moitruongplus Quá trình quản lý, xử lý chất thải tại Dự án xây dựng trường THCS thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) đang tồn tại nhiều bất cập, gây ảnh hưởng rất xấu đến môi trường.
Theo tìm hiểu, Dự án xây dựng Trường THCS thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh (sau đây viết tắt là dự án) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Chẽ làm Chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 78.386.036.000 đồng. Đơn vị thi công là Liên danh nhà thầu gồm: Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Mai Hưng, Công ty TNHH MTV Hoàng Minh Phát Quảng Ninh, Công ty TNHH MTV hóa chất - trừ mối Quảng Ninh, Công ty Cổ phần xây dựng điện Quảng Ninh (sau đây gọi tắt là Liên danh nhà thầu). Trong đó, Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Mai Hưng (có địa chỉ tại SN 164, tổ 8, Khu 3, phường Yết kiêu, TP Hạ Long) do ông Đỗ Văn Vụ là người đại diện pháp luật làm Liên danh chính.
Công nhân thi công ở độ cao hàng chục mét nhưng không có bất kỳ đồ bảo hộ hay trang thiết bị bảo vệ nào, khiến nguy cơ mất an toàn lao động là rất lớn.
Có mặt tại dự án, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận ngay ở lối cổng ra vào trường THCS thị trấn Ba Chẽ có rất nhiều bùn đất bị kéo ra đường tạo thành vệt dài hàng trăm mét, khiến mặt đường bị trơn trượt gây nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Cũng theo ghi nhận, hàng trăm khối bùn đất thải của dự án được tập kết cao như núi nằm ngay sát khu dân cư, nhưng không hề có biện pháp che chắn nên vào những hôm trời nắng gió cuốn bụi bẩn bay thẳng vào khu dân cư, trời mưa thì nước kéo bùn đất ra lòng đường gây nhếch nhác, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Thế nhưng sự việc kéo dài trong nhiều tháng qua mà không thấy chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát dự án nhắc nhở đơn vị thi công khắc phục tình trạng này, gây bức xúc trong nhân dân.
Ngay vỉa hè của dự án cũng có rất nhiều lượng gạch, đá, bê tông dư thừa để bừa bộn gây khó khăn cho việc thi công và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây nguy hiểm các cháu học sinh khi di chuyển qua khu vực này. Ngoài ra, khu vực thi công dự án cũng không được nhà thầu đặt biển cảnh báo, chăng dây an toàn theo quy định.
‘Núi’ bùn đất thải của dự án được tập kết ngay sát khu dân cư nhưng không hề được che chắn, gây ảnh hưởng rất xấu đến môi trường và cảnh quan đô thị.
Phía bên trong dự án, vật liệu xây dựng để rất bừa bộn làm cho việc thi công gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, quá trình tham gia thi công, hàng chục công nhân không được trang bị đồ bảo hộ lao động gây mất an toàn rất lớn. Ngay cả những công nhân khi tham gia thi công ở phần mái tầng 3 có độ cao hàng chục mét cũng không có đồ bảo hộ hay thiết bị bảo hộ nào hỗ trợ.
Theo ông L.G.K, người dân sống ngay cạnh dự án cho biết, từ khi thi công dư án này, các tuyến đường cạnh dự án bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các hộ dân sống cạnh điểm tập kết chất thải là bùn đất của dự án thì suốt ngày hứng bụi bẩn bay vào nhà, chúng tôi cũng có nhắc nhở đơn vị thi công có biện pháp che chắn ‘núi’ chất thải này nhưng họ bỏ ngoài tai hết.
Để tìm hiểu về công tác quản lý, giám sát hoạt động xử lý chất thải của dự án, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên với ông Trần Trọng Tường - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Ba Chẽ. Tuy nhiên, qua điện thoại ông Tường bất ngờ tỏ thái độ và thể hiện văn hoá ứng xử rất không đúng mực, buông ra nhiều lời nói khiếm nhã với PV (do lời lẽ của ông Tường không lịch sự nên chúng tôi không tiện nêu ra ở đây). Trước thái độ của cán bộ là lãnh đạo, Đảng viên Trần Trọng Tường, PV đã phản ánh nội dung sự việc này đến ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ để nhắc nhở, chấn chỉnh thái độ và văn hoá ứng xử của cán bộ, lãnh đạo do UBND huyện Ba Chẽ quản lý.
Tuyến đường cạnh dự án trở nên nhếch nhác, trơn trượt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường.
Trở lại nội dung điểm đổ thải của dự án gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, PV đã có cuộc trao đổi với bà Lan Thị Thu - Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chẽ, và được vị này thông tin: Việc đổ lượng đất dư thừa của dự án vào khu vực khuôn viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ là đổ tạm để sau này dùng vào san lấp cho khu vực ao ở đằng sau dự án.
Về thủ tục pháp lý đã được chính quyền chấp thuận điểm đổ thải tạm này hay không, bà Lan nói chưa nắm được đồng thời đề nghị PV trao đổi với Chủ đầu tư dự án.
Để đảm bảo việc quản lý, xử lý chất thải tại dự án trên đúng quy định, tránh gây hệ luỵ xấu đến môi trường, chúng tôi kính đề nghị UBND huyện Ba Chẽ cần chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tiến hành kiểm tra, xử lý dứt điểm những tồn tại, vi phạm trong quá trình thi công dự án (nếu có)./
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.