời kịp thời, chính xác sự việc cho báo chí, điều này khiến dư luận hoài nghi về công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thi công công trình cũng như việc quản lý, xử lý chất thải dự án của Chủ đầu tư là chưa được chặt chẽ.
Trước thực trạng trên, chúng tôi kính đề nghị UBND quận Long Biên, các cơ quan chức năng có liên quan cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thi công, xử lý chất thải dự án./.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.