moitruongplus Người dân huyện Thanh Oai và huyện Thường Tín, TP Hà Nội đang phải sống trong cảnh bất an, ô nhiễm bụi bẩn, mất ATGT từ hoạt động của đoàn xe tải trọng lớn, có dấu hiệu quá khổ, quá tải chở cát đi tiêu thụ, nhưng không được xử lý dứt điểm.

Để có thông tin cụ thể về hoạt động của đoàn xe này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã nhiều ngày có mặt tại khu vực đê Hữu Hồng trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Tại đây xuất hiện nhiều bến bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) là điểm bốc xúc cát lên các xe tải để vận chuyển đến san lấp mặt bằng một dự án trên địa bàn huyện Thường Tín và huyện Thanh Oai. Chỉ trong khoảng thời gian chưa đến 30 phút nhưng đã có hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn "ăn hàng” tại bến tập kết VLXD của hộ ông Thực (thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín). Việc bốc xúc diễn ra rất nhanh chóng, sau đó các xe này lập tức di chuyển để nhường chỗ cho các xe đang xếp hàng phía sau. Quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy tất cả các xe này đều chứa lượng cát vượt quá thành thùng rất nhiều, và chỉ che phủ bạt rất sơ sài.


Hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn đang "ăn hàng” tại khu bến bãi ở thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân

Tiếp đó, PV bám theo chiếc xe tải mang BKS: 29C- 434.96 để ghi nhận lịch trình di chuyển. Chiếc xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải này sau khi dời bãi thì phải di chuyển qua một khu dân cư ngoài đê đã kéo theo lượng bụi dày đặc bám trên mặt đường. Sau khi di chuyển qua đoạn đê Hữu Hồng, chiếc xe này rẽ vào tuyến đường dân sinh qua xã Vân Tảo để về thị trấn Thường Tín, sau đó rẽ phải theo hướng Quốc lộ 1A để di chuyển đến một dự án ở xã Khánh Hà. Do chỉ được che phủ bạt rất sơ sài nên đã làm cho cát vương vãi đầy xuống mặt đường, khiến những đoạn đường mà xe này di chuyển qua bụi bẩn bao phủ không khác gì sương mù, gây ô nhiễm nặng nề.


Chiếc xe tải chở lượng cát cao hơn thành thùng đang ì ạch di chuyển lên đê Hữu Hồng.

Theo quan sát của PV, cả khu dân cư xóm Đầm 2 nhìn như một công trường đang thi công, các tuyến đường toàn một màu vàng của cát và nhiều đoạn biến thành màu đen khi lẫn nước trông vô cùng nhếch nhác phản cảm. Chỉ một đoạn đường làng hơn 100m mà có hàng chục chiếc xe tải trọng lớn quần thảo cùng một thời điểm khiến không khí ở đây trở nên ngột ngạt, người dân phải đóng cửa kín mít, thậm chí không dám đi ra ngoài đường vì sợ "sặc bụi”.

Đặc biệt, khu vực Cầu Vân được cắm biển hạn chế tải trọng cho phép các phương tiện hoạt động là 34 tấn nhưng theo người dân địa phương phản ánh thì những chiếc xe chở cát này phải có tải trọng hơn 40 tấn vẫn ngang nhiên qua cầu. Tuy nhiên, trong suốt quá trình chiếc xe này di chuyển (khoảng 12km), chúng không thấy bất kỳ lực lượng chức năng nào xuất hiện để kiểm tra, khiến người dân vô cùng bức xúc.


Bụi bẩn bay khắp nơi khiến người dân luôn phải ‘cửa đóng then cài’.

Sau khi ghi nhận tại xã Khánh Hà, PV tiếp tục di chuyển theo chiếc xe tải mang BKS: 29K - 073.14 cũng xuất phát từ khu vực bến bãi ngoài đê Hữu Hồng trên địa bàn xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Lịch trình của đoàn xe này vận chuyển cát về san lấp mặt bằng một dự án tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Trong quá trình di chuyển, chiếc xe này và cả đoàn xe lên đến hàng chục chiếc chạy "cắt mặt” cổng trụ sở UBND huyện Thường Tín và Bệnh viện Tâm Thần nhưng cũng tuyệt nhiên không có lực lượng chức năng địa phương hoạt động tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý đoàn xe. Thậm chí khi về đến khu vực đường Cienco, chiếc xe này còn ngang nhiên tháo bạt để di chuyển một đoạn dài hàng km.


