moitruongplus Nhiều người dân phản ánh tình trạng mùi hôi thối rất khó chịu từ nhà máy chế biến mủ Cao su Ia Chim của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum (xã Ia Chim, TP Kon Tum) khiến cho đời sống, sinh hoạt của bà con bị ảnh hưởng.
Người dân bị ảnh hưởng bởi mùi hôi
Chị Y. là người làm cỏ thuê gần với nhà máy chế biến mủ cho biết: Hơn 1 tuần nay, kể từ khi làm cỏ ở đây, mùi hôi thối nồng nặc bay ra từ nhà máy chế biến mủ cao su khiến mọi người không thể chịu nổi. Mùi hôi bay tùy theo hướng gió, những lúc làm cỏ gần với nhà máy thì hầu như không thể làm nổi vì mùi hôi.
Ông T. là người dân địa phương cho biết: Mùi hôi từ mủ cao su tại nhà máy bay ra diễn ra trong nhiều năm nay. Hiện đang vào mùa chế biến mủ cao su, mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ nhà máy, khiến trong người cảm thấy khó chịu, không thể thở nổi. Chỉ cần đi men theo tường rào gần khu vực xử lý nước thải thì mùi hôi càng nồng nặc hơn nữa. Thời gian trước, phía nhà máy muốn làm đường ống dẫn nước thải đi qua phần đất của tôi nhưng vì gia đình sợ bị ảnh hưởng nên không đồng ý, nên nhà máy chọn nơi khác để lắp đặt đường ống.
Mùi hôi từ nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum khiến người dân bị ảnh hưởng.
Để tìm hiểu thông tin, PV đăng ký làm việc với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum. Ông Ngô Văn Mân - Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cho biết: Vấn đề môi trường Công ty cũng nhận thức rất rõ, ngoài việc tăng trưởng phát triển còn đảm bảo gắn liền với an sinh xã hội. Năm 2018 Công ty đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho nhà máy chế biến mủ cao su Ia Chim là 35 tỷ, nước thải đạt chuẩn cột A. Ngoài ra, công ty còn đầu tư tháp khử mùi và thay đổi phương pháp chế biến bằng phương pháp cán ủi gián tiếp để giảm mùi, trong quá trình sản xuất có thời điểm có mùi nhưng không thường xuyên.
Tháng 7/2023 Hệ thống quan trắc tự động kết nối với sở TN&MT bị sét đánh nên bị trục trặc, công ty đã báo cáo với Sở và xin gia hạn đến cuối tháng 11 sẽ hoàn thành lắp đặt hệ thống mới – Ông Mân cho biết thêm.
Tại khu vực đất trồng cây khoai môn của người dân nhiều đoạn trên đường ống bị vỡ, nước chảy lộ thiên
Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các điểm thu gom mủ của Công ty Cao su Kon Tum
Theo ghi nhận của phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, phía sau nhà máy, phần ống dẫn nước thải từ bên trong nhà máy chạy ra ngoài được lắp đặt dưới phần đất của người dân, tại khu vực đất trồng cây khoai môn của người dân nhiều đoạn trên đường ống bị vỡ, nước chảy lộ thiên. Ngoài ra, tại thôn Tân An, xã Ia Chim, PV ghi nhận nhiều hình ảnh liên quan đến tình trạng mủ tươi nổi bọt trắng xóa, chảy tràn lan ra môi trường xung quanh khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại một số điểm thu gom mủ cao su của Công ty Cao su Kon Tum.
Một lượng lớn mủ Cao su chảy thành dòng ra môi trường xung quanh, mủ cao su tại đây nổi bọt trắng tại các địa điểm thu gom mủ cao su tại thôn Tân An, xã Ia Chim.
Giải thích về những vấn đề mà PV ghi nhận, ông Ngô Văn Mân - Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cho biết: Vấn đề đường ống lắp đặt dưới mặt đất đi qua phần đất của người dân bị vỡ nhiều đoạn, sau khi nhận phản ánh của PV, Công ty đã chỉ đạo khắc phục, sắp tới sẽ di chuyển đường ống nước đến địa điểm khác để tránh ảnh hưởng đến việc canh tác của người dân.
Ông Mân cho biết thêm: Toàn Công ty có 86 điểm thu gom mủ, đa số các điểm thu gom, Công ty đều đầu tư giếng nước, bể chưa mủ nước… theo quy trình thu gom của Tập đoàn. Tuy nhiên, ở xã Ia Chim có 2 điểm thu gom mủ gần nhà máy chế biến, vườn cây này trồng từ năm 1997 khả năng đến năm 2026 sẽ thanh lý vườn cây để tái canh, nên công ty hạn chế đầu tư, 2 điểm này không có bể chứa mủ nước, làm bằng thủ công nên có mủ cao su trong quá trình đưa lên xe vận chuyển bị chảy ra làm mất vệ sinh, vì thời điểm này việc thu mua gom cao su nhiều nên chưa kịp vệ sinh. Tuy nhiên, sau khi các xe chở mủ xong sẽ chở nước đến để vệ sinh những chỗ này.
Mủ tươi chảy tràn lan tại các điểm thu gom mủ tại thôn Tân An, xã Ia Chim của Công ty Cao su Kon Tum dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường tại đây.
Trao đổi với PV, bà Uông Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết: Nhà máy chế biến mủ trên địa bàn xã qua kiểm tra thì mấy năm gần đây không có ảnh hưởng gì đến hoa màu của người dân, và cũng không có ý kiến phản ánh của người dân đến chính quyền xã. Về mùi hôi thì có, nhiều năm trở lại đây cũng giảm nhiều, cách đây 2 năm người dân có phản ánh nước thải chảy ra ruộng của dân nhưng gần đây hầu như không có phản ánh. Đối với địa điểm thu gom mủ cao su thì không tránh việc mủ tươi đổ ra ngoài, việc quản lý thuộc về Công ty cao su, vừa khai thác vừa thực hiện bảo vệ môi trường.
Tại buổi làm việc với bà Uông Thị Trang – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim, PV đã cung cấp đầy đủ những hình ảnh liên quan đến đường ống xả nước thải qua xử lý bị vỡ ra trên phần đất người dân và vấn đề nguy cơ ô nhiễm môi trường các điểm thu gom mủ trên địa bàn thôn Tân An, xã Ia Chim của Công ty Cao su Kon Tum. Đối với những nội dung này, bà Trang cho biết sẽ kiểm tra lại, tổng hợp các nội dung và sẽ trả lời trong thời gian tới./.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.