moitruongplus Dự án đầu tư xây mới trường THPT Ngô Quyền ở phường Hà Khánh (TP Hạ Long, Quảng Ninh) có vốn đầu tư gần 110 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đang gặp ‘vấn đề’ về xử lý chất thải
Khó khăn lo thủ tục cấp phép vận chuyển chất thải…
Theo tìm hiểu, Dự án trên do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư dự án là 109.795.855.000 đồng. Đơn vị thi công là Liên danh nhà thầu giữa Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hạ tầng Thăng Long- Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng thương mại 369- Công ty Cổ phần thiết bị phòng cháy chữa cháy Quảng Ninh - Công ty Cổ phần Hato. Trong đó, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hạ tầng Thăng Long (sau đây viết tắt là Công ty Thăng Long, có địa chỉ tại số 57 phố Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội là Liên danh chính, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Kiêu.
Toàn cảnh Dự án xây mới trường THPT Ngô Quyền ở phường Hà Khánh, TP Hạ Long
Quá trình triển khai thi công, Dự án đang gặp ‘vấn đề’ về quản lý, xử lý chất thải là bùn đất phát sinh từ việc đào móng công trình. Hiện nay, hàng ngàn m3 bùn đất thải chưa được cấp phép vận chuyển đi xử lý nên phải tập kết ngay trên mặt bằng thi công dự án. Điều này đã gây ra những hệ luỵ tiêu cực đến môi trường, bởi lượng chất thải được chất cao ngút không được che chắn khiến bụi bẩn bị cuốn ra đường, bay vào nhà dân mỗi khi có cơn gió lớn.
Đặc biệt, việc tập kết chất thải tại đây đã làm hạn chế mặt bằng triển khai thi công, thu hẹp điểm tập kết vật liệu xây dựng, ảnh hưởng đến máy móc, phương tiện thi công tại công trình, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động là rất lớn.
Đất bùn thải đáng lẽ phải được vận chuyển đi xử lý theo quy định, thì chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn cho tập kết thành đống cao ngút trong khuôn viên của dự án, gây ảnh hưởng rất xấu đến môi trường, mặt bằng thi công.
Có mặt ghi nhận thực tế tại dự án, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận khu vực dự án đều được quây tôn kín, bên trong có 2 dãy nhà đang gấp rút thi công và một phần móng đang được triển khai. Trong khuôn viên mặt bằng dự án được tập kết rất nhiều đống đất thải lớn màu đen, màu nâu. Những đống đất này được bố trí rải rác trong khuôn viên chứ không tập trung tại một vị trí cố định, chính việc này càng gây ảnh hưởng đến môi trường, đã thu hẹp mặt bằng thi công, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.
Bất thường trong sử dụng vật liệu thi công dự án
Điều khiến nhiều người dân lo lắng không chỉ là việc khối lượng chất thải trên không được vận chuyển ra ngoài dự án để xử lý theo quy định, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xung quanh, làm hạn chế mặt bằng thi công chung của dự án, mà có thể xảy ra tình trạng nhà thầu lợi dụng việc này để sử dụng chất thải để thi công san nền, lấp móng công trình. Nếu thực tế xảy ra sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thi công và công trình khi đưa vào sử dụng.
Đất thải lẫn rác, trạc thải xây dựng nhưng vẫn được sử dụng san lấp xuống mặt bằng thi công của dự án.
Theo quan sát tại khu vực đang tiến hành ép cọc phần móng ở vị trí trung tâm của dự án, có thể nhận thấy ở phía dưới vẫn còn một lớp đất màu đen không giống với màu đất thường dùng để san lấp công trình. Ngay cạnh đó, có 2 máy xúc đang tiến hành san gạt lượng lớn đất nghi là đất thải của dự án có lẫn rác, gạch vụn khiến người dân nghi ngờ về tính minh bạch của nhà thầu trong việc sử dụng vật liệu thi công không đạt chuẩn.
Cũng theo ghi nhận, trong khuôn viên dự án còn có một máy xúc khác đang san gạt một đống đất màu đen trông giống đất thải để tạo mặt bằng, ngay cạnh là những đống đất lẫn gạch, xi măng vụn với khối lượng không nhỏ.
Bên cạnh đó, quá trình tham gia thi công tại công trình đa số công nhân không dùng bảo hộ lao động khi làm việc, nhiều công nhân làm việc ở độ cao gần chục mét, khiến nguy cơ mất an toàn lao động, nguy hiểm đến tính mạng của người lao động là rất lớn.
Công nhân thi công ở độ cao gần chục mét nhưng không hề có trang bị bảo hộ an toàn lao động
Trả lời PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về nguyên nhân tại sao không vận chuyển chất thải trên đi xử lý theo quy định, một lãnh đạo Ban QLDA ĐTXD TP Hạ Long cho biết, lượng đất đổ thải của dự án là 5.300m3, được phép vận chuyển vào bãi đổ thải Đèo Sen cách dự án khoảng 3km. Hiện đang tạm giữ tại công trường để chờ sau khi hoàn thiện thủ tục vận chuyển thì mới chuyển đi được?!
Đến đây dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, vì sao nhà thầu đã được cấp phép địa điểm, vị trí đổ thải rõ ràng như trên mà lại không vận chuyển chất thải dự án đi xử lý theo quy định? Hay còn một lý do nào khác, chẳng hạn như ‘tạo điều kiện’ để nhà thầu tận dụng lượng chất thải này để tái sử dụng thi công công trình này như ý kiến nghi ngờ trên của người dân?
Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, chính quyền TP Hạ Long và chủ đầu tư dự án sớm kiểm tra, làm rõ những bất cập nêu trên để trả lời minh bạch trước công luận./.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.