Hai chiếc xe tải cùng đoàn xe tránh nhau khiến cho giao thông bị tắc nghẽn, hỗn loạn.

Theo bà H.N.K - một người dân sống gần dự án đường Vành đai 4 tại xã Khánh Hà, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng lớn chở cát vào dự án khiến cho cả đoạn đường trong thôn Liễu Nội không khác gì bãi chiến trường. Chỉ cần nhìn cũng thấy lớp cát vương vãi trên mặt đường dày đặc, trời nắng thì bụi bay khắp thôn khiến cho người dân phải ‘cửa đóng then cài’ suốt ngày vì sợ bụi bay vào nhà. Người lớn có việc gì mới đi ra ngoài, trẻ con thì chúng tôi phải cấm ra ngoài đường để đảm bảo an toàn giao thông.

Còn theo ông M.V.H, một người dân sống ở thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân thì tại khu vực này mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải di chuyển từ các bến bãi giáp sông Hồng để mang cát vào các dự án trên địa bàn huyện Thường Tín và các huyện lân cận. Người dân ở đây khốn khổ với những đoàn xe này, bởi bụi bẩn bay khắp nơi, mặt đường đê thì nguy cơ hỏng là rất lớn. Ngoài ra, nguy hiểm luôn rình rập người tham gia giao thông, nhất là với trẻ nhỏ.


Khi qua cầu Đen, lượng bụi bay lên trắng xóa cả mặt đường và khu vực xung quanh.

Để thông tin được khách quan, sau khi ghi nhận thực tế, PV đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Lê Xuân Thọ - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Thường Tín, và được vị này thông tin: Các xe tải này chở cát từ khu vực bến bãi tại xã Hồng Vân mang đến san lấp tại dự án đường Vành đai 4 là đúng. Việc các xe này chở quá tải thì phía Đội cũng nắm được. Vừa rồi Đội đã kiểm tra, xử phạt 03 chiếc xe trong đoàn này với số tiền 100 triệu đồng. Hiện chúng tôi vẫn giữ 03 chiếc xe này.

Tiếp tục trao đổi với ông Đặng Văn Minh - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông huyện Thường Tín thì được biết, các xe ra đường nếu có vi phạm thì phía Đội sẽ xử lý nghiêm. Còn về những đoàn xe mà PV phản ánh thì phía Đội chưa biết rõ PV muốn nhắc đến đoàn nào nên rất khó trả lời. Còn việc xử phạt xe vi phạm thì phía Đội thường xuyên xử phạt vượt chỉ tiêu.


Có xe còn ngang nhiên bỏ lớp phủ bạt để di chuyển khiến cát rơi vãi khắp mặt đường.

Trước diễn biến nêu trên, có thể khẳng định việc người dân địa phương phản ánh đoàn xe tải trọng lớn hoạt động chở cát đi tiêu thụ trên địa bàn huyện Thường Tín và huyện Thanh Oai có dấu hiệu quá khổ, vi phạm tải trọng cho phép là có cơ sở. Tuy nhiên, không hiểu nguyên nhân nào mà lực lượng chức năng địa phương không thể kiểm soát, xử lý triệt để những tồn tại, vi phạm đối với đoàn xe này. Bởi lẽ, những ngày sau khi chúng tôi phản ánh sự việc đến cơ quan chức năng thì tình trạng này vẫn không thuyên giảm, mức độ hoạt động của đoàn xe với dấu hiệu vi phạm ngày càng gia tăng đã khiến dư luận thêm phần khó hiểu về vai trò, chức năng thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng huyện Thường Tín và huyện Thanh Oai trong sự việc nêu trên.

Để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn 02 huyện Thường Tín và Thanh Oai, chúng tôi kính đề nghị cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội cần vào cuộc để làm rõ những "vấn đề” trong quá trình hoạt động tuần tra, kiểm soát dấu hiệu vi phạm của đoàn xe tải từ lực lượng chức năng địa phương.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

trểt
rẻ
rewrew
fewef

Hà Nội: Yêu cầu khắc phục 30 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Chủ tịch huyện Nhà Bè chỉ đạo di dời cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm

Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.

Hải Dương: Xã Thanh Hải mua thùng đựng rác 1 đằng sử dụng 1 nẻo (Bài 2)

Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Hỗ trợ cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường Hải Phòng bị ảnh hưởng bão số 3

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Sudan: Dịch tả hoành hành khiến 315 trường hợp tử vong

Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.

Quảng Ninh từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân sau bão

Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.