moitruongplus Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại thôn 9, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội đang bị biến thành điểm đổ trộm hàng vạn khối đất thải, vật liệu thải xây dựng. Mặc dù chính quyền địa phương nắm rõ sự việc, nhưng lại chậm trễ trong việc xử lý, khắc phục hậu quả
Toàn cảnh khu đất nông nghiệp đang ngày đêm bị các đối tượng ồ ạt cho san gạt, đổ chất thải, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, hủy hoại tài nguyên đất canh tác.
Thông tin đến toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam, người dân ở thôn 9 xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) bức xúc cho biết, thời gian qua, một số đối tượng ngang nhiên vận chuyển phế thải, rác thải, vật liệu xây dựng đến đổ trộm trên một mặt bằng rất lớn là đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, huỷ hoại đất canh tác của người dân.
Khu vực bị đổ trộm phế thải là một mảnh đất nông nghiệp thuộc địa bàn thôn 9, có vị trí đắc địa với 2 mặt tiền đều tiếp giáp với những trục đường chính, với lưu lượng phương tiện tham gia đông đúc, gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan môi trường.
Đủ các loại chất thải được tập kết trên mặt bằng đất nông nghiệp ở thôn 9 xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm
Nhằm làm rõ những bức xúc của người dân, PV đã mục sở thị tại vị trí được cho là điểm đổ trộm chất thải này, quả thực những nội dung người dân phản ánh hoàn toàn có cơ sở.
Cụ thể, hiện trạng khu vực san lấp có diện tích lên tới hàng ngàn m2, với hàng vạn m3 chất thải được đổ thải tại đây bao gồm: đất thải pha lẫn tạp chất, bùn thải đen kịt và lượng lớn chất thải xây dựng như bê tông, gạch vỡ lẫn bạt nhựa được đổ tràn lan, tiếp đó là hàng trăm bao tải lớn nhỏ chứa chất thải được bọc kín vứt lăn lóc khắp nơi.
Ngoài ra, có cả rác thải sinh hoạt cũng bị các đối tượng đổ trộm ồ ạt đổ về nơi đây... Đứng từ xa đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc phát tán từ các loại chất thải trên. Điều này khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, khả năng khắc phục đất canh tác về tương lai sẽ rất khó khăn.
Tiếp tục quan sát, PV nhận thấy mảnh đất nông nghiệp có vị trí vô cùng đắc địa, bởi 2 mặt tiền đều tiếp giáp với các trục đường chính là đường Giáp Hải và đường Lý Thánh Tông, nơi hàng ngày có rất đông người dân qua lại. Cách đó không xa là trụ sở của Công an, UBND xã Đa Tốn, nhưng lạ lùng thay khi các đối tượng này vẫn ngang nhiên coi thường pháp luật, ồ ạt cho các phương tiện vận chuyển đến đổ trộm chất thải về đây trong một thời gian dài mà không hề bị kiểm tra, xử lý hoặc có biện pháp ngăn chặn kịp thời?!
Dù là đất nông nghiệp nhưng tại đây đang tồn tại một căn nhà gắn biển bảng quảng cáo làm về nghề mỹ nghệ đá và một số lăng mộ xếp xung quanh.
Bà N.T.V - một người dân sinh sống tại địa bàn cho biết, khu vực này vốn là đất nông nghiệp, tuy nhiên, không rõ vì sao nhiều tuần qua có một số đối tượng chở hàng trăm xe phế thải, vật liệu xây dựng ngang nhiên đổ tại đây cả ngày lẫn đêm, người dân sống xung quanh vô cùng bức xúc. Điều đáng nói, hoạt động đổ trộm chất thải tại đây diễn ra công khai giữa ban ngày, nếu chính quyền không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì chỉ một thời gian ngắn nữa khu đất nông nghiệp này sẽ bị biến dạng, mất khả năng canh tác và rất khó phục hồi.
Cũng theo bà V, người dân chúng tôi cũng nhiều lần gọi điện vào đường dây nóng của UBND xã Đa Tốn để phản ánh thực trạng này nhưng sự việc vẫn không được xử lý, gây bức xúc dư luận tại địa phương.
Khu đất đắc địa với hai mặt tiền giáp đường lớn, khiến người dân không khỏi hoài nghi về mục đích của việc san lấp này để biến tướng mục đích sử dụng đất
Để có thông tin khách quan sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ qua điện thoại với ông Đinh Văn Giảng - Chủ tịch UBND xã Đa Tốn để tìm hiểu về việc kiểm tra, biện pháp khắc phục hậu quả. Qua điện thoại, ông Giảng khẳng định, khu đất đó là đất nông nghiệp và không phải điểm đổ thải, còn cụ thể thế nào sẽ cho kiểm tra lại!?
Tiếp đến, PV cũng đã phản ánh sự việc đến đồng chí Trưởng công an xã Đa Tốn thì vị này nói sẽ cho kiểm tra.
Theo tìm, tình trạng đổ rác thải, phế thải xây dựng không đúng nơi quy định trên địa bàn huyện Gia Lâm diễn ra thường xuyên, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân. Vì lẽ đó, ngày 04/3/2020, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành văn bản chỉ đạo số 458/UBND-QLĐT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác vận chuyển rác thải, phế thải xây dựng của dự án Khu đô thị Gia Lâm.
Qua sự việc trên, kính đề nghị chính quyền huyện Gia Lâm cần nhanh chóng kiểm tra, rà soát và sớm có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên, đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn vệ sinh môi trường cho người dân sống trên địa bàn. Đồng thời, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý khi để sự việc trên xảy ra (nếu có).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.