moitruongplus Dù không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, vậy nhưng một công trình khung sắt rộng gần 1000 m2 vẫn đang gấp rút hoàn thành trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường Yên Hòa, Cầu Giấy.
Công trình không phép, không phương án bảo vệ môi trường đang được gấp rút hoàn thiện trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường Yên Hòa, Cầu Giấy.
Mới đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã nhận được phản ánh việc xây dựng công trình không phép tại khu đất công, trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa- Thể thao phường Yên Hòa, Cầu Giấy. Hà Nội. Theo người dân, nếu việc xây dựng công trình không được các cấp có thẩm quyền chấp thuận và phê duyệt sẽ gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường đô thị trong quá trình hoạt động.
Để ghi nhận và làm rõ sự việc, chiều 27/12/2023, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội (Địa chỉ số 228 phố Trung Kính).
Đi từ cổng vào, PV ghi nhận một khu đất rộng đang được các tốp thợ san nền bằng gạch vỡ, hàn khung sắt thép có mái để lợp.
Một người thợ tại đây cho biết, ở đây đang làm nhà lợp tôn để làm sân cầu lông. Tổng sẽ có 7 sân trên diện tích gần một ngàn mét vuông.
Máy ủi dùng gạch vỡ để san nền cho công trình không phép.
Để giải đáp câu hỏi công trình xây dựng này được chấp thuận như thế nào? Mục đích sử dụng ra sao? Đặc biệt là việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy... khi thi công và đưa vào sử dụng, chiều cùng ngày 27/12/2023, PV đã liên hệ và có ít phút trao đổi thông tin với ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch UBND phường Yên Hòa.
Thật bất ngờ, qua trao đổi, ông Hưng cho biết, công trình xây dựng này không được UBND quận Cầu Giấy phê duyệt và cấp phép vì đây là nhà tạm.
Hình ảnh phối cảnh công trình không phép sau khi xây dựng xong mà PV được ông Hưng cung cấp.
Sau đó, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Nguyễn Duy Hưng đã diễn giải các lý do: Nhà văn hóa của anh xây dựng cách đây mấy chục năm rồi. Yên Hòa là một phường rất nhiều tổ dân phố, nhiều chi bộ và lại cả thủ đô của trường học luôn. Mỗi lúc họp tại trụ sở chỉ được hơn trăm người thôi.
Nhà văn hóa đáng nhẽ đưa vào cái cải tạo sửa chữa rồi xây mới. Nó từ thời xã Yên Hòa từ khi chưa thành lập quận. Bây giờ chỗ họp thì không có. Mỗi lần họp nghị quyết thì phải chia làm 2, 3 lần... Vừa rồi Quận trả lời bọn anh là cái đầu tư công của 2021 – 2026 không bố trí được vốn. Bởi vì xây cái đấy rất là nhiều tiền. Quận nói là mình đang tập trung vào xây dựng các trường học. Không bố trí được vốn xây cho phường Yên Hòa cái nhà văn hóa để lấy chỗ hội họp.
Thế thì lãnh đạo UBND phường cũng xin ý kiến cho xây dựng một cái nhà tạm để có gì họp lớn, mà tới đây 2025 phục vụ cái bầu cử là lớn nhất... từ cấp bách đó anh có ý kiến xin cho xây dựng một cái nhà tạm bằng khung thép và bắn tôn. Đến 2026 – 2031 chẳng hạn, nếu mà quận bố trí được vốn đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa thì dỡ đi thôi. Còn trước mắt là phục vụ chính là nếu có hội họp thì mình hội họp; những ngày không có hội họp thì cho câu lạc bộ cầu lông sinh hoạt.
"Đây là công trình xã hội hóa do Ban chủ nhiệm nhà văn hóa người ta làm. Còn anh không cho ai thuê, không cho ai mượn cả. Vào đây chỉ có mục đích chính là họp và câu lạc bộ cầu lông sinh hoạt” – ông Hưng khẳng định.
Khi PV thắc mắc việc công trình không có giấy phép, nhưng khi phường báo cáo thì UBND quận Cầu Giấy có đồng ý cho xây dựng mà không cần giấy phép không? Ông Hưng cho biết: " Không, Quận nói bây giờ nó cấp bách như vậy thì anh làm việc đấy vì cho nhân dân, cho chính quyền địa phương thì anh em cũng ủng hộ thôi, nhưng mà anh phải tự chịu trách nhiệm. Thì anh chấp nhận anh chịu trách nhiệm. Chứ nếu đồng ý thì đã có văn bản”.
PV tiếp tục bày tỏ ý kiến, theo như các quy định của pháp luật, khi triển khai đầu tư các hạng mục nào trên đất công ích đều phải có sự chấp nhận về chủ trương, cũng như giấy phép thực hiện. Có như vậy mới bảo vệ được môi trường, đảm an toàn trong thi công cũng như hoạt động, vị Chủ tịch UBND phường Yên Hòa liền nói:
"Thế thì em cũng chả vào đây làm việc được với anh. Cái việc đấy anh thừa biết. Nhưng mà nó vào trong cái thế nó như thế này thì bắt buộc anh phải làm như thế này. Cá nhân anh khẳng định không phải người khác vào đấy thuê mượn, Ban Chủ nhiệm và phường làm cái này. Em cứ lên bài thoải mái, anh không ngại chuyện đó. Cá nhân anh chịu trách nhiệm trước Quận. Anh làm anh không có vớ vẩn ở đấy thì chả ngại cái gì cả. Còn anh đang thích về hưu...”.
Dù được trao đổi công trình để phục vụ chính là hội họp, sau đó là sinh hoạt cầu lông, nhưng tại hồ sơ thiết kế, công trình lại chỉ mang tên: Nhà thi đấu cầu lông.
Từ trao đổi của ông Nguyễn Duy Hưng có thể thấy, công trình gần 1000m2 kết cấu khung thép, lợp tôn trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường Yên Hòa không được UBND quận Cầu Giấy cấp phép, nhưng phường Yên Hòa vẫn cho xã hội hóa để thực hiện.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Phường Yên Hòa đưa ra lý do để bỏ qua công đoạn cấp phép khi thực hiện công trình như vậy đã đúng hay chưa? Và nếu trong quá trình thi công, hoạt động không may xảy ra các vấn đề về an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường, ảnh hưởng đến tính mạng con người... thì những ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Liệu việc sử dụng tài sản công ở đây có "biến tướng" giống như Trung tâm Văn hoá, Thể thao các quận, huyện mà báo chí đã từng phản ánh nhiều lần không?
Việc người dân sửa chữa nhà cũng cần phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, huống chi một công trình xây dựng gần ngàn m2 trên đất công do UBND Phường Yên Hoà làm quản lý mà lại không cần phải có giấy phép xây dựng? Phải chăng với người thì phải chấp hành đúng theo quy định của pháp luật, còn chính quyền phường Yên Hoà thì không cần phải chấp hành ?!
Để làm rõ những khúc mắc này, rất mong UBND quận Cầu Giấy; UBND thành phố Hà Nội và các ban, ngành liên quan vào cuộc kiểm tra, có cầu trả lời thỏa đáng. Có như vậy, những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, văn minh đô thị mới thực sự được chấp hành và đi vào cuộc sống.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc./.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.