Thanh Oai (Hà Nội): Hàng loạt nhà xưởng hoạt động dấu hiệu không phép, gây ô nhiễm môi trường
Thứ năm, 23/5/2024 | 10:44:48 Sáng
moitruongplusTheo phản ánh của người dân xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội, trên địa bàn đang tồn tại nhiều công trình nhà xưởng xây dựng không phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn phòng chống cháy nổ.
Thông tin tới Môi trường và Đô thị Viêt Nam, người dân các thôn Mỹ, thôn Khúc Thủy, thôn Cầu (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) bức xúc cho biết, thời gian qua trên địa bàn mọc lên hàng loạt công trình nhà xưởng có quy mô hàng nghìn m2 được xây dựng kiên cố. Các công trình nhà xưởng ‘khủng’ này được dựng lên để cho thuê làm kho xưởng sản xuất, kho chứa hàng hóa. Đáng nói, quá trình hoạt động của các nhà xưởng này đã xả thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước và không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Ông H.V.B – một người dân xã Cự Khê cho biết, hầu hết đất ở đây là đất nông nghiệp, đất ao sau đó người ta san lấp đi và dựng nhà xưởng lên. Các xưởng ở đây hầu hết là xả thải ra kênh mương hoặc ra sông. Có xưởng vải còn xả chất thải nguy hại thẳng ra sông Nhuệ, người dân ở đây "thấp cổ bé họng” không biết kêu ai.
Để thông tin được khách quan, chúng tôi đã có mặt tại xã Cự Khê để tìm hiểu thông tin. Theo quan sát, loạt nhà xưởng mới xây dựng đã đi vào hoạt động nằm ngay gần trụ sở UBND xã Cự Khê. Mặc dù đây không phải là khu công nghiệp, nhưng hàng chục nhà xưởng quy mô lớn, nằm xen kẽ trong khu dân cư trông giống như một cụm công nghiệp nhỏ. Trong đó, có cả những dãy nhà xưởng sát khu vực trồng lúa, hoa màu của người dân địa phương.
Dù không phải khu công nghiệp nhưng loạt nhà xưởng xã Cự Khê mọc lên và hoạt động như một cụm công nghiệp nhỏ
Theo tìm hiểu của PV, để thuê được kho xưởng tại đây thì giá cũng không hề rẻ. Trong vai người có nhu cầu đi thuê xưởng để làm cơ sở sản xuất, một người dân có xưởng ở đây cho biết: "Ở đây cho thuê với giá là 60.000 đồng/m2. Nhà xưởng này rộng 700m2. Tiền thuê đó đã bao gồm làm luật rồi. Trước đó anh đã làm luật hơn 1 tỏi rồi”.
Cần kiểm tra làm rõ nghi vấn tiêu cực liên quan đến vi phạm về đất đai, xây dựng và môi trường tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai
Khi được hỏi về công tác phòng cháy chữa cháy thì một người dân khác nói: "Chỉ cần làm luật lần đầu thôi, sau đó bên xã, bên công an có tổ chức sự kiện gì thì ủng hộ 3 đến 5 triệu đóng góp vào đó là được”.
Người này nói thêm: "Nếu không thuê nhanh thì cũng chẳng còn xưởng để mà thuê đâu, vì đã có rất nhiều người hỏi rồi”.
Hầu hết các xưởng ở đây đều là xưởng sản xuất nguyên liệu dễ gây cháy nổ như xưởng gỗ, xưởng đồ nhựa, xưởng cơ khí…. Nhưng biện pháp về phòng cháy, chữa cháy tại đây không được quan tâm, đầu tư.
Theo quan sát, hầu hết những xưởng ở đây là xưởng cơ khí, xưởng nhựa, xưởng gỗ, xưởng vải… đều không có phòng cháy chữa cháy. Mặc dù, giá trị tài sản trong các kho, xưởng là không hề nhỏ. Thiết nghĩ, trong trường hợp không may xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Đi sâu vào một số ngõ nhỏ, chiều rộng mặt đường chỉ hơn 2m như dọc con ngõ có tên đường miền Tây, nhà xưởng liền kề nhau không có khe hở, công nhân tấp nập sản xuất. Nhận thấy, với diện tích ngõ nhỏ như vậy thì 1 chiếc xe ô tô con đi vào còn khó, chứ không nói đến việc các xe chữa cháy có thể di chuyển vào trong, thì công tác chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn sẽ vô cùng khó khăn.
Không những vậy, nằm bên cạnh con sông Nhuệ, các nhà xưởng ở đây còn ngang nhiên xả thải trực tiếp ra sông khiến nguồn nước sông trở nên đen ngòm, ô nhiễm và độc hại.
Các xưởng ngang nhiên xả thải trực tiếp ra sông khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Để làm rõ công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng và môi trường trên địa bàn, PV đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND xã Cự Khê nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tiếp đến, PV cũng đặt lịch làm việc với UBND huyện Thanh Oai và thông tin cho biết Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai đã giao cho ông Vũ Xuân Lộc – Đội trưởng Đội quản lý TTXD huyện Thanh Oai làm việc và thông tin với PV. Tuy nhiên, qua trao đổi thì vị này lại nói: "Tôi không được giao việc này và cũng chưa nắm được việc này”!?
Trước dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà xưởng không phép không chỉ ảnh hưởng, phá vỡ tổng thể quy hoạch của cả xã Cự Khê nói riêng và cả khu vực huyện Thanh Oai nói chung, mà còn để lại nhiều hệ lụy trong công tác quản lý đất đai, môi trường trên địa bàn. Ngoài ra, các nhà xưởng, kho xây dựng trái phép không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân.
Có thể thấy, tại xã Cự Khê, thực trạng xây dựng có dấu hiệu vi phạm và ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng như vậy đã tồn tại trong suốt một thời gian dài, nhưng lãnh đạo địa phương chưa có phương án xử lý mà để vi phạm này nối tiếp vi phạm khác… Đáng nói, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, báo chí thì chính quyền các cấp huyện Thanh Oai lại tìm cách "né” báo chí ?!
Đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai và các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các công trình nhà xưởng nêu trên để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra trên địa bàn. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra những tồn tại vi phạm nêu trên (nếu có).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